- Liên quan tới vụ việc tuyển dụng giáo viên ở huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), hai cán bộ Vụ công chức viên chức (Bộ Nội vụ) và một số cán bộ huyện phải viết kiểm điểm tự nhận trách nhiệm hoặc phải luân chuyển.
Cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ vừa diễn ra chiều 16/5 trở lên nóng bỏng với hàng loạt câu hỏi về sự việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Chủ trì buổi họp báo là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tại buổi họp báo chiều 16/5. (Ảnh: Văn Chung). |
Nhiều vấn đề đã được lãnh đạo Bộ Nội vụ trả lời nhưng cũng không ít câu hỏi, nghi vấn, đề xuất của phóng viên nhận được câu trả lời “sẽ xem xét, cân nhắc”.
Xử lí nhiều cán bộ
Tại buổi họp, phó Vụ trưởng Vụ công chức viên chức, Bộ Nội vụ Lê Minh Hương thừa nhận thiếu sót khi không có văn bản chính thức trả lời Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh hỏi về việc xem xét tuyển dụng đặc cách đối với các giáo viên hợp đồng có thời gian công tác trên 36 tháng theo tinh thần Nghị định 29 của Chính phủ về tuyển dụng viên chức.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng cho biết ngày 12/5, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các lãnh đạo của bộ có liên quan đến sự chậm trễ viết bản kiểm điểm, tự nhận trách nhiệm và hình thức kỉ luật. Bộ sẽ sớm có xử lí những cán bộ này “phù hợp với những thiếu sót”.
“Tỉnh Bắc Ninh cũng đã có báo cáo giải quyết sự việc trong đó cho biết đã xử lí, luân chuyển công tác một số cán bộ để tình trạng nhiều năm liền không tuyển viên chức giáo viên ở huyện Yên Phong” – ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tuấn cũng cho hay văn bản của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi Bộ Nội vụ không nêu rõ tên tuổi và hình thức xử lí cụ thể đối với từng cá nhân.
Không để thiệt thòi cho các giáo viên
Trước câu hỏi của phóng viên đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyên Nhân Chiến về việc sẽ ký hợp đồng có thời hạn (dưới 12 tháng) với hơn 260 giáo viên trượt xét tuyển viên chức vừa qua của huyện Yên Phong có sai luật, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng:
Việc tuyển dụng viên chức căn cứ Nghị định 29 của Chính phủ và Thông tư số 15 của Bộ Nội vụ trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, địa phương thực hiện nhưng dù làm gì cũng “phải đúng quy định của pháp luật hiện hành” và “có tình có lý” nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.
Phó Vụ trưởng Vụ công chức viên chức, Bộ Nội vụ Lê Minh Hương nhận thiếu sót vì chậm trả lời văn bản của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Văn Chung). |
Theo ông Tuấn: “Do người đứng đầu các cơ quan của huyện Yên Phong không xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức hàng năm dẫn tới đợt tuyển dụng viên chức vừa qua tồn đọng hơn 500 giáo viên hợp đồng. Ở đây, người trượt có thời gian gắn bó với ngành nghề lâu năm đã gây nên bức xúc, thiệt thòi cho người lao động”.
Cũng tại buổi họp, Thứ trưởng Tuấn đã trình công văn 1586 của Bộ Nội vụ ký ngày 16/5/2014 gửi các bộ ngành, đơn vị có liên quan về tăng cường quản lí công tác tuyển dụng công chức viên chức với 5 lưu ý.
Bộ Nội vụ lưu ý các đơn vị khi ký hợp đồng lao động phải trong phạm vi định mức hoặc số lượng được cấp có thẩm quyền giao, đảm bảo tuân thủ các quy định của bộ luật lao động trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sự nghiệp công lập”.
Bộ nhắc bộ ngành địa phương việc tuyển đặc cách công chức, viên chức cần thực hiện theo đúng Nghị định 24/2010 của Chính phủ và Nghị định 29/2012 của Chỉnh phủ chỉ thực hiện để tuyển dụng đặc cách người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm công tác đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức đề xuất, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
“Nhưng không thể lấy tuyển đặc cách để thay thế hoàn toàn thi tuyển, xét tuyển. Đơn vị đã được giao biên chế, đủ người rồi không được ký hợp đồng lao động để thay thế hoàn toàn cho việc thi tuyển, xét tuyển. Bài học rút ra từ Yên Phong là họ cứ ký hợp đồng dù được giao biên chế viên chức. Việc làm này đã ảnh hưởng quyền lợi các thầy cô giáo” – lời ông Tuấn.
Cũng theo Thứ trưởng Tuấn: Việc tuyển người không nên coi trọng hay phân biệt bằng cấp giữa liên thông hay chính quy, tại chức. Quan trọng là khâu tuyển dụng làm sao đánh giá đúng năng lực của các ứng viên thông qua các bài thi. Chúng ta cần chọn người có năng lực để làm việc, không phải chọn người có bằng cấp cao.
Phỏng vấn nên cho điểm ngay và công khai
Trước những nghi vấn xung quanh quá trình phỏng vấn viên chức giáo viên ở huyện Yên Phong, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng: “Để tránh những dị nghị, nghi ngờ có tiêu cực thì phần thi này cần có camera ghi âm ghi hình. Nếu không rất khó giải thích cho ứng viên khi họ có yêu cầu, thắc mắc. Việc phỏng vấn cần phải cho điểm ngay và công khai để các ứng viên biết ngay”.
Chia sẻ với lo lắng của phỏng vấn liệu phỏng vấn có tuyển được giáo viên có năng lực thực sự, Thứ trưởng Tuấn cho biết ông cũng nghiêng về phương án thi thực hành, giảng bài. Ông cho biết: “Sắp tới bộ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế để thống nhất hình thức thi như thế nào cho phù hợp”.
Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra nghi vấn ở Yên Phong
Trước thông tin của VietNamNet về việc huyện Yên Phong tuyển dụng sai chức danh nghề nghiệp, Thứ trưởng Tuấn cho hay: “Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh việc tuyển dụng viên chức ở Yên Phong vừa qua là đúng quy định pháp luật. Nếu đúng thực tế như vậy bộ sẽ cho thanh tra về kiểm tra ngay”.
VietNamNet cũng đặt vấn đề về hội đồng kiểm tra, sát hạch của Yên Phong gồm 1 lãnh đạo phòng GD-ĐT và 5 vị khác đến từ phòng Nội vụ, HĐND-UBND huyện, ban Tuyên giáo, văn phòng huyện, phòng LĐ-TB-XH liệu có tuyển được giáo viên thực sự có năng lực? Việc Yên Phong thu bảng điểm của thí sinh trước khi vào phỏng vấn có thể dẫn đến tiêu cực, bộ có lưu ý gì?
Thứ trưởng Tuấn cho hay bộ sẽ xem xét, nghiên cứu nội dung này để có hướng dẫn cụ thể sau. Tuy nhiên, cá nhân ông nghiêng về hướng các địa phương nên thu bảng điểm học tập, điểm tốt nghiệp sau khi đã phỏng vấn để tránh chuyện có thể xảy ra tiêu cực dàn xếp về điểm phỏng vấn.
Văn Chung (ghi)