- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất cần 150 tín chỉ để đào tạo giáo viên có năng lực giảng dạy tích hợp và phân hóa, phục vụ cho kế hoạch "đổi mới giáo dục" sắp tới. Có nhiều ý kiến khác nhau về ý tưởng này.

Theo tinh thần "tích hợp" và "phân hóa", đề án đổi mới chương trình đào tạo giáo viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đề cập tới chuyện giảng dạy kỹ năng tích hợp và phân hóa cho sinh viên.

Phát biểu tại hội thảo sáng 26/4, ông Đào Tuấn Thành, Trưởng khoa Lịch sử (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, phải hiểu "tích hơp" không phải là sử cộng với địa, đây vẫn là câu hỏi lớn.

{keywords}

Trong ảnh: Thầy trò Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội trong khai giảng năm học mới 2012-2013 (Ảnh: Văn Chung).

Từ thực tế đi Mỹ, ông Thành cho biết giáo viên sử, địa vẫn dạy sử, địa và trong chương trình đào tạo giáo viên sẽ chỉ có 15 tín chỉ. Lựa chọn những kiến thức liên quan địa cho giáo viên sử, và ngược ra dạy học sẽ tốt hơn, gắn kết nhiều hơn, chứ không thể có chuyện giáo viên dạy sử dạy cả môn địa.

Trong khi đó, Trưởng khoa Sinh học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) Mai Sỹ Tuấn cho rằng, quá trình chuẩn bị đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bàn nhiều đến tích hợp nhưng ý nghĩa của từ này vẫn chưa rạch ròi, trong khi mục tiêu của đổi mới là đào tạo người có năng lực.

Ông Tuấn phân tích: “Tôi đồng ý phải có 150 tín chỉ, sau nhiều lần bàn bạc vẫn dạy được môn tích hợp, nhưng vẫn dạy được các môn chuyên biệt từng môn một. Tính đi tính lại thời lượng không bằng các trường cao đẳng, nếu làm o ép chương trình quá thì rất thiệt thòi cho sinh viên, dù có thay đổi cấu trúc đi nữa nếu không đủ lượng sẽ không chuyển được chất”.

Cũng theo ý kiến của thầy Tuấn, với môn tích hợp không phải là tích hợp sinh, lý, hóa, mà cần phải là một môn tích hợp nhuần nhuyễn kiến thức. Phải xuất phát từ nhiệm vụ chỉ dạy một môn khoa học cũng đã chật vật, nhưng phải có năng lực dạy tích hợp, nhiệm vụ nặng nề thêm thì tăng 150 tín chỉ là hoàn toàn hợp lý.

Trong khi đó, GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa khoa Toán (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) bộ môn “chưa bị tích hợp” vẫn thấy 135 tín chỉ đào tạo giáo viên như hiện nay là chấp nhận được.

“Nhưng tôi ủng hộ chỉ cần 130 tín chỉ. ĐH Harvard ngành nhiều nhất cũng chỉ cần 132 tín chỉ. Riêng môn cần tích hợp như sử việc giảng dạy bộ môn này tại các trường đại học sư phạm cần đào tạo giáo viên chuyên sâu dạy môn sử các trường THPT rồi giảng viên dạy tại các ĐH-CĐ sư phạm, làm nghiên cứu chuyên sâu, rồi giáo viên ra trường phải dạy được các môn khoa học xã hội. Nếu không tăng tín chỉ lên thì chỉ có Tôn Ngộ Không mới làm được. Ví dụ” – ông Thái ví von

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng 150 tín chỉ đơn giản chỉ là tăng khối lượng kiến thức, nhờ kiến thức tạo nên năng lực. Song đổi mới giáo dục phải hướng tới thay đổi cấu trúc, tổ chức kiến thức theo hướng hình thành năng lực người học. Nếu như vậy thì không phải phụ thuộc chương trình cần 135 hay 150 tín chỉ nữa.

Một số ý kiến phản đối khác cho rằng khung chương trình nên bớt thời gian học lý thuyết để tăng thực hành; không nhất thiết phải tăng lên 150 tín chỉ, trường học không thể tham vọng dạy hết kiến thức cho sinh viên. Công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, việc các trường cần làm là dạy sinh viên cách tự học rồi còn bồi dưỡng, tự phát triển.

Thậm chí có ý kiến cho rằng điều kiện sống giáo viên hiện nay còn nhiều khó khăn “vừa buông ống quần, phủi bụi là lên lớp ngay” mà cứ bàn viết SGK tích hợp, phân hóa có phù hợp?

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói các trường sư phạm cần phải hợp lực nhau lại để giải quyết các vấn đề chưa thống nhất; Bộ GD-ĐT không can thiệp khung chương trình đào tạo.

"Hãy đặt vấn đề không phải giáo viên dạy được một môn hay nhiều môn, điều quan trọng phải cởi mở trong đào tạo, không nên đóng khuôn" - ông Hiển nói.
  • Văn Chung