- Hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn về trường lớp, thầy cô cho bé học đàn. Tuy nhiên, theo những phụ huynh đã có kinh nghiệm, khi xác định cho con theo học đàn là lúc bố mẹ xác định một công việc trường kỳ, và khá tốn kém.


{keywords}

Tạp chí "Psychological Science" (tháng 7/2004) đã khẳng định lại rằng âm nhạc giúp phát triển chỉ số thông minh (IQ).

Cân nhắc trước khi đầu tư nhạc cụ

Chị Lan Hoàng kể về kinh nghiệm xương máu về vụ đầu tư vào cây đàn piano hơn 2 nghìn USD. “Con đi học được 3,4 buổi hào hứng lắm, nên mình cũng “máu”. Cô giáo thì bảo con có khả năng, khuyên nếu gia đình có điều kiện đầu tư ngay từ đầu cho cháu, không mua organ làm gì. Hỏi đi hỏi lại con thích không, con khẳng định rất thích. Thế là mua”.

“Nào ngờ, nó hứng lên bật bông được vài tuần hôm, rồi “trốn”. Trong hai thứ đàn và sách thì rõ ràng nó thích đọc sách hơn, bài vở học ở trường đã quá nhiều rồi, nên khi con có chút thời gian rảnh mình để con được tự lựa chọn đọc sách hoặc chơi đàn, chứ không ép con nhiều. Bây giờ vẫn chở con đi học nhạc mỗi tuần một buổi, nhưng cái đàn piano hiện tại mang tính chất trang trí cho phòng khách nhiều hơn là để con chơi. Hồi Giáng sinh trêu nó, bảo là ông già Noel sẽ tặng nó một cây đàn nữa, nó khóc ầm lên. Chờ đứa thứ hai lớn hơn chút nữa sẽ lại cho đi học, xem có “cứu” được bố mẹ khỏi thua lỗ vụ này không”.

Không “nhanh nhảu” như chị Lan Hoàng, nhiều phụ huynh bảo nhau phải thăm dò một thời gian dài mới quyết định mua đàn cho con, nhất là những bé học piano.

“Yếu tố đầu tiên các phụ huynh cần cân nhắc là bé tỏ ra có khả năng hay không, ít nhất là thích hát, hát đúng nhạc, đúng tiết tấu, nếu bé nào từng tập múa hay thể dục nhịp điệu thì bắt được nhịp nhạc, nhịp trống. Tiếp đó, nên để bé đi học thử vài buổi để giáo viên kiểm tra khả năng của bé. Sau đó hãy tính đến việc mua đàn cho con. Bé nhà mình, mặc dù học mẹ định cho học piano, nhưng ngay cả khi cô nhận dạy rồi, vẫn chỉ cho tập piano trên một cái đàn organ cũ đi mượn, phải nửa năm sau khi học, bố mẹ mới quyết định mua đàn” - một phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm.

Cả nhà cùng học

{keywords}

Chị Minh Hoa cho biết không hiếm cảnh học sinh học được mấy buổi đầu thì thích, nhưng sau thành ra như tra tấn, bị bố mẹ ép thậm chí vừa học vừa khóc. “Trong 1 lớp học nhạc chỉ có 1 đến 2 em là có năng khiếu thực sự và đam mê học thôi, phần lớn là bố mẹ muốn học chứ con thì chẳng muốn”.

Vì vậy, con có tiếp tục học được hay không là do bố mẹ rất nhiều. Vì các bé học từ rất sớm, khi mới 5, 6 tuổi là lúc mà trẻ chưa có ý thức học tập gì, nên nếu học thì sự quyết tâm của phụ huynh đóng vai trò rất lớn.

5 năm cho con đi học piano là năm chị Hương Giang không có chiều chủ nhật vì phải chở con tới nhà cô để học. “Có những ngày nắng chang chang, có những buổi bống nhiên mưa tầm tã, cũng cố để chở con đi”.

Với chị Mai Lan là công phu rèn con vào nếp. “Bé nhà mình học organ theo kiểu nghiệp dư, mỗi tuần bé chỉ học một buổi ở nhà văn hoá quận vào thứ bảy. Nhưng ở nhà mỗi ngày con tập thêm khoảng nửa tiếng đến 1 tiếng sau khi ăn cơm tối. Tối chủ nhật cho con được tự do lựa chọn, chơi đàn hoặc xem tivi hoặc làm gì mà con thích. Lúc đầu cu cậu khổ sở về cái lịch học này lắm, nhưng mình kiên quyết, con chơi là ngồi cạnh con, chỉ thêm cho con vì trước đây mình cũng có học nhạc. Vì vậy mà sau vài tháng, con tự giác hơn rất nhiều, hôm nào nhõng nhẽo đòi nghỉ mình chỉ cần nhắc nhẹ là con lại ngồi vào đàn”.

Chị Lan cũng nói vui, trước đây hàng xóm có cho con học nhạc, mình khiếp lắm. “Cứ đến giờ tập luyện là bé lôi đàn ra đánh tưng tưng, trẻ mới tập thì hay gì đâu. Các nhà trong 1 khu, làm gì có cách âm, nên cứ nghe bé đó đàn đi đàn lại một bài, nhiều lúc bực mình ghê gớm. Đến bây giờ cho con đi học nhạc, mới ngớ người ra mình cũng đang bắt hàng xóm làm khán giả bất đắc dĩ của cu cậu. Nên mình phải qua mấy nhà bên cạnh, nói các bác thông cảm nếu cảm thấy bị làm phiền”.

Có những phụ huynh đề nghị cô dạy cả mẹ lẫn con để 2 mẹ con cùng học cho vui.

Ngoài ra, một bí quyết mà các gia đình có con đi học nhạc nên thực hiện, đó là nếu muốn cho con học nhạc cụ gì, theo dòng nhạc nào thì nên cố gắng cho con tiếp xúc nhiều với nhạc cụ đó, nên giúp con tạo và nuôi dưỡng niềm yêu thích với dòng nhạc đó. “Nếu cha mẹ muốn cho con học piano hay guitar cổ điển mà lại phó mặc hết cho giáo viên, còn bản thân mình chẳng biết lấy 1 hoặc 2 tên nhạc sĩ hay tác phẩm cổ điển nào, chẳng nghe lấy một đĩa cổ điển nào mà chỉ nghe nhạc trẻ hay nhạc dân ca, thì kể cũng hơi khó để trẻ theo đuổi học hành lâu dài” - chị Hương Giang chia sẻ.

Học phí học nhạc cụ rẻ nhất là ở các nhà văn hoá thiếu nhi của quận, thành phố. Nếu mời gia sư dạy tại nhà hoặc đến nhà giáo viên để học (chru yếu đối với piano), mức học phí tuỳ thuộc vào số lượng học sinh và “đẳng cấp” giáo viên. 

Học phí 3 tháng (từ tháng 6 - hết tháng 8) của Cung thiếu nhi Hà Nội: Organ 1.350.000 (2 buổi/ tuần), 720.000 đồng (1 buổi/ tuần); Piano 1,110,000 đồng (1 buổi/ tuần), Piano chất lượng cao 1,710,000 (1 buổi/ tuần); Guitar 960,000 (2 buổi/ tuần), 540,000 (1 buổi/ tuần); Trống nhạc nhẹ 960,000 (1 buổi/ tuần), Nhạc dân tộc (đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, tam thập lục, sáo trúc, t'rưng) 540,000 (1 buổi/ tuần).

Học Cảm thụ âm nhạc: Học phí 2.160.000 / 1 khóa ( 3 tháng, 1 buổi/ tuần) - Trung tâm nghệ thuật Artwings, nhận học sinh từ 12 tháng tuổi.

Trung tâm Musicland có lớp cảm thụ với học phí 1.600.000 đồng/ khóa học 4 tháng (16 buổi, 90 phút/ buổi) – dành cho học sinh từ 3 tuổi.

Cũng tại Musicland, các khoá học nhạc cụ từ 200.000 – 250.000 đồng/ buổi cho các lớp học 1 thầy/ 1 trò, 125 nghìn đồng/ buổi có các lớp học nhóm dưới 6 học sinh, và 100.000 đồng/ nhóm từ 7 học sinh. Lớp gia sư 1 thầy/ 1 trò tại nhà của học sinh có học phí từ 250 – 300 nghìn đồng/ buổi.

Trung tâm Sol Art có khoá học cảm thụ âm nhạc dành cho các em nhỏ từ 9 tháng đến 26 tháng tuổi học đồng hành cùng mẹ, gồm 24 buổi, 75 phút/buổi, học phí 4.800.000 đồng/ khóa. Khoá học tiếp nối cũng có thời lượng 24 buổi, 90 phút/ buổi, học phí 6.000.000 đồng. Ngoài ra trung tâm này tổ chức các khoá cảm thụ âm nhạc, mỹ thuật khác cho các bé dưới 5 tuổi cũng với học phí 6.000.000 đồng/ khoá.

Mức học phí các bộ môn nhạc cụ cổ điển như Piano, Guitare, Violin, Flute, các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn t’rưng, đàn thập lục, đàn tam thập lục… của trung tâm này là 7.200.000 đồng / khóa, gồm 24 buổi, 45 phút/ 1 buổi.

  • Chi Mai