- Ba tháng hè đã cận kề, nhiều bậc phụ huynh vội lên kế hoạch cho con về quê, đi du lịch. Nhiều người tìm các lớp năng khiếu ở cung thiếu nhi để giúp con phát triển tố chất. Những người khác lại đau đáu tìm thầy cô cho con đi học thêm để củng cố kiến thức. Đâu là cách phù hợp để rèn con trong dịp hè?
Ảnh minh họa |
Mùa hè về quê
TS. Nguyễn Lệ Hằng - GĐ Trung tâm Phát triển tâm lý trẻ em và Kỹ năng sư phạm gia đình (TEST) quan điểm, hè đến thì không nên cho trẻ học gì cả và để các con được vui chơi thoải mái.
Theo TS. Hằng, gia đình nào có đủ điều kiện thuận lợi thì cho trẻ về quê với ông bà.
Chung quan điểm đó, cô Nguyễn Thị Huế - giáo viên Trường tiểu học La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Con tôi đang trong lứa tuổi tiểu học nên bất cứ lúc nào có cơ hội, tôi lại cho con về quê chơi. Cháu thích lắm, còn bắt ông đèo xe đạp ra cánh đồng để xem bò ăn cỏ ra sao”…
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng phân tích: Khi về quê trẻ sẽ có cơ hội để hiểu hơn nơi “chôn rau cắt rốn”, nơi cha mẹ, ông bà ta đã sinh ra và lớn lên; hiểu về nguồn cội cũng như tập tục của xóm làng nông thôn Việt Nam. Cũng từ làng quê này, trẻ sẽ học được tình cảm làng xóm, sự chia sẻ của cộng đồng.
“Cá nhân tôi rất ủng hộ chuyện nghỉ hè cho trẻ về quê. Ở đó, trẻ sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, chạy chơi trên đồng cỏ, được cảm nhận những cây lúa, cây mạ, rồi khóm tre đầu làng hay con trâu, cái cày” - ông Tiến chia sẻ.
Nhìn chung, tác dụng của việc cho trẻ về quê dịp hè phần đông mọi người đều nhận thấy. Tuy nhiên, một số bố mẹ cảm thấy không yên tâm khi cho trẻ về quê vì nhiều sông hồ, ông bà thì già khó trông nom, quản lý được các cháu. Rồi con cái không thể buông ra khỏi vòng kiểm soát của bố mẹ…
Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến gợi ý, để đưa trẻ từ thành phố về quê các bậc cha mẹ cần phải chuẩn bị một hành trang đầy đủ và an toàn.
Trước tiên, xác định đưa con về quê thì ông bà phải đủ sức khỏe, có điều kiện cơ sở vật chất tốt để có thể chăm sóc cháu.
Thứ nữa, ông bà chú bác có thể đưa cháu đi chơi đây đó, ở những nơi thoáng đãng, tránh xa ao hồ, sông suối. Đồng thời, mỗi nơi đến thì hướng dẫn giảng giải cho cháu hiểu, chẳng hạn cây sẽ lớn lên và ra hoa, kết trái thế nào, rồi đâu là cây leo, đâu là cây gỗ…
Cuối cùng, cần phải làm công tác tư tưởng trước khi thay đổi môi trường sống để tránh cho trẻ khỏi bị “ngộp”.
Theo ông Tiến, trường hợp về quê không đảm bảo được sự an toàn thì tuyệt đối không nên cho trẻ về. Các bậc phụ huynh có thể tìm các lớp năng khiếu ở thành phố để gửi trẻ theo học.
Mùa hè trải nghiệm
Ảnh minh họa |
Cô Nguyễn Thị Huế kể: “Hè năm trước, tôi mua hạt giống về hướng dẫn các con cách gieo hạt và tưới cây, chăm sóc cây, các cháu thích mê. Sáng nào ngủ dậy cũng ra xem cây lớn được đến đâu”.
TS. Hằng gợi ý, có thể đưa trẻ đến các công viên, bảo tàng,… để trẻ có sự giao tiếp, tiếp xúc, học hỏi những điều từ cuộc sống. Không để trẻ trong 4 bức tường, dù là chơi đàn hay vẽ tranh.
Theo TS.Hằng, đối với các môn năng khiếu như nhạc, họa thì cũng phải phụ thuộc vào sở thích của trẻ. Các bậc phụ huynh không nên áp đặt hay bắt buộc các con phải học những gì mà chúng không thích.
“Nếu các bậc phụ huynh tôn trọng trẻ, đưa trẻ lên vị trí trung tâm, thì sẽ hiểu được các con thích gì” - TS.Hằng thẳng thắn.
Mùa hè học
Nhiều phụ huynh rất băn khoăn, mùa hè cho con chơi dài dài thế, trẻ sẽ quên hết kiến thức. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Tiến tư vấn, khoảng tháng 7 nên bắt đầu cho trẻ quay trở lại với sách vở nhưng theo cách vừa học vừa chơi. Chẳng hạn, đi tham quan các di tích lịch sử, đi nghỉ mát rồi về khuyến khích con viết cảm nhận của mình.
Cô Vũ Thị Diệu Lý (Hiệu trưởng Trường phổ thong liên cấp Olympia) cũng hiến kế, thay vì học ôn lại chương trình cũ theo cách nghĩ là sợ trẻ quên kiến thức thì nên cho trẻ học linh động hơn.
Chẳng hạn, học Văn thì gợi ý để các con viết ra điều mình nghĩ, hay bình phẩm về một vấn đề mà con thích; học Toán thì ứng dụng tính thực đơn cho các bữa ăn như thế nào; rồi học tiếng Anh bằng cách học từ mới mỗi ngày.
Nhưng theo ông Tiến, các phụ huynh tuyệt đối không được lấy việc giao bài tập cho con như để “trông trẻ”, kiểu như “cô Tấm nhặt thóc”.
Ông Tiến nói rõ: “Tôi biết có những phụ huynh, để giữ chân con không đi chơi hay quậy phá chỗ này chỗ kia thì đã giao rất nhiều bài tập với điều kiện đặt ra là làm xong mới được chơi.
Việc này vô hình chung khiến trẻ trở nên sợ học và có tác hại về lâu dài. Vì vậy, giao bài cho trẻ cũng cần thiết nhưng nên theo phương châm vừa học vừa chơi, con tự nguyện làm và thấy thoải mái, vui vẻ”.
Để con có được mùa hè vui vẻ, bổ ích thì trách nhiệm của bố mẹ được đặt lên hàng đầu. Cô Diệu Lý thẳng thắn: “Nhiều bậc phụ huynh rất kỳ vọng vào con, nhưng lại hay chờ đợi ở một trung tâm nào đó với lý do bận công việc, bận kiếm tiền. Tôi nghĩ, mỗi phụ huynh phải có trách nhiệm trong việc đào tạo con mình”.
Cùng quan điểm, ông Tiến gợi ý: “Một buổi tối chỉ cần dành cho con khoảng 30 phút để trò chuyện cha mẹ sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc nâng cao sự hiểu biết, hiểu được những suy nghĩ của con, xem con gặp khó khăn gì để giúp đỡ kịp thời”.
Bảo Anh