- Thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam” do Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp cùng Viện nghiên cứu Khoa học dạy nghề - Tổng Cục Dạy nghề và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 27/5.
Từ năm 2012 đã có chủ trương của Chính phủ về việc hai bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ GD-ĐT phối hợp xây dựng Khung trình độ quốc gia (NQF).
Tuy nhiên, theo “tiết lộ” của những người tham dự buổi tọa đàm, đến thời điểm này, lãnh đạo cao nhất của hai bộ vẫn chưa có dịp ngồi với nhau để bàn việc phối hợp.
|
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi cho biết, Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thấp hơn đa số các quốc gia trong khối ASEAN trong tiến trình xây dựng NQF, cùng với hai nước Myanmar, Lào.
Theo ông Phi, đây là một thực tế rất đáng lo ngại trong bối cảnh trên thế giới đã có tới 130 nước có Khung trình độ quốc gia và rất nhiều nước đang phát triển trong khu vực Đông Á như Malaysia, Indonesia và Philippines đã hoàn thiện những bước căn bản của tiến trình.
Ông Cao Văn Sâm, phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề cho biết, trong quá trình triển khai chúng ta còn mắc phải một số khó khăn về thủ tục pháp lý, kinh nghiệm xây dựng, kinh phí xây dựng hay việc phối hợp triển khai đồng thời và dự kiến triển khai sau năm 2014.
Còn ông Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) cho rằng nếu làm khẩn trương, đến cuối năm 2014 hai bộ mới có thể trình lên Chính phủ Đề án Xây dựng Khung trình độ quốc gia, chứ chưa thể có được một khung trình độ cụ thể. “Đây là việc làm rất phức tạp, lâu dài. Trong dạy nghề có khoảng 400 nghề, đánh giá mô tả các nghề mất rất nhiều thời gian. Dự kiến đến năm 2020 mới hoàn thành được”.
Ông Tiến cũng cho biết, khung tham chiếu ASEAN có 8 bậc, nên có lẽ khung trình độ quốc gia của Việt Nam sẽ có 8 bậc để thuận lợi khi so sánh với khung tham chiếu ASEAN, trong đó mảng giáo dục nghề nghiệp 5 bậc, mảng giáo dục đại học 3 bậc.
Bên cạnh đó, các ý kiến tại hội thảo cũng khuyến nghị Việt Nam cần lập kế hoạch song phương với các nước trong khu vực sông Mekong để bảo hộ những việc làm di cư truyền thống cho lao động lành nghề Việt Nam, đồng thời đề cập tới sự tham gia của doanh nghiệp và người sử dụng lao động vào việc xây dựng Khung trình độ quốc gia.
Ông David Lythe, chuyên gia tư vấn từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng “Các doanh nghiệp sẽ đưa ra tiêu chuẩn năng lực của các lĩnh vực trong nền kinh tế một cách xác thực nhất”.
“Ngồi tự vẽ có khi chỉ một tuần là xong. Nhưng chúng ta không thể ngồi trong phòng kín xây dựng chuẩn đào tạo chẳng giống ai, thị trường sẽ không chấp nhận. Tiêu chuẩn đào tạo và tiêu chuẩn sử dụng lao động rất gắn kết với nhau. Đây là việc không chỉ của ngành giáo dục đào tạo và dạy nghề, mà cần phải khẳng định nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp và người sử dụng lao động sẽ không bao giờ xây dựng được” – ông Mạc Văn Tiến nhấn mạnh.
Ngân Anh
Được biết, theo dự kiến tháng 10/2014 sẽ công bố Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF). AQRF là cơ sở để đối chiếu, so sánh bằng cấp giữa các quốc gia, hỗ trợ việc công nhận bằng cấp, phục vụ tốt hơn cho việc quy đổi tín chỉ, hỗ trợ việc dịch chuyển của sinh viên và người lao động giữa các quốc gia trong khu vực. AQRF giúp tạo nên thị trường lao động thống nhất và hiệu quả khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015. Khung trình độ quốc gia là điều kiện cơ bản để các bằng cấp quốc gia được công nhận theo Khung tham chiếu trình độ ASEAN. |