- Vấn đề cấp thiết của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam nếu muốn đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế về giáo dục thì phải phân tầng. Phân tầng là bước khởi đầu của quy hoạch phát triển GDĐH dựa theo nhu cầu xã hội với cách tiếp cận thị trường.

Mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD-ĐT đặt tên các cơ sở giáo dục ĐH bằng tiếng nước ngoài cho chuẩn.

Thực tế về GDĐH trên thế giới không phải bất cứ cơ sở GDĐH cấp bằng cử nhân đều gọi là University và cách gọi tên cũng khá phức tạp tùy thuộc vào ngôn ngữ, lịch sử, truyền thống phát triển giáo dục ĐH của mỗi nước.

Tuy nhiên, ở nước ta mặc dù nền GDĐH còn khá trẻ (so với thế giới) nhưng cho thấy khá tùy tiện trong cách đặt tên qua tiếng Anh.

Nhưng vấn đề không nằm trong sự đơn giản và tùy tiện của cách đặt tên trường ĐH không giống ai của chúng ta mà còn thể hiện cơ cấu hệ thống giáo dục ĐH đang có nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết.

Có thể xử lý việc đặt tên qua tiếng Anh mới là sự khởi đầu cho việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở GDĐH Việt Nam trên cơ sở phân tầng cơ sở giáo dục ĐH.

{keywords}

Mỗi trường ĐH tương tự như một cơ sở sản xuất có sứ mệnh, mô hình quản trị, “sản xuất”, đối tượng khách hàng khác nhau…thì không thể khoác lên mình bộ đồng phục University được.

Tại sao phải phân tầng đối với GDĐH Việt Nam?

Phân tầng là vấn đề cấp thiết của GDĐH Việt Nam nếu muốn đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế về giáo dục. Như chúng ta biết, bất kỳ một nền giáo dục nào cũng phải đáp ứng được 3 nhóm nhu cầu thuộc về người học (hoặc gia đình), doanh nghiệp hoặc cơ quan sử dụng nhân lực và nhu cầu của Chính phủ.

Người học có nhu cầu nâng cao trình độ, năng lực bản thân để có thể có được việc làm, thu nhập hoặc nhu cầu khác; người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển được lao động có năng suất cao, dễ đào tạo, thích ứng nhanh với môi trường..; Chính phủ thì có nhu cầu về chất lượng và hiệu quả đào tạo, nhiều người được học nhưng chi phí phải ít, giảm thất nghiệp, xã hội ổn định.

Các nhu cầu này rất đa dạng và phong phú. Ngay trong một lĩnh vực kinh tế - xã hội sự đa dạng về nhu cầu chất lượng và số lượng cũng khác nhau điều đó đòi hỏi việc thiết kế hệ thống  đào tạo nhân lực cũng phải theo sát nhu cầu nhân lực.

Nền kinh tế tri thức thì cần các ĐH nghiên cứu xuất sắc; nền kinh tế công nghiệp thì cần nhiều các ĐH kỹ thuật, công nghệ hoặc khoa học ứng dụng; nền kinh tế mà sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, dịch vụ kém phát triển thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường CĐ sẽ phải có sứ mệnh đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế ấy.

Như vậy, bên cầu thế nào thì bên cung phải có sự đáp ứng tương thích. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, nhu cầu người học ĐH ngày càng tăng, đòi hỏi về lao động có trình độ ĐH ngày càng khắt khe, việc phân tầng GDĐH sẽ giúp chúng ta hình thành chinh sách, cơ chế để đáp ứng hiệu quả các nhu cầu đó trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp.

Như vậy, phân tầng GDĐH chính là bước khởi đầu của quy hoạch phát triển GDĐH dựa theo nhu cầu xã hội với cách tiếp cận thị trường.

Các ĐH không chung một công thức

Tư duy “đồng phục” cào bằng vốn tồn tại phổ biến trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, làm cho GDĐH mất đi thuộc tính đa dạng vốn có của mình.

Khi có sự phân tầng, trường ĐH sẽ tự xác định cho mình sứ mạng, chức năng và nhiệm vụ cơ bản để có mô hình cơ cấu tổ chức phù hợp và cấu trúc quản trị hợp lý. Rõ ràng, mức độ tự chủ sẽ khác nhau tùy theo đẳng cấp của mình và không thể “nhốt” các trường ĐH, CĐ vào cùng một rọ để cơ quan quản lý nhà nước ban cho quyền tự chủ như nhau. Như vậy sẽ tạo ra sự lộn xộn trong giáo dục.

Một số trường ĐH hoặc CĐ nếu xếp loại thuộc tầng thấp nhất nhưng lại có quyền tự chủ như các ĐH thuộc tốp đầu thì hoàn toàn vô lý. Điều này đã được thể hiện khá rõ ở Luật GDĐH - tự chủ phải có điều kiện và phải đáp ứng các tiêu chuẩn do nhà nước quy định.

{keywords}

Khi phân loại trường ĐH theo các tầng thì Nhà nước sẽ có cơ chế tài chính tương thích với mô hình quản trị và không thể có chuyện cào bằng trong việc phân bổ kinh phí; điểm chuẩn tuyển sinh cũng từ đó mà xác định chứ cũng không phải mang cái thước điểm sàn ra để áp cho mọi trường. Nói cách khác đối tượng tuyển sinh khi đó sẽ khác tùy theo trường ĐH của anh thuộc tầng nào và đáp ứng nhu cầu chủ yếu nào của xã hội.

Khi phân tầng thì tùy thuộc vào sứ mệnh, vài trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, đối tượng tuyển sinh, nhu cầu thị trường lao động để có chương trình đào tạo, suất đầu tư, cơ cấu nhân sự quản lý và giảng dạy sẽ có sự điều chỉnh theo.

Khi đó sẽ chẳng có một công thức chung áp cho tất cả các trường ĐH về tỷ lệ sinh viên/giảng viên ở một khối ngành nào đó hay tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Nhà nước lúc đó sẽ bớt đi những quy định chung cứng nhắc, bó hẹp áp lên sự đa dạng ở các trường. Đặc biệt, các tiêu chuẩn kiểm định của Nhà nước cũng phải theo sự phân tầng này....

Bỏ tư duy 'đồng phục'?

Nếu không phân tầng chúng ta sẽ khó có mô hình quản trị và tài chính đúng đắn đối với mỗi nhóm trường ĐH (quản trị và tài chính là 2 vấn đề căn bản của GDĐH nước ta); chúng ta cũng không có các chương trình đào tạo phù hợp với nhà trường cũng như những vấn đề về nhân sự và tổ chức khác...

Sự phát triển đa dạng của GDĐH cần được đặt trong sự thống nhất về chính sách để đạt được mục tiêu chất lượng, hiệu quả và cơ hội bình đẳng tiếp cận GDĐH của người dân. Phân tầng được đề cập trong Luật Giáo dục ĐH là một bước thay đổi nhận thức quan trọng để cởi bỏ tư duy “đồng phục” của cả hệ thống sang sự phát triển đa dạng của hệ thống mà vẫn đảm bảo tính thống nhất cần thiết.

Như vậy, rất cần định ra các tiêu chí và tiêu chuẩn về các phương diện như: sứ mệnh nhà trường, vai trò, chức năng, mô hình quản trị (governance - quản trị là cơ cấu tổ chức và cấu trúc quyền lực bên trong nhà trường), đối tượng tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tỷ lệ sinh viên cao học, nghiên cứu sinh trên tổng quy mô sinh viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, phòng thí nghiệm, suất đầu tư, sản phẩm nghiên cứu...

Khi đó trường nào được gọi là university hay college (hay institute) là trường trọng điểm, trường ĐH vùng... sẽ có các tiêu chí để xem xét một cách khoa học hơn.

Việc xác định lại tên cơ sở GDĐH qua tiếng nước ngoài không chỉ đơn giản là cái tên mà nó là bước khởi đầu quan trọng thay đổi nhận thức để làm cho GDĐH phát triển mạnh hơn, có bài bản hơn và hội nhập với quốc tế hơn.

  • TS.Hoàng Ngọc Vinh