- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bà Ngô Thị Minh nói bà rất tiếc khi Bộ trưởng không ở lại để tiếp thu ý kiến của các thành viên trong Ủy ban.

{keywords}

Bà Ngô Thị Minh (Ảnh: Minh Thăng)

Sáng nay (25/4), ngay sau khi đến phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội báo cáo quyết định xin rút lui thời gian trình đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã xin về và không dự tiếp phiên họp của Ủy ban.

Phát biểu trong phiên họp sáng nay, Phó Chủ nhiệm Ngô Thị Minh chia sẻ:

“Để chuẩn bị cho trình ở kỳ họp sau, nếu đến thời điểm này Bộ GD-ĐT vẫn chưa tổng kết được Nghị quyết 40, trong khi đó qua giám sát cho thấy có nhiều nội dung của chương trình SGK vẫn chưa thực hiện xong. Nhiều thiết bị thì vẫn đang đắp chiếu. Giáo viên, học sinh kêu là quá tải, thiếu thiết bị.

Vậy có cần phải đổi mới SGK ngay không? Nên chăng cần đổi mới SGK theo NQ 40 xong đi đã, kéo giãn sĩ số lớp học, thực hiện xã hội hóa giáo dục.Cần làm tốt những vấn đề này trước khi thực hiện đổi mới tiếp.

Vấn đề sinh viên ra trường thiếu việc làm cũng chưa giải quyết được. Giáo dục nghề nghiệp hiện nay cũng vậy, bị cắt khúc, thiếu liên thông, đào tạo không gắn với nhu cầu. ủy ban cần rút kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm thẩm tra đề án.

Nếu Bộ trưởng ở lại nghe ý kiến của Ủy ban, bà sẽ chất vấn điều gì?

Tôi sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT dừng Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa sau 2015. Tiếp theo, với tư cách đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Ninh tôi cũng nêu ý kiến của cử tri về những búc xúc của họ liên quan tới vấn đề giáo dục hiện nay.

Cử tri Quảng Ninh cho rằng, trong khi tình hình GD-ĐT đang rối bời như hiện nay, chương trình này chưa xong lại đến đổi mới chương trình khác. Nếu bản thân chương trình sách giáo khoa hiện  có lỗi gì cần mổ xẻ chứ cứ bắt học sinh cả nước thay đổi liên tục như hiện tại sẽ rất "khổ".

Bên cạnh đó, cử tri cũng cho rằng hiện tình trạng loạn sách tham khảo đang khiến học sinh và phụ huynh hoang mang. Bộ GD-ĐT cần thẩm tra kỹ những bộ sách tham khảo do các cơ quan khác ban hành, không nên để tình trạng "bung bét" như hiện tại.

Họ kiến nghị Bộ GD-ĐT, những nhà quản lý giáo dục hãy đặt mình vào vị trí người dân để xem người dân tư duy thế nào chứ đừng chỉ ngồi trên để chỉ đạo.

Xin bà cho biết ý kiến về đề xuất hoãn thảo luận đề án này trước Quốc hội của Bộ GD-ĐT?

Theo tôi, bây giờ Chính phủ nên tổng kết Nghị quyết 40/NQ-QH về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông của Quốc hội khóa 10 và tại sao ngành GD-ĐT vẫn chưa đi đến đích của vấn đề là đổi mới phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm và dạy học có thiết bị trợ giảng như mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội nêu ra.

Tôi cho rằng bản thân Nghị quyết 40 của Quốc hội chưa có khuyết điểm gì mà vấn đề chỉ là chương trình sách giáo khoa hiện có những nội dung hơi thừa. Nếu chiếu theo cách dạy và học theo công nghệ thông tin hiện tại, nội dung nào thừa, ngành Giáo dục chủ động cắt, chứ không nhất thiết phải chủ động phải biên soạn thêm sách giáo khoa phổ thông sau 2015.

Vậy nên tôi cho rằng trong thời điểm hiện tại chúng ta chưa nên thực hiện Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sau 2015 mà ngành GD-ĐT nên hướng tới thực hiện bằng được  mục tiêu được nêu ra trong Đề án đổi mới căn bản giáo dục GD-ĐT, theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành trung ương Đảng.

Xin cảm ơn bà!

Văn Chung (lược ghi)