- Bức thư của một nhà giáo lâu năm bàn về thực trạng giáo dục nước nhà nhận được nhiều chia sẻ và tâm đắc của những người trong ngành giáo dục nói riêng và các trí thức quan tâm tới giáo dục nói chung.

{keywords}
Ảnh minh họa: GDVN

Cần một cuộc cách mạng thực sự

Độc giả Nguyễn Tuấn Quang bày tỏ sự cảm phục tác giả bài viết. “Tôi hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà khoa học, nhất là các thầy đang công tác tại các trường đại học, những nhà khoa học chân chính của cả nước, các nhà lãnh đạo các cấp hãy quan tâm và cần có những hành động thiết thực để đổi mới cách nghĩ, cách làm theo hướng "Học thật, sử dụng thật, làm thật".

Cùng quan điểm với tác giả bài viết, anh Nguyễn Văn Pha tỏ ra tâm đắc với ý kiến “cần có cuộc cách mạng nhân sự trong ngành giáo dục”. Tuy nhiên, độc giả này cũng thừa nhận việc loại bỏ cái dư thừa trong ngành giáo dục không hề đơn giản vì có khi người có quyền thanh lọc lại nằm trong cái dư thừa đó. “Một khi xã hội chọn lãnh đạo qua thành tích và danh hiệu giả dối thì đương nhiên sẽ xuất hiện những lớp cán bộ giả hiệu với những tư duy lạc hậu và năng lực yếu kém”.

Tôi cũng nhất trí với những lời tâm huyết của tác giả. Tuy nhiên, theo tôi làm được việc này quả là rất khó khăn, phức tạp và lâu dài. Nếu chúng ta không thay đổi cơ chế, thì ngay cả Bộ trưởng cũng không thay đổi được chứ nói gì đến những người giảng viên. Ở cơ sở, giáo viên tâm huyết rất nhiều, nhưng phản ánh ý kiến lên trên họ có tiếp thu và sửa chữa đâu. Dần dần làm thui chột tính tích cực của quần chúng, rồi hình thành sự chấp hành mệnh lệnh rập khuôn từ cấp trên” – ý kiến của anh Trần Văn Đỗ.

Đưa giải pháp cho giáo dục Việt Nam nhưng có phần bi quan, anh Đức Quang nói: “Đây là một bức thư tâm huyết của một thầy giáo chắc cũng rất nhiệt huyết với sự phát triển của đất nước. Đáng tiếc là ý tưởng của thầy chắc còn lâu lắm mới thực hiện được, phải ở một thế hệ quản lý đất nước trong tương lai xa. Theo tôi, đây không chỉ ngành giáo dục có lỗi mà trước hết ở tầm lãnh đạo và quản lý đất nước - phải là một thế hệ lãnh đạo "cần-kiệm-liêm-chính-chí công vô tư" thực sự - chứ không phải nói mà không làm, nói một đường làm một nẻo?”

Độc giả Nguyễn Hoàng thì cho rằng bài viết phản ánh rất đúng việc những người có bằng cấp nhưng chỉ đơn thuần sử dụng bằng cấp đó vào công việc quản lý, leo từ cấp bậc này sang cấp bậc khác. Họ có nhiều tiền có thể sai khiến người khác làm báo cáo, làm các công trình khoa học - họ chỉ việc đứng tên chủ nhiệm đề tài, đứng tên cùng bài báo... và đủ điểm tích để lại có học hàm cao hơn. “Cứ như vậy họ lại leo cao nhưng cái đầu rỗng. Ngồi hội đồng họ phán bừa bằng cái miệng la to chứ nhiều khi nghe họ nói biết thừa họ chẳng hiểu về vấn đề đó mà chỉ là những suy nghĩ chủ quan, không có cơ sở khoa học gì hết. Nhiều người nghe và hiểu điều đó, nhưng không ai dám phản biện, không phải vì khoa học nữa mà ở đây vì lợi ích kinh tế”.

Liên quan đến vấn đề phản biện, anh Lê Hoàng cho rằng một nền giáo dục cũng như một xã hội mà không chấp nhận ý kiến trái chiều, không xem phản biện xã hội là một trong những động lực để thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục và của xã hội thì nền giáo dục đó và xã hội đó đã tới giờ cáo chung.

Giảng viên trẻ cần sự dũng cảm để vượt rào

Đọc bức thư của một giảng viên lâu năm, một giảng viên trẻ tâm sự rằng anh cũng mơ ước mình làm được như tác giả nói.

“Tôi cần lắm sự dũng cảm để vượt qua những rào cản như trong bài viết nói tới. Người ta ngồi hội đồng và có quyền uy, nhưng về khoa học thì không thể chấp nhận được. Tôi vẫn muốn làm công việc này để mong một ngày sẽ cảm nhận trực tiếp sự thay đổi, là khi xã hội đánh giá các đóng góp cho khoa học chứ không phải chỉ là hội đồng phán xét kiểu: Không thành viên nào có khả năng dùng tiếng Anh nhưng người nghiên cứu phải nộp bản thảo tiếng Anh”.

Một giảng viên đại học khác cũng lên tiếng xác nhận thực trạng bằng dởm tràn lan trong các trường đại học hiện nay: thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí là cả PGS dởm.  Tác giả bức thư cũng mong muốn có một cuộc cách mạng thực sự, đừng nửa vời để người tài có cơ hội cống hiến.

Giảng viên trẻ Trần Thanh Tâm viết: “Rất ít người có đủ tâm, đủ tầm và đủ bản lĩnh để nhận ra và nói lên những điều đó. Một giảng viên trẻ như tôi, trưởng thành và làm việc trong môi trường khoa học VN, dù có vài năm học tập ở nước ngoài đi nữa, nếu không được gặp những người như ông thì chắc chắn sẽ không bao giờ được tỉnh ngộ, sẽ mãi chỉ nhìn thấy những "bóng cây" và sẽ phấn đấu trở thành một "cái cây che trời" mà không biết mình đang làm hại đất nước.

Bức thư của ông như vừa cảnh báo, vừa khích lệ chúng tôi. Mong những thông điệp của PGS được lan tỏa, được lắng nghe và thấu hiểu, để sớm có một sự thay đổi tích cực!”

Một học trò từng là nghiên cứu sinh của tác giả bài viết cho biết đây chính là bức thư mà ông đã gửi cho các học trò cách đây không lâu. “Bức thư dường như đã cảnh tỉnh chúng tôi nhiều điều, nhiều căn bệnh mà người ta đã từng mắc phải” – người học trò này chia sẻ.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)