Bỏ lại cuộc sống viên mãn, gia đình anh chị Gifford (Washington, Mỹ) quyết định lên con thuyền Totem bắt đầu một cuộc hành trình mới – nơi mà họ cho rằng những đứa trẻ sẽ học được những điều bổ ích và ý nghĩa hơn.
Gia đình Gifford ở Australia tháng 12/2010 |
Ý định sống trên biển của gia đình Gifford nhen nhóm từ những năm 2000. Nó nhận được nhiều phản ứng khác nhau từ bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, gần như ai cũng ủng hộ mặc dù họ còn không biết rõ lịch trình.
Hai vợ chồng Behan và Jamie đã mất 6 năm để lên kế hoạch, sắp xếp lại cuộc sống, bán tài sản, tìm một con thuyền tốt, thoái vốn kinh doanh của Jamie và tiết kiệm tiền.
Trước khi bỏ lại cuộc sống ở Washington, chị Behan làm việc trong ngành truyền thông kỹ thuật số cho một công ty quảng cáo. Còn anh Jamie đồng sở hữu một doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế.
Từ bỏ tài sản, việc làm, đồ đạc, ô tô, đồ chơi, sách thực sự là quyết định khó khăn. “Nhưng khi bạn vượt qua được rào cản này, mọi việc thật dễ dàng, thật tự do”.
Gia đình nhà Gifford bắt đầu hành trình của mình từ bến cảng của Đảo Bainbridge ở Puget Sound, Washington vào năm 2008.
Họ mang ảnh gia đình đến gửi ở nhà bố mẹ, cho thuê ngôi nhà đang ở và xin nghỉ việc. Đó là bước ngoặt lớn của gia đình.
Bọn trẻ ở Admiral Marina, cảng Dickson, Malaysia |
Mairen Gifford (trái), Siobhan Gifford (phải) kết bạn với một một đứa trẻ người Tonga vào tháng 8/2010 |
Ba đứa trẻ nhà Gifford thậm chí còn không biết bơi khi còn ở Mỹ |
Bốn mẹ con đi chợ Vava’u ở Tonga |
Họ không biết mình sẽ đi đâu và khi nào sẽ trở về. Điểm đến sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu và sự hứng thú của bọn trẻ.
“Cuộc sống này có quá nhiều điều để nhớ” – chị Behan Gifford – người mẹ đã cùng gia đình mình phiêu lưu suốt chục năm nay chia sẻ. “Đây không phải là một kỳ nghỉ, mà là một lựa chọn cách sống”.
Trước khi quyết định chu du trên biển, gia đình Gifford có mọi thứ. “Nhưng mỗi ngày khi tỉnh dậy, chà, bạn tự hỏi rồi cuộc sống sẽ đi đến đâu. Bạn bắt đầu nhận ra rằng không có gì là vĩnh viễn. Tại sao chúng ta lại không làm điều đó ngay bây giờ?” – anh Jamie nói.
Siobhan kể lại cảm giác của cả gia đình khi khám phá khu du lịch sinh thái Palmlea ở phía bắc Vanua Levu, đảo Fiji tháng 1/2010 |
Gia đình gồm 5 thành viên này đi trên con thuyền mang tên Totem, vì thế họ còn được gọi với cái tên là “Gia đình Totem”.
Khi chị Behan bắt đầu viết blog – trước khi họ lên thuyền đi du lịch khoảng 1 năm, lúc đó blog chỉ là cách để chị chia sẻ những chuyến đi mới của gia đình với bạn bè trên khắp thế giới. Còn bây giờ, blog của chị đã trở thành một thứ gì đó hơn thế. Đó là cách mà chị ghi lại cuộc sống của cả gia đình trên biển – cuộc sống mà chị và gia đình theo đuổi.
Khi lên tàu, họ kiếm tiền từ việc chụp ảnh và viết, đôi khi là từ công việc tư vấn của Jamie về các thiết bị mới, việc lắp đặt…
Cuối năm 2013, Behan chia sẻ: “Hiện tại, tài chính của chúng tôi không dựa vào những công việc mà chúng tôi làm khi đang đi du lịch. Khi chúng tôi cần nhiều tiền hơn cho chuyến đi này, chúng tôi sẽ dừng lại để làm việc. Đó là lý do chúng tôi dành cả năm 2011 và nửa năm 2012 ở Australia”.
Trong khi ở Australia, Behan quay trở lại với công việc quảng cáo online ở một công ty truyền thông kỹ thuật số. Bọn trẻ thì cố gắng làm quen với trường học truyền thống trong khoảng 6 tháng.
Giống như những đứa trẻ sống trên thuyền, ba đứa trẻ Niall, Mairen và Siobhan học tại nhà. Tuy vậy, cuộc sống trên biển mang lại vô số cơ hội học tập khác. Bọn trẻ được trải nghiệm thế giới theo cách mà hầu hết trẻ con trên thế giới không có được. Chúng kết bạn ở mỗi bến cảng mà chúng dừng chân.
“Chúng tôi chỉ có 1 tuần ở cảng Dickson, Malaysia nên bọn trẻ dùng thời gian đó để liên lạc lại với 4 đứa trẻ mà chúng tôi đã gặp ở Pháp hồi năm 2010 và kết bạn thêm với 2 đứa trẻ khác ở một con thuyền gần đó” – chị Behan chia sẻ.
Bọn trẻ thích thú khi được ngắm nhìn những địa điểm mới, những loài động vật mới. Công việc hằng ngày của họ ở trên thuyền là giặt giũ, cạo hàu, ngắm cá, bơi, theo dõi thời tiết và thưởng thức thời gian rảnh rỗi. Họ cũng có một chiếc kính hiển vi và các dụng cụ khác cho công việc nghiên cứu cơ bản.
Bọn trẻ học về thế giới khi ở trên biển và ở chính những bến cảng mà họ dừng chân – những điều mới mẻ không thể có ở những lớp học thông thường. Chúng hiểu về rác thải theo một cách mới, ví dụ như rất khó để xử lý rác thải khi ở trên thuyền. Chúng cũng phải tiết kiệm nước và học cách không sử dụng quá nhiều đồ đạc như trước kia.
“Đó là một trong những nền giáo dục tốt nhất mà chúng tôi có thể mang lại cho bọn trẻ bây giờ” – Behan nói.
- Nguyễn Thảo