- Bên lề hội thảo Đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông diễn ra ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT – ông Nguyễn Vinh Hiển- đã trao đổi với báo chí về vấn đề đang rất nóng hiện nay: sự thay đổi đề thi môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến về sự thay đổi đề thi môn văn. Vậy phương hướng của Bộ GD-ĐT về các đề thi văn tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 như thế nào, thưa ông?
- Thực ra là các đề thi môn văn năm nay sẽ có thay đổi, theo hướng quán triệt đúng hơn mục tiêu dạy học và quán triệt sát sao hơn những điều Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn lâu nay.
Với việc thời gian làm bài môn văn tốt nghiệp THPT rút xuống còn 120 phút, ông có thể cho biết liệu đề thi có thay đổi đột biến hay thay đổi lớn nào?
- Thay đổi chính của đề thi là quán triệt mục tiêu dạy học. Điều này cũng không phải là thay đổi lớn. Việc này được quán triệt từ nhiều năm nay. Công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học nào cũng nói đến điều này. Trong quá trình chỉ đạo, Bộ GD-ĐT cũng thường xuyên đề cập.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: "Mấy năm nay, Bộ GD -ĐT không công bố cấu trúc đề thi rồi. Bây giờ, chúng ta không nói đến cấu trúc đề thi mà nói đến ma trận đề thi. Ma trận yêu cầu phần vận dụng kiến thức nhiều hơn". Ảnh: Xuân Trung. |
Thời gian thay đổi, cấu trúc đề thi có thay đổi?
- Mấy năm nay, Bộ GD -ĐT không công bố cấu trúc đề thi rồi. Bây giờ, chúng ta không nói đến cấu trúc đề thi mà nói đến ma trận đề thi. Ma trận yêu cầu phần vận dụng kiến thức nhiều hơn.
Thời gian thi rút ngắn từ 150 phút xuống 120 phút, như vậy đề thi sẽ được “rút ngắn” để phù hợp với thời gian?
- Dung lượng đề thi cho học sinh làm bài sẽ phù hợp thời gian, không chỉ với môn văn mà cả các môn khác khi có sự thay đổi thời gian thi.
Ngoài môn văn và toán của năm nay, nhưng năm tới sẽ có môn nào khác thay đổi không, thưa ông?- Điều này phụ thuộc một số yếu tố. Thời gian thi sẽ đến một mức độ nào để có thể đánh giá được điều mình muốn, không cần thiết phải nhiều thời gian hơn, nhưng không ít quá để đánh giá khối lượng cũng như yêu cầu. Sẽ phải có cân nhắc cụ thể về vấn đề này.
Một số cấu trúc đề thi đã đăng tải trên báo chí thời gian qua của ông Đỗ Ngọc Thống và bà Phạm Thị Thu Hiền có thể hiểu là đề mẫu hay đề tham khảo, thưa ông?
- Đây là kênh tham khảo của Bộ, và của tất cả giáo viên, học sinh.
Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ môn văn cũng sẽ thay đổi?
- Đề thi tuyển sinh môn văn cũng sẽ thay đổi theo hướng này.
Có khả năng đề thi tốt nghiệp ra văn bản nằm ngoài sách giáo khoa không, thưa ông?
- Có thể, nhưng sẽ không vượt quá năng lực mình muốn hướng tới.
Lâu nay giáo viên và học sinh đều hiểu đề thi bám chương trình tức là không thoát ra khỏi các tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường…
- Đó là hạn chế, là cách hiểu không đúng. Chương trình yêu cầu học sinh đạt được năng lực, kỹ năng như thế nào không có nghĩa là học tác phẩm nào thi tác phẩm đó. Mà điều này có nghĩa là qua tác phẩm đó năng lực đọc hiểu đạt được đến đâu, cảm thụ đến đâu. Sẽ phải thi và kiểm tra điều này chứ không phải kiểm tra độ nhớ tác phảm.
Rất nhiều ý kiến từ chính các giáo viên và người quản lý cho rằng phải có chỉ đạo, hướng dẫn chứ không thể đột ngột quyết định một sự thay đổi?
- Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo rồi, nhưng một số người cố tình không hiểu.
Nhưng nếu cả 63 tỉnh thành đều không hiểu?
Không phải tất cả 63 Sở. Bạn lấy thống kê này ở đâu?
Có phải những điều thống nhất trong hội thảo ngày hôm nay sẽ được vận dụng trong kỳ thi tới?
- Hội thảo này chỉ quán triệt hơn những gì đã nói lâu nay, không có gì mới.
Xin cảm ơn ông.
Giáo viên ủng hộ trong lo lắng, học sinh tá hỏa Hơi hoang mang, băn khoăn, lo lắng, sốc, tá hỏa … là những từ mà những nhà giáo đứng lớp, nhà quản lý ở địa phương nói về tâm trạng của học sinh và cả giáo viên trước những dự kiến thay đổi trong đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn mà Bộ GD-ĐT đang rục rịch tiến hành.
Ông Ngô Hương, Trường Quốc học Huế khẳng định hai đề này rõ ràng là "hay và rất sáng tạo". So sánh với đề cũ thì khó hơn, yêu cầu nhiều hơn, thời gian ngắn hơn. “Nếu ra đề thi dạng này chỉ 10% học sinh đạt từ 5 điểm trở lên ngành giáo dục sẽ giải thích như thế nào? Năm 2009 đã từng đổi mới đề thi và kết quả là một số địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long có điểm thấp hẳn, dư luận phản ứng, Bộ đã phải lập đoàn vào kiểm tra xem chấm đúng không, thfi kết quả là chấm hoàn toàn đúng. Vậy bây giờ mà đổi mới môn văn điểm thấp xuống xã hội sẽ như thế nào?” – thầy Hương đặt câu hỏi. Xem chi tiết TẠI ĐÂY
|
- Chi Mai ghi