"Chúng tôi muốn các trường đại học sẽ trả lương xứng đáng những nhà khoa học trẻ để việc chấp nhận làm việc ở đó không phải là việc tự sát khoa học. Chúng tôi sẽ dành thời gian và tâm sức của mình để tập trung ở những dự án bao gồm cả nghiên cứu và giảng dạy hơn là phản đối chính sách hành chính".

GS Ngô Bảo Châu cho biết như vậy trong bài trả lời phỏng vấn  GS Toán Neal Koblitz của ĐH Washington (Mỹ). Bài phỏng vấn đăng trên tạp chí The Mathematical Intelligencer (Mỹ) số ra tháng 3/2011, nội dung xoay quanh con đường học từ nhỏ của GS Ngô Bảo Châu và những dự định đối với Viện Nghiên cứu cao cấp về toán.

TIN BÀI KHÁC

Đối thoại của hai nhà khoa học



Trên blog của mình, GS vật lý Đàm Thanh Sơn giới thiệu: "GS Neal Koblitz là một người được nhiều người Việt Nam biết đến, đặc biệt là trong giới khoa học. Ông sang Việt Nam lần đầu tiên năm 1978 và tiếp tục gắn bó với Việt Nam đến bây giờ. Ông cùng với vợ, GS Ann Koblitz (Arizona State University), là người sáng lập ra quỹ Kovalevskaya; quỹ này hàng năm trao giải thưởng Kovalevskaya cho những phụ nữ xuất sắc trong khoa học. Quỹ này hoạt động tại Việt Nam, Cuba, Mexico và một số nước khác.

Sau khi GS Ngô Bảo Châu được huy chương Fields, GS Koblitz đã có một cuộc phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn này được đăng trên tạp chí The Mathematical Intelligencer. Bài báo đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có Viện Toán Cao cấp, giáo dục ở Việt Nam, vai trò của phụ nữ trong toán học, v.v. Tôi thấy nó không đơn thuần là một cuộc phỏng vấn, mà có thể coi là một cuộc đối thoại giữa hai nhà khoa học có nhiều gắn bó với Việt Nam."

Tại Việt Nam, GS Neal Koblitz được biết tới rộng rãi với tranh luận sau bản Báo cáo của ĐH Harvard về giáo dục VN năm 2009,  trong đó, có một số khuyến nghị cho Chính phủ VN về nâng cao chất lượng ĐH.

Trên blog của GS Đàm Thanh Sơn, ở phản hồi, bạn Dung Nguyen đã chuyển tới nội dung cuộc phỏng vấn trên, đã được chuyển sang tiếng Việt.

Thành viên đội tuyển toán ở VN nổi tiếng như ngôi sao điện ảnh

Trả lời câu hỏi thú vị của GS Koblitz "Anh có trở thành người nổi tiếng sau khì thi IMO năm 1988, và cả sau khi anh giành thêm một huy chương vàng nữa trong kì thi năm 1989? Tôi nghe nói thành viên đội tuyển toán ở Việt Nam nổi tiếng như ngôi sao điện ảnh ở phương Tây có phải không?", GS Châu dí dỏm:

"Vào thời điểm đó, ở Việt Nam không có nhiều ngôi sao điện ảnh như bây giờ, do đó có nhiều cơ hội cho một thành viên đội tuyển toán phổ thông trở thành người nổi tiếng. Tôi nghĩ sự so sánh của anh là cường điệu, tuy nhiên sự thật là một số thành viên đội tuyển toán của chúng tôi là đề tài của truyền thông và vẫn còn ghi dấu trong ký ức mọi người, dẫu rằng họ không bao giờ trở thành một nhà toán học chuyên nghiệp."

Sau đó là những câu hỏi của GS Koblitz về việc tại sao lại chọn du học ở Pháp, những khó khăn GS Châu gặp phải khi học ở Pháp, thú vui ngoài toán học, yêu cầu GS giải thích Bổ đề Cơ bản một cách đơn giản cho những người không chuyên môn có thể nắm được.

GS Ngô Bảo Châu trả lời: "Bổ đề Cơ bản thực chất là sự đồng nhất của 2 số, mỗi số được định nghĩa bằng một tích phân phức tạp. Sự đồng nhất này có nguồn gốc từ cấu trúc đại số của công thức vết Arthur-Selberg. Ban đầu nó được cho là một vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết bằng một lối tiếp cận tính toán phức tạp nhưng trực tiếp. Điều đó thực ra không đúng. Thời điểm này, Bổ đề cơ bản lại càng quan trọng khi rất nhiều những tiến triển của chương trình Langlands đựa vào tính xác thực của nó".

"Tập trung nghiên cứu và giảng dạy hơn là phản đối chính sách hành chính"

Khi được GS Koblitz hỏi về hướng nghiên cứu của Viện nghiên cứu mới khác gì so với Viện Toán học, những bước cơ bản để cái tiến nghiên cứu toán học ở Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu nói:

"Chúng tôi sẽ có gắng thu hút những nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài cũng như những nhà toán học ngoại quốc đến viện nghiên cứu của chúng tôi để tham gia các dự án, với sự ưu tiên hơn cho các nhà toán học Việt Nam. Họ có thể ở đây 3 tháng , 6 tháng hay 1 năm. Sẽ không có thành viên biên chế ngoài ban điều hành".

"Bước đầu tiên là phải tạo ra sự lựa chọn cho những nhà toán học trẻ Việt Nam. Điều đó là khả thi, ít nhất là những cơ sở tạm thời để họ có thể kiếm sống bằng việc nghiên cứu toán trên chính quê hương họ. Chúng tôi hy vọng có thể tạo được gắn bó trong khoa học cũng như cá nhân trong thời gian họ ở viện nghiên cứu mới để họ sẽ nhận làm việc tại những trường đại học của Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn các trường đại học sẽ trả lương xứng đáng những nhà khoa học trẻ để việc chấp nhận làm việc ở đó không phải là việc tự sát khoa học."

Với câu hỏi của GS Koblitz: "Tại liên bang Nga và Pháp, hầu hết các nhà toán học hàng đầu làm việc tại các viện nghiên cứu và rất ít tham gia đào tạo bậc đại học; ngược lại, tại Mỹ hầu hết các nhà toán học làm việc tại các trường đại học và giảng dạy các lớn từ cơ bản tới chuyên sâu. Rõ ràng là hệ thống của Việt Nam giống với Liên Xô và Pháp hơn là Mỹ, nhiều nhà toán học hàng đầu của Việt Nam không hoặc rất ít tham gia giảng dậy bậc đại học. Anh có thấy những trở ngại đó? Làm cách nào anh có thể liên kết tốt hơn đào tạo và nghiên cứu ở Việt Nam?", GS Châu trả lời:

"Thực tế là ở Việt Nam, nghiên cứu và đào tạo đang là hai hoạt động độc lập và được quản lý bởi hai bộ khác nhau. Điều đó không phải là điều kiện thuận lợi cho toán học và khoa học cơ bản, khi mà nghiên cứu và giảng dạy là động lực của nhau, và thực tế là rất khó có thể tách giảng dậy ở bậc cao với nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ dành thời gian và tâm sức của mình để tập trung ở những dự án bao gồm cả nghiên cứu và giảng dạy hơn là phản đối chính sách hành chính".

Bài toán tuyển sinh của Việt Nam

GS Koblitz nhận xét rằng: HS VN chỉ học toán để thi vào ĐH và sau đó họ không tiếp tục muốn học toán học nữa. Đó là một bước lùi lớn của hoạt động toán học sau trung học.

GS Châu đáp: "Áp lực của kỳ thi tuyển sinh đang giảm đi trong những năm gần đây. Bộ GD-ĐT xứng đáng được ghi nhận cho những thay đổi đó. Có thêm nhiều những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh. Tôi cho rằng, bài thi tuyển sinh hiện nay không phải là vấn đề chính. Vấn đề là trạng thái tổng thể của ngôi nhà chứ không phải là ở kích thước của cánh cửa".

GS Koblitz cũng nhận xét: Sinh viên Việt Nam có rất ít khái niệm thế nào là một nhà nghiên cứu. Nguy hại là thế hệ trẻ sẽ bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi văn hóa du nhập từ thông tin đại chúng, và sẽ không tiếp tục truyền thống học thuật, khoa học cũng như toán học của thế hệ trước.

Ông đặt câu hỏi liệu GS Châu có ý tưởng gì để truyền lại truyền thống đó cho thế hệ trẻ, và để khuyến khích họ đi theo con đường trở thành nhà toán học hay nhà khoa học.

GS Ngô Bảo Châu trả lời: "Tôi đồng ý là cần phải làm nhiều hơn để phổ cập khoa học cho thế hệ trẻ, kể cả bằng các liên hệ trực tiếp cũng như qua phương tiện truyền thông. Tôi thấy bất ngờ là truyền thông Việt Nam khá tôn trọng những thông điệp của chúng tôi".

GS. Neal Koblitz không chỉ dạy Lý thuyết số và công bố các bài báo khoa học ở những tạp chí toán học và mật mã học đầu ngành, ông còn được biết đến rộng rãi qua những hoạt động thúc đẩy khoa học và ủng hộ quyền bình đẳng nữ giới ở những vùng đất bị giới hạn và cấm vận bởi cuộc chiến tranh lạnh trong đó có Liên Xô, Cuba, Việt Nam, Nicaragua và El Salvador.

GS Neal Koblitz được biết tới với tranh luận sau bản Báo cáo của ĐH Harvard về giáo dục VN, trong đó, khuyến nghị cho Chính phủ VN về nâng cao chất lượng ĐH:
1. Tăng lương cho các giảng viên, giáo sư, và các nghiên cứu viên để có thể tiếp cận được với mức lương ở khu vực tư nhân.
2. Cấp học bổng cho sinh viên ở bậc cao học (Master) trong các ngành toán và khoa học.
3. Cấp kinh phí cho các chương trình mùa hè dành cho các sinh viên tài năng (ví dụ như những sinh viên có kết quả tốt trong các kỳ thi Olimpic toán).
4. Cố gắng vận động, gây ảnh hưởng đối với các công ty kỹ thuật cao đa quốc gia để xây dựng các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
5. Đưa ra một loại thuế mới đối với các công ty ở khu vực tư nhân - kể cả với các công ty đa quốc gia - để chỉ sử dụng vào các hoạt động của chính phủ nhằm hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Tú Uyên (tổng hợp)