- Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn thi tốt nghiệp năm 2014, và ngay lập tức lại phát sinh vấn đề: Theo cách xét tốt nghiệp mới, có thể sẽ có những thí sinh trượt tốt nghiệp THPT 2013 lại đỗ tốt nghiệp THPT 2014 mà không cần phải thi.

Điều 33 Quy chế thi tốt nghiệp THPT mục công nhận tốt nghiệp đối với giáo dục thường xuyên (GDTX) quy định, đối với thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên cho kỳ thi tổ chức trong năm tiếp ngay sau đó nếu có quy định thi các môn đó.

Trong khi đó, tại phụ lục 5 của Hướng dẫn chấm thi, chấm kiểm tra, phúc khảo và công nhận tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, nêu rõ: “Việc bảo lưu điểm thi quy định tại Điều 33 của Quy chế chỉ áp dụng với thí sinh đã dự thi tốt nghiệp ở GDTX trong kỳ thi năm 2013; trường hợp thí sinh đăng ký dự thi có điểm bảo lưu của cả 4 môn đăng ký thì không phải dự thi; nếu thí sinh đã đăng ký bảo lưu điểm thi thì không được dự thi các môn này”.

Theo quy định, kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 học viên GDTX thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí.

Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp năm 2013, hệ GDTX thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Vật lý.

Như vậy, một thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2013 vì không đủ 30 điểm/6 môn. Tuy nhiên, nếu em đó đã có điểm bảo lưu của tối thiểu 4 môn, và trong 4 môn đó đã có hai môn ngữ văn, toán thì em này đương nhiên đỗ tốt nghiệp trong năm 2014 mà không cần phải thi thêm bất cứ môn nào.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trong phần phụ lục về đăng ký dự thi và tổ chức hội đồng coi thi có quy định: “Thí sinh tự do của giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp GDTX nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp GDTX (hoặc bổ túc THPT trước đây)”.

Quy định này cũng được xem là chưa công bằng, nếu so sánh với những thí sinh hệ GDTX có thể ung dung tốt nghiệp không cần thi thêm môn gì, thì thí sinh hệ THPT trượt tốt nghiệp phải thi lại đủ cả 4 môn theo tư cách thí sinh tự do.

"Quy chế chỉ mang tính tổng quát"

Sáng 4/4, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), đã giải thích về bất cập này.

Theo đó, các thí sinh có điểm bảo lưu theo quy định tại khoản 1 của Điều này được dự thi một trong hai cách: Thi tất cả các môn thi quy định trong kỳ thi; Chỉ thi các môn thi không có điểm bảo lưu".

Thực hiện quy định này, với việc giảm số môn thi từ 6 môn trước đây xuống còn 4 môn, sẽ có trường hợp thí sinh dự thi GDTX năm 2013 nhưng trượt tốt nghiệp, đăng ký dự thi năm 2014 gồm 4 môn được bảo lưu điểm thi. Có thể sẽ có thí sinh đỗ tốt nghiệp mà không cần phải dự thi.

Nhưng cần phải lưu ý rằng, với quy định mới về việc xét công nhận tốt nghiệp thì tổng điểm của 4 môn (điểm thi hay điểm bảo lưu) chỉ chiếm 50% tổng điểm xét tốt nghiệp.

“Việc tính toán được vận dụng theo quy chế mới. Cách tính trên đã tính toán đến điểm trung bình của học sinh (50%) vào điểm xét tốt nghiệp. Điều kiện dự thi là thí sinh không xếp loại kém trở lên.
{keywords}

Quy chế mang tính phổ quát. Còn trong đó có thể có trường hợp cá biệt. Nhưng vẫn phải giải quyết trong khuôn khổ quy chế. Việc giao thoa giữa cái cũ và mới có thể xảy ra những trường hợp như vậy” – lời ông Trinh.

Cũng tại quy chế này quy định không trộn lẫn thí sinh của hai trường phổ thông nếu thi liên trường mà phải tách riêng.

Theo Cục trưởng Mai Văn Trinh: Việc tổ chức thi liên trường, cụm trường trước đây với quy định xếp thí sinh các trường phổ thông khác nhau trong cùng 1 phòng thi ở các Hội đồng coi thi đã từng dẫn đến hiện tượng "cứu thi": Thí sinh ở trường có chất lượng thấp được thí sinh ở trường chất lượng cao hơn hỗ trợ làm bài thi.

Đây là 1 trong những nguyên nhân làm cho khâu coi thi còn là khâu yếu trong quy trình tổ chức thi. Do đó quy chế thi mới đã qui định không “trộn” thí sinh của các trường trong phòng thi.

  • Chi Mai - Văn Chung