Dưới đây là bài viết của nhà báo Roger Cohen – người phụ trách mục “Op-Ed” của tờ The New York Times về xu hướng nuôi con thần đồng của giới trung lưu mới nổi ở Việt Nam. Bài viết là quan điểm riêng của tác giả.

{keywords}
Ảnh minh họa

Giấc mơ Mỹ dường như đang bị “đàn áp” ở đất Mỹ nhưng nó vẫn “sống”, thậm chí là sống tốt ở TP.HCM. Minh chứng rõ ràng nhất là ở khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng – nơi mà một ngôi nhà, một khoảng sân, một khu vực hiện đại dành cho tiệc nướng ngoài trời, một chiếc xe jeep và một tiệm a Domino’s Pizza ở góc phố đang đáp ứng khát khao của một tầng lớp trung lưu mới nổi người Việt. Có lẽ đây chính là bằng chứng cho sự kết thúc của chiến trang và sự chiến thắng của hòa bình.

Hoặc cũng có thể không phải vậy.

Dạo quanh khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7), thứ mà người ta thấy nổi bật nhất – ngoài những cửa hàng cà phê mọc lên như nấm phục vụ cà phê sữa đá – là rất nhiều trường học với những cái tên ấn tượng như “Thần đồng nhỏ tuổi”, “Trung tâm học tập” hay “Học viện Nền tảng” hứa hẹn sẽ mang lại cho con cái của tầng lớp trung lưu mới nổi một nền móng để thành công. Nền móng ấy là trình độ tiếng Anh xuất sắc, điểm SAT hoàn hảo và những thói quen làm việc chăm chỉ để đưa trẻ tới đỉnh vinh quang.

Những sinh viên Mỹ đang vò đầu bứt tai tự hỏi tại sao cánh cổng đại học ngày càng trở nên khó khăn hơn với họ (với tỷ lệ sinh viên được nhận vào các trường tốt nhất thấp chưa từng có) có thể đã không nhìn vào góc nhỏ này của Việt Nam.

Một bé trai 13 tuổi đang loay hoay ở khu vực đón tiếp của Trung tâm học tập kể với tôi bằng vốn tiếng Anh hoàn hảo (cậu bé bắt đầu học tiếng Anh từ năm 2 tuổi) rằng bọn trẻ ở đây thường học thêm từ 3 giờ chiều tới 9 giờ tối, tổng thời gian dành cho học hành là khoảng 12 tiếng/ ngày. Khi tôi hỏi cậu bé muốn học trường đại học nào, cậu trả lời ngay lắp tự, không hề do dự một giây: “MIT” (tên một trường trong ĐH tốp đầu của Mỹ - người dịch).

Ở trường “Thần đồng nhỏ tuổi” – với khẩu hiệu “Trẻ em muốn bay cao!”, người ta trang bị phòng máy vi tính dành cho trẻ 3 tuổi với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại. Thành thạo tiếng Anh và công nghệ là điều kiện thiết yếu đối với những công dân toàn cầu đang lớn lên ở đất nước Cộng sản thấm nhuần những giá trị Á châu luôn đặt thành công của thế hệ trẻ lên trên hết này.

Cuốn sách giới thiệu về trường “Thần đồng nhỏ tuổi” – một trường mầm non quốc tế - đã liệt kê một loạt các mục tiêu của mình: “Tích hợp sáng tạo công nghệ qua chương trình đào tạo, do vậy tiếp cận được với những công cụ học tập của thế kỷ 21. Trong một thế giới mà công nghệ đang ngày càng phát triển thì điều quan trọng là phải trang bị cho trẻ những công cụ và trang thiết bị mà chúng sẽ học tập trong tương lai từ khi còn nhỏ”.

Với những người Việt giàu có, mục tiêu cuối cùng của cuộc đua giáo dục là đưa con cái họ bước chân vào các trường đại học của Mỹ, hay bét nhất là các trường của Australia, Canada hoặc Anh. Hoặc cùng lắm là giành học bổng từ ngân sách nhà nước vào những trường tốt nhất ở Moscow (một dấu tích còn lại cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa Việt Nam và Nga trước đây; các doanh nghiệp Việt Nam phát đạt nhờ bán mỳ ăn liền cho người nghèo Nga).

Đây là cách mà thế giới hoạt động. Tầng lớp quý tộc mới của châu Á thường là những người mang giấc mơ con cái sẽ được hưởng thụ nền giáo dục và cuộc sống kiểu Mỹ.

Họ cũng là những người có một mục tiêu khác nữa là mua được bất động sản ở Bắc Mỹ hoặc có thể là Anh – một nguyên nhân khiến giá bất động sản ở khu vực đô thị bị đẩy lên đến mức mà tầng lớp trung lưu của những nước này (những người mà mức thu nhập thường dậm chân tại chỗ hoặc giảm) không thể theo kịp.

Trải qua quá nhiều bom đạn chiến tranh, thế hệ người Việt bây giờ muốn chăm sóc cho phiên bản giấc mơ Mỹ của riêng mình. Nhưng cũng chỉ có một bộ phận nhỏ mới có điều kiện tiếp cận nó. Trên những con đường ở Phú Mỹ Hưng, có thể bắt gặp đầy những người phụ nữ đi xe đạp tìm bới trong đống rác của giới nhà giàu hi vọng tìm được thứ gì đó có thể bán được. Họ chở những thứ đó trên chiếc xe đạp. Tuy nhiên, bất kỳ đánh giá nào về sự đi xuống của nước Mỹ sẽ đều là sai lầm nếu không tính đến những bằng chứng về sức hấp dẫn của nước Mỹ ở mảnh đất của những kẻ thù trước kia. Quyền lực mềm có thể không khiến Vladimir Putin bận lòng nhưng nó rất có sức thuyết phục.

Roger Cohen đầu quân cho The New York Times vào năm 1990. Ông từng là phóng viên thường trú ở nước ngoài trong hơn 10 năm.

Từ năm 2004, ông viết cho mục Quốc tế của New York Times, sau đó được đổi tên thành mục Op-Ed. Năm 2009, ông trở thành người phụ trách mục này. Cohen cũng là tác giả của nhiều bài báo và cuốn sách được nhiều người biết đến.

  • Nguyễn Thảo (Lược dịch theo New York Times)