- Các khách mời là những nhà làm giáo dục tiểu học ở TP.HCM tham gia trực tuyến
với bạn đọc VietNamNet.
Khách mời tham gia giao lưu gồm:
1. Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT, TP. Hồ Chí Minh.
2. Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1.
3. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành hệ thống Trường tiểu học dân lập Quốc tế (IPS), bà Trần Thị Lan Chi, Trợ lý Hiệu trưởng Trường Trung học tư thục Á châu.
4. Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường quốc tế Sài Gòn Pearl (ISSP).
Dưới đây là nội dung giao lưu:
Các khách mời tại buổi giao lưu |
Lý Thiên Trang, Nữ - 34 Tuổi
Xin hỏi Trường Tiểu học Dân lập Quốc tế IPS: Ở các trường tiểu học ở một số nước trên thế giới, vấn đề giáo dục cảm xúc rất được chú trọng. Giáo dục cảm xúc hay giáo dục để phát triển chỉ số EQ (Emotional Quotient) giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp, diễn đạt, có cách ứng xử hòa đồng và chia sẻ với bạn bè để thích ứng nhanh với cuộc sống. Đây là những yếu tố quan trọng giúp trẻ có một nền tảng tốt về nhân cách cũng như trang bị các kỹ năng cần thiết định hướng cho sự phát triển tương lai của trẻ được quan tâm và đưa vào chương trình giáo dục ở ngay từ cấp tiểu học. Vậy, không biết Trường Tiểu học Dân lập Quốc tế IPS có những hoạt động gì trong chương trình giảng dạy để giáo dục cảm xúc cho các em học sinh của Trường? Xin chân thành cám ơn.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành hệ thống Trường Tiểu học dân lập quốc tế IPS: Thưa phụ huynh, trong chương trình giảng dạy cũng như hoạt động của trường, trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong năm học, trường không chỉ cung cấp về mặt kiến thức cho các em mà còn rất chú trọng và quan tâm đến việc giáo dục nhân cách.
Một số hoạt động nhằm giáo dục cảm xúc cho các em tự tin, hòa đồng biết chia sẻ với các bạn như là học sinh tập làm giáo viên giúp học sinh có tình cảm sâu sắc với cô giáo, hiểu hơn công việc của người giáo viên, để từ đó giúp các em có ý thức trong việc học tập của mình, đồng thời các em sẽ tự tin dạn dĩ hơn trước đám đông. Hàng tháng, giáo viên tổ chức cho các em bình bầu lớp trưởng, các em sẽ có trách nhiệm với bản thân mình, các em cũng có khả năng lãnh đạo biết quan tâm đến bạn bè và các thành viên trong lớp.
Trần Quốc Thông, Nam - 35 Tuổi
Thưa ông Điệp, chất lượng trường tiểu học công lập có khác gì với trường dân lập và quốc tế? Giáo viên ở trường dân lập và quốc tế có phải là giáo viên giỏi từ trường công chuyển sang không? Cám ơn ông.
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM: Trường công lập hay trường dân lập đều thực hiện mục tiêu giáo dục theo Luật Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, các trường dân lập quốc tế có sự đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị tốt hơn do kinh phí của các nhà đầu tư xây dựng và thu lại từ học phí của cha mẹ học sinh.
Về trình độ giáo viên được đào tạo chất lượng như nhau, không phải tất cả giáo viên giỏi đều sang các trường tư, có lẽ do các điều kiện và hoàn cảnh khác nhau thì giáo viên chọn lựa trường để giảng dạy.
Nguyễn Xuân Quỳnh, Nữ - 35 Tuổi
Tối qua tôi sang tận nhà cháu bé đằng sau nhà tôi học lớp 1, bằng tuổi con tôi. Vì cháu cũng học yếu, lười nên mẹ cháu cho vào học Á Châu cho nhàn. Ai ngờ, mẹ cháu bảo cô thì yếu kém, mới ra trường, viết chữ thì xấu, học dạy sơ sài, mẹ phải về dậy thêm, nếu không thì không hiểu không theo được các bạn. Nên tối nào cháu bé đó cũng học, trong khi con tôi tối là đi tập patin, xe đạp. Con tôi học Anh văn thì nhanh, mới 1 học kỳ là học hết Lét's go 1, trong khi học trường công thì một năm mới hết 1 tập, nên học, chơi nhiều hơn, dễ tiếp thu. Muốn học Anh văn nhanh thì cho vào ILA hay Việt Mỹ là ổn hơn nhiều. Mẹ cháu tổng kết, vào trường Á châu, cô kém trò thì cũng kém luôn vì ai cũng nghĩ con mình yếu mới cho vào đó, đã yếu mà học ít thì làm sao giỏi được. Xin đại diện trường Á Châu trả lời.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh (IPS): Thưa Phụ huynh, như Phụ huynh đã biết, năm học 2010-2011 riêng số lượng học sinh bậc tiểu học là hơn 8.000 em. Số lượng học sinh đăng ký nhập học tại trường tăng hàng năm. Điều đó đã khẳng định uy tín cũng như chất lượng của trường đối với Phụ huynh, học sinh và xã hội.
Nguyễn Thị Tài, Nữ - 35 Tuổi
Ông Lê Ngọc Điệp kính mến, được biết ông đưa một số hiệu trưởng đi ra nước
ngoài để học tập kinh nghiệm người ta, ông cho biết có bao nhiêu hiệu trưởng
tiểu học đã thay đổi được tư duy và có hành động thiết thực cho ngôi trường của
họ?
Ông Lê Ngọc Điệp: Trong những năm vừa qua, được sự cho phép của UBND TP và Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo, chúng tôi có đưa một số hiệu trưởng đi học tập ở các nước trong khu vực. Ngoài ra, dự án giáo viên tiểu học của Bộ GD-ĐT cũng có đưa giáo viên và hiệu trưởng đi học tập ở một số nước châu Âu. Chúng tôi cũng được sự hỗ trợ để đưa hiệu trưởng đi học tập ở Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Điển. Những hiệu trưởng này khi trở về trường đều tích cực đổi mới quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục và phương pháp giảng dạy rất hiệu quả.
Nhiều trường đã thật sự thay đổi đem lại niềm tin cho phụ huynh vì học sinh được giáo dục rất tốt, không chỉ là học chữ mà các em còn được rèn luyện kỹ năng sống giáo dục nhân cách làm người.
Nguyễn Hoài Văn , Nữ - 38 Tuổi
Thưa ông Điệp, hiện tại có bao nhiêu trường quốc tế ở TP.HCM? Các trường này có được Sở GD-ĐT quản lý về chương trình dạy học không? Nếu ông có con đi học lớp 1, ông sẽ chọn trường nào cho con? Vì sao? Cảm ơn ông.
Ông Lê Ngọc Điệp: Chúng ta cần phân biệt trường quốc tế dạy chương trình nước ngoài và trường có tên là quốc tế nhưng dạy chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam. Sở GD-ĐT có trách nhiệm quản lý tất cả các loại hình trường học.
Con tôi hiện nay đã lớn, khi học tiểu học các cháu đều học trường gần nhà vì những lý do sau:
- Cháu không phải đi xa để bảo vệ sức khỏe cho cháu
- Mục tiêu giáo dục của tiểu học các trường đều phải thực hiện như nhau
- Cấp tiểu học học chữ là để học làm người vì vậy các thấy cô ở tiểu học nếu thương yêu học sinh, chăm sóc cẩn thận như mẹ hiền thì đó là cái phúc cho trẻ và cho gia đình.
Hà Văn Huy, Nam - 40 Tuổi
Thưa bà Lê Thị Ngọc Điệp, tại sao có một số học sinh chuyển từ trường quốc tế sang trường công lập như trường Nguyễn Bỉnh Khiêm?
Bà Lê Thị Ngọc Điệp (NBK): Hiện nay, một số phụ huynh do điều kiện kinh tế và nhu cầu học tập Tiếng Việt cũng như một số vấn đề liên quan đến việc học và rèn luyện theo chương trình phổ thông hệ công lập của con em nên có nguyện vọng chuyển con mình đến trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Để đảm bảo sĩ số HS trong từng lớp học, nhà trường chỉ nhận HS trường Quốc tế (có hộ khẩu đúng tuyến) khi nhà trường còn khả năng tiếp nhận.
Bùi Trần Phong, Nam - 51 Tuổi
Trong Luật Giáo dục quy định trẻ có thể học tại các trường ở nơi gần nhất. Nhưng tại sao trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của SGD&ĐT quy định không cho các Quận nhận học sinh khác Quận?
Ông Lê Ngọc Điệp: Hiện nay, trong TP.HCM mỗi phường, xã đều có trường tiểu học vì vậy đã tạo đủ điều kiện thuận lợi cho trẻ vào lớp 1. Nhiều năm qua, hiện tượng phụ huynh chạy trường làm gia tăng áp lực ở một số trường khiến cho sĩ số học sinh trên lớp tăng cao. UBND TP quy định học sinh ở trong Quận không được học ở trường khác một phần cũng tránh trường hợp các cháu phải đi quá xa và cũng đảm bảo sĩ số theo điều lệ trường tiểu học.
Quang cảnh buổi bàn tròn trực tuyến |
Phạm Thị Thúy Oanh, Nữ - 28 Tuổi
Thưa ông Điệp: Tôi có 1 bé trai sinh ngày 28/08/2005, hộ khẩu ở phường 5, Quận Tân Bình, nhưng tôi muốn xin cho con vào học trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, số 55 Hoàng Việt, P.4, Quận Tân Bình,TP.HCM học thì có được không? Hồ sơ gồm những gì? Khi nào thì bắt đầu nộp hồ sơ? Xin cảm ơn.
Ông Lê Ngọc Điệp: Việc cháu học một trường tiểu học khác trong Quận là có thể tiếp nhận được. Vào ngày 1/7/2011, chị liên hệ trực tiếp với Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ để xem thông báo hướng dẫn.
Tran Thi Thuy Nga , Nữ - 35 Tuổi
Xin hỏi Trường Quốc tế Sai Gon Pearl, nếu muốn cho con học lớp 1 ở đây, phải cần chuẩn bị bao nhiêu tiền? Học hết cấp một thì chi phí ước tính khoảng bao nhiêu? Hiện có bao nhiêu HS người Việt đang học ở đây? Nếu học 2 năm mà không thích nữa thì chuyển sang trường công lập có được không? Nhà trường có dạy tiếng Việt và chương trình của Bộ GD không? Cảm ơn.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc tuyển sinh trường ISSP: Học phí của Trường quốc tế Sài Gòn Pearl bằng khoảng 80% so với một số trường quốc tế khác. Năm học mới 2011-2011, học phí lớp 1 là 11.400 đô la. Học phí này đã bao gồm sách vở, đồ dùng học tập và các bữa ăn nhẹ trong ngày. Nếu con bạn học hết cấp 1, học phí sẽ hết khoảng 57.000 đô la (mức học phí có thể thay đổi vào những năm sau, tùy thuộc vào biến động của nền kinh tế).
Hiện nay nhà trường có học sinh đến từ gần 30 quốc tịch khác nhau, trong đó có khoảng 30% là học sinh con em người Việt Nam.
Bên cạnh chương trình của bang New York (Hoa Kỳ), riêng đối với học sinh Việt Nam, nhà trường có đưa vào giảng dạy một số môn học trong chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam như: tiếng Việt, đạo đức, các bài xã hội học, lịch sử, địa lý theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT thành phố HCM dành cho các trường quốc tế.
Như vậy, nếu sau 2 năm, con bạn không tiếp tục theo học ở trường quốc tế nữa thì vẫn có thể chuyển sang học trường công lập VN bình thường.
Tôi được biết, nhiều học sinh VN chuyển từ nước ngoài, không hề học chương trình VN nhưng vẫn có thể xin vào học tại các trường công lập của VN, miễn là các em đủ năng lực để theo kịp các bạn học sinh VN.
Phụ huynh nên cân nhắc kỹ điều kiện tài chính của mình trước khi gửi con vào trường quốc tế.
Vũ Hà Văn , Nam - 49 Tuổi
Thưa ông Điệp, phụ huynh nào cũng muốn con học trường điểm, dẫn đến cảnh phải xin xỏ, chạy chọt rất mệt, năm nào cũng vậy. Tại sao ngành giáo dục không biến tất cả các trường tiểu học thành trường điểm, vì đầu tư cho trường tiểu học không lớn. Quyền được hưởng giáo dục tiểu học tốt đẹp là dành cho mọi đứa trẻ, hãy chỉ phân biệt khi chọn trường ĐH thôi.
Ông Lê Ngọc Điệp: Hiện nay, không còn trường điểm. Một số trường tiểu học được phụ huynh tin cậy và trong nhiều năm qua nổi tiếng nên các bậc cha mẹ muốn cho con vào đó học. Nhà nước đầu tư trên tất cả các trường đều như nhau, phần lớn các hoạt động và trang thiết bị là do xã hội hóa, phụ huynh đóng góp.
Từ năm học 2010-2011, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cho tất cả các trường tiểu học trong thành phố tổ chức một ngày hội giới thiệu ngôi trường tiểu học của em để người dân ở địa phương và các bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1 biết được ngôi trường tiểu học ở địa phương mình và từ đó có thể yên tâm đưa cháu đến trường.
Lý Thiên Trang , Nữ - 34 Tuổi
Câu hỏi dành cho Trường Tiểu học Dân lập Quốc tế IPS: Trường có thể nêu một số điểm mạnh trong chương trình đào tạo của trường để trang bị cho các em học sinh ở lứa tuổi tiểu học một sự khởi đầu tốt đẹp cho con đường học tập của các em ở các cấp học cao hơn? Trong chính sách thu hút đội ngũ, đặc biệt là đổi ngũ giáo viên nước ngoài tham giảng dạy chương trình bổ sung (ngoài chương trình qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo), trường có những ưu đãi gì để có thể thu hút giáo viên nước ngoài vừa có kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy, phương pháp sư phạm tốt để tham gia đội ngũ giảng dạy của trường?
Bà Nguyễn Thị Vân Anh (IPS): Thưa Phụ huynh, học sinh IPS học 2 chương trình: Chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam và chương trình tiếng Anh quốc tế được thiết kế theo tiêu chuẩn giáo dục phổ thông của Anh Quốc và Hoa Kỳ.
Ngoài việc được đảm bảo trang bị kiến thức, kỹ năng của bậc tiểu học tại Việt Nam, học sinh IPS có trình độ tiếng Anh và kiến thức khoa học tương đương với học sinh các nước phát triển, dễ dàng hòa nhập với môi trường tại nước ngoài khi theo học các bậc học cao hơn.
Tất nhiên trường luôn có những chính sách ưu đãi để giáo viên - nhân viên yên tâm làm việc. Rất cám ơn sự quan tâm của Phu huynh.
Nguyễn Thị Nga , Nữ - 30 Tuổi
Xin ông Điệp cho biết, tại sao các trường quốc tế không được phía Việt Nam kiểm định thêm để mọi người yên tâm hơn?
Ông Lê Ngọc Điệp: Các trường quốc tế khi thành lập đều được thực hiện theo một quy trình được luật pháp VN quy định và được quản lý theo luật.
Nguyen Thi Minh Thu , Nữ - 36 Tuổi
Con tôi đang học lớp 2 của một trường Quốc tế, những trường này chỉ dạy đến cấp 1. Vì vậy, tôi không biết sang cấp 2 cháu sẽ học ở đâu được? (Cháu học lực tốt, rất tự giác). Giả sử sau này tôi không lo nổi về kinh tế, thì cấp 2, cháu có thể chuyển về học trường công được không? (Hộ khẩu gia đình tôi ở Quận Bình Thạnh), hoặc có thể chuyển sang Quận khác học được không?
Ông Lê Ngọc Điệp: Khi các cháu hoàn thành chương trình tiểu học có thể trở về địa phương học theo đúng tuyến trường THCS (không phân biệt công lập hay ngoài công lập). Trường hợp nếu chị sang Quận khác thì tùy điều kiện cụ thể của trường đó có thể chấp nhận hoặc từ chối vì sĩ số trên lớp vượt quy định.
Nguyễn Ngọc Tâm , Nam - 42 Tuổi
Con gái tôi đang học lớp 5 tại trường TH Dân lập Quốc tế cơ sở Thăng Long, Tân Bình, trong khi hộ khẩu gia đình tôi ở P.1 Gò Vấp. Tôi không có ý định cho con học tiếp chương trình THCS tại Trường THCS Á Châu. Vậy, theo phân tuyến, con tôi sẽ được phân vào trường THCS nào? Xin cám ơn.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh (IPS): Thưa Phụ huynh, theo quy định, sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, Phụ huynh có thể đăng ký cho con học đúng tuyến trường THCS tại nơi Phụ huynh đăng ký hộ khẩu thường trú. Phụ huynh vui lòng liên Phòng Giáo dục Quận Gò Vấp để biết thông tin cụ thể.
Phạm Thúy Liễu , Nữ - 40 Tuổi
Thưa thầy Điệp, tôi muốn hỏi về việc tuyển sinh vào lớp 1 năm nay. Cháu của tôi có hộ khẩu thường trú tại Phường Bến nghé, Quận 1 từ tháng 8/2009, theo quy định thì cháu được nhập học tại trường nào?
Ông Lê Ngọc Điệp: Phường Bến Nghé, Quận 1 có 2 trường trong tuyến là Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường Tiểu học Hòa Bình. Phòng GD-ĐT sẽ thông báo tới tổ dân phố cho gia đình biết cháu sẽ học trường nào.
Pham Quang Viet , Nam - 37 Tuổi
Xin các thầy, các cô và giáo sư cho tôi lời khuyên nên chọn trường, hay chọn thầy cô giáo cho con khi con vào lớp 1? Hành trang cho cháu vào lớp 1 cần chuẩn bị những gì? Cảm ơn các thầy cô.
Bà Lê Thị Ngọc Điệp (NBK): Theo tôi, anh nên chọn trường gần nhà để thuận tiện cho việc đưa đón và đảm bảo sức khỏe của bé. Chúng ta không thể chọn thầy cô cho bé (trừ trường hợp học tại nhà, tại trung tâm), nhà trường sắp xếp học sinh theo điều kiện của trường, không thể xếp lớp với giáo viên theo nhu cầu của phụ huynh.
Hành trang cho bé vào lớp 1 không gì quý hơn là tâm lý thoải mái, sự tự tin, niềm vui, sự háo hức mong được đến trường. Chính ba mẹ là người giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để bé ham thích đi học đấy!
Huynh Thi Bich Thuy , Nữ - 38 Tuổi
Con tôi sinh năm 2005, vậy cần phải chuẩn bị những gì, chế độ tuyển sinh và thời gian tuyển, lớp tăng cường tiếng Anh cần phải đăng ký và chuẩn bị ra sao?
Ông Lê Ngọc Điệp: Trường tiểu học dạy tiếng Anh tăng cường theo kế hoạch của phòng GD-ĐT địa phương, nếu đủ các điều kiện theo quy định. Nếu trường tiểu học của cháu có dạy chương trình tiếng Anh tăng cường lớp 1 thì đầu năm phụ huynh chỉ cần đăng ký và không còn qua một kỳ khảo sát khả năng học ngoại ngữ của cháu.
Nguyễn Văn Liêm , Nam - 44 Tuổi
Theo thông báo số 818/GDĐT-KTKĐCLGD ngày 18/4/2011, phần 1 Tuyển sinh vào lớp 1, mục 1.1 "Huy động 100% trẻ 6 tuổi trong diện đi học (sinh năm 2005) đang cư trú trên địa bàn Quận, huyện vào học lớp 1 theo tuyến do Ban tuyển sinh Quận, huyện quy định." Tôi có hộ khẩu tại Quận 12 nhưng làm việc tại Quận 4 và vợ tôi làm việc tại Quận 1 nên cho cháu học mẫu giáo ở Quận 1 và thuê nhà ở Quận 1 hơn 1 năm nay cho thuận tiện việc đi làm. Thế thì có xem tôi là người cư trú trong địa bàn không? Ngoài ra, phần cuối mục 1.1 có câu: "Không nhận học sinh học sớm tuổi và không nhận học sinh trái tuyến ngoài Quận, huyện" vậy thì làm sao thoả mãn phần đầu? Ngoài ra cũng theo tinh thần thông báo, học sinh diện nhập cư vẫn được đi học, con tôi là công dân thành phố, chỉ khác có Quận thôi. Thế thì hoá ra ưu tiên con em khác thành phố hơn khác quyận huyện. Nếu bạn tôi ở Cà Mau lên nhập cư diện KT3 ở Quận 1 thì được cho con học Quận 1, còn tôi HK Quận 12 thuê nhà Quận 1 không được làm KT3 nên không được cho con học Quận 1 mà phải về Quận 12 sao? Xin chân thành cảm ơn quý cấp.
Ông Lê Ngọc Điệp: Như trường hợp của ông đang thuê nhà ở Quận 1 và có giấy tạm trú đã khai báo ở địa phương thì cháu sẽ được học ở Quận 1 do phòng GD-ĐT bố trí một trường thích hợp.
Mai Thi Thu Hang , Nữ - 38 Tuổi
Tôi có con đầu tiên chuẩn bị vào lớp 1. Tôi mới cho cháu đi học thêm, theo lời cô khuyên của cô giáo dạy mẫu giáo. Tôi đã cho cháu đi học được gần 3 tháng. Cháu đã nhận biết được mặt chữ, đọc và viết tương đối thành thạo. Bố cháu không muốn cho cháu học thêm nữa, vì sợ cháu chủ quan khi buớc vào lớp 1 học chính thức. Vậy tôi xin hỏi các thày cô, quyết định của bố cháu đúng hay sai.
Bà Lê Thị Ngọc Điệp (NBK): Chào chị Thu Hằng, tôi rất vui khi biết có phụ huynh không muốn cho con học trước khi bé chưa đến tuổi vào lớp 1! Tôi đồng ý với suy nghĩ của bố cháu. Trẻ em hiện nay được ba mẹ quan tâm chăm sóc nên phát triển tốt và tiếp thu rất nhanh. Nếu bé học trước sẽ bị giảm đi sự hứng thú khi tham gia học tập cùng bạn (vì đã biết rồi). Mặt khác, đôi lúc sẽ khó khăn cho bé vì có những điều được học trước không phù hợp với chương trình chính thức (ví dụ: phát âm, đánh vần, tập viết,...).
Anh chị hãy để bé thoải mái, tự tin với những gì được học tại trường mẫu giáo. Khi vào lớp 1, cô giáo sẽ giúp cháu tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng một cách tự nhiên, nhẹ nhàng; bé sẽ rất vui khi được khám phá nhiều điều mới lạ.
Nếu anh chị "ép" bé học nhiều quá, bé sẽ rất sợ khi đến thời điểm đi học chính thức!
Lê Thị Thu Hằng , Nữ - 41 Tuổi
Thưa Ông Lê Ngọc Điệp, tôi đuợc biết có một số trường tiểu học đang có triển khai chương trình học Cambridge. Vậy năm nay chương trình này có đuợc mở rộng ra không và những truờng nào có chương trình này. Cảm ơn ông.
Ông Lê Ngọc Điệp: Chương trình giáo dục phổ thông của ĐH Cambridge hiện nay được giảng dạy tại các trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân, Trần Hưng Đạo Quận 1 và đang được mở rộng đến các trường tiểu học Kỳ Đồng Quận 3, Hồng Hà Quận Bình Thạnh, Trần Quốc Tuấn Quận Tân Bình và Minh Đạo Quận 5. Học sinh tham gia học tập theo sự tự nguyện của phụ huynh sau khi được nhà trường cung cấp đầy đủ thông tin về kế hoạch và chương trình học tập.
Lý Qúy Hiên , Nữ - 34 Tuổi
Xin chào các khách mời. Chấp nhận việc "chạy" để có chỗ cho con trong trường học tốt phần nào phản ánh sự không tin tưởng vào hệ thống giáo dục" - một nhà ngoại giao Thụy Điển từng trả lời báo chí hồi có hội thảo về tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam. Nhưng chẳng lẽ, những "phụ huynh chạy" - mà phần nhiều là trí thức hiện đại, gia đình "có điều kiện" - không thể suy xét như thế nào mới là tốt cho con? Trong cuộc đua tìm trường cho con, các vị sẽ khuyên gì với các phụ huynh?
Bà Lê Thị Ngọc Điệp (NBK): Chào chị Hiên, tôi rất thông cảm với phụ huynh trong việc tìm trường cho con. Ai cũng mong muốn con mình được học trong một môi trường giáo dục tốt nhất. Hiện nay, phần lớn các trường học được trang bị cơ sở vật chất và có chất lượng giáo dục như nhau. Tuy nhiên, do phụ huynh chưa tìm hiểu hết ngôi trường gần nhà nên ít quan tâm và không muốn gửi con vào học tại đấy mà có nguyện vọng đưa bé vào những trường thường xuyên được mọi người nhắc đến.
Mục tiêu giáo dục, chương trình và SGK ở các trường đều như nhau. Phụ huynh hãy nghĩ đến quyền lợi, sức khỏe và khả năng phát triển của con mình, không nên đặt bé vào "chỉ tiêu" của ba mẹ.
Vũ Mạnh Tùng , Nam - 38 Tuổi
Con tôi năm nay vào lớp 1, tôi đang phân vân chọn trường cho cháu. Vì lý do công việc của 2 vợ chồng nên việc đón con vào mỗi buổi chiều là rất khó khăn. Chúng tôi muốn xin cho con vào học trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, vì gần công ty mẹ để tiện đưa đón, hoặc trường tiểu học Nam Sài Gòn, Quận 7 - vì trường này có xe đưa đón tận nhà. Nhưng cả 2 trường trên lại không đúng tuyến (hộ khẩu nhà tôi tại P. Bình Thuận, Q.7, HCM), tôi có cách gì để xin cho con học 1 trong 2 trường trên?
Ông Lê Ngọc Điệp: Trường hợp của chị trước hết thì phải đăng ký cho cháu học đúng tuyến theo hộ khẩu. Vào ngày 1/7, chị đến hai trường kia để xem thông báo và nộp đơn để hội đồng nhà trường xem xét hoàn cảnh cụ thể của gia đình chị.
Quách Vĩnh Bình , Nam - 40 Tuổi
Tôi có một con gái hiên đang học lớp 8 tại AHS - Cao Thắng và một con trai lớp 2 tại IPS-Cao Thắng, qua nhiều năm các cháu học tại hệ thống trường IPS&AHS theo cá nhân tôi và các cháu thì thấy yên tâm. Tuy nhiên có một vấn đề thường xuyên xảy ra, đặc biệt năm học 2010-2011 là sự thiếu ổn định của đội ngũ giáo viên bao gồm giáo viên dạy chương trình tiếng Việt & tiếng Anh Quốc tế. Khi trao đổi với các cô phụ trách quản lý khối lớp thì đều có lời giải thích chung chung và nhà trường luôn nói cam kết lựa chọn giáo viên phù hợp, tuy nhiên việc thay đổi giáo viên thường xuyên chắc chắn dẫn đến xáo trộn trong việc học của học sinh. Cho tôi hỏi hệ thống IPS&AHS có biện pháp hữu hiệu nào hay có những cam kết gì với phụ huynh để giảm thiểu tối đa tình trạng trên. Cám ơn
Bà Nguyễn Thị Vân Anh (IPS): Thưa Phụ huynh, tiêu chí của trường là "tất cả vì học sinh".
Yêu cầu và tiêu chuẩn của nhà trường đối với giáo viên rất cao. Trong quá trình làm việc tại trường, ngoài nhân cách và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên, nếu nhận thấy giáo viên chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của trường, trường sẽ có giải pháp để mang lại cho học sinh của mình một môi trường học tập và sinh hoạt tốt nhất. Rất cám ơn sự quan tâm của Phụ huynh.
Ngô Ái My , Nữ - 30 Tuổi
Tôi xin hỏi, học trường quốc tế từ lớp 1 tới lớp 12 thì hết khoảng bao nhiêu, để tôi còn tính chuyện đầu tư cho con. Nếu học rồi bỏ giữa chừng rất khó tìm trường cho con sau đó.
Bà Nguyễn Thu Hà: Hiện nay nhà trường tuyển sinh từ 2 tuổi đến hết lớp 6. Năm tiếp theo sẽ mở thêm lớp 7 và các lớp học lớn hơn. Học phí lớp 1 đến lớp 6 là 1.400 đô la/năm. Như vậy, nếu con bạn học hết tiểu học thì sẽ mất khoảng 57.000 đô la (học phí có thể thay đổi hàng năm tùy thuộc vào sự biến động của nền kinh tế thị trường). Dựa trên học phí cấp 2 và 3 vào thời điểm hiện tại của các trường quốc tế khác, từ 13.000 đến 15.000/năm thì con bạn sau khi học xong lớp 12 sẽ hết khoảng hơn 100.000 đô la.
Phạm Thanh Tùng , Nam - 30 Tuổi
Tôi rất băn khoăn về việc học ngoại ngữ tại các trường tiểu học hiện nay. Xin các thầy/cô đại diện các trường điểm cho biết là trường hiện có giáo trình cũng như phương pháp, lựa chọn giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ tiểu học ra sao? Các kỹ năng như nghe-nói có tốt bằng học tại các trường Quốc tế hay không?
Bà Lê Thị Ngọc Điệp (NBK): Chào anh Tùng, chương trình học ngoại ngữ hiện nay tại các trường tiểu học do Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn thực hiện rất cụ thể.
Hiện nay, TPHCM có 3 chương trình dạy Tiếng Anh cho HS tiểu học:
- Chương trình Tiếng Anh Tăng cường (giáo trình Family and Friends)
- Chương trình Tiếng Anh tự chọn (tùy các trường lựa chọn giáo trình)
- Chương trình Tiếng Anh đại trà (do Bộ GD&ĐT quy định)
Dù thực hiện chương trình nào, các trường đều phải đảm bảo chất lượng dạy và học Tiếng Anh của trường mình.
Tùy điều kiện của trường và sự thỏa thuận của phụ huynh, ngoài đội ngũ GV của trường, một số nơi đã liên kết với các trung tâm ngoại ngữ có GV nước ngoài để rèn kỹ năng giao tiếp cho HS.
Kỹ năng nghe - nói của các em được rèn luyện tại trường trong một thời gian nhất định. Nếu nhà trường có GV dạy Tiếng Anh đúng chuẩn thì chắc chắn các kỹ năng học ngoại ngữ của HS được phát triển tốt.
Mẹ Khủng Long , Nữ - 30 Tuổi
Xin hỏi ý kiến của đại diện trường Quốc tế câu sau: Khi cho con học tại trường Quốc tế thì điều kiện tốt hơn, nhưng liệu con tôi có biết gì về văn hoá Việt không? Bởi vì sau này, dù có cho con đi du học nhưng tôi vẫn muốn con trở về Việt Nam sinh sống. Như vậy, con có thể hòa nhập với cộng đồng được không?
Bà Nguyễn Thu Hà: Bên cạnh chương trình của Hoa Kỳ, nhà trường có đưa vào giảng dạy các môn học trong chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam như tiếng Việt, lịch sử, địa lý do các giáo viên Việt Nam giảng dạy.
Đội ngũ GV Việt Nam và nước ngoài của trường luôn làm việc theo nhóm nên GV nước ngoài cũng được tiếp thu những kiến thức về văn hóa VN.
Bên cạnh đó nhà trường thường xuyên tổ chức các sự kiện như ngày Quốc tế thiếu nhi, Trung thu, Giỗ tổ Hùng Vương, tết cổ truyền VN... Như vậy, bạn yên tâm con bạn không chỉ được trang bị kiến thức quốc tế của nền giáo dục hiện đại nhất thế giới mà còn duy trì tốt bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Con bạn chắc chắn sẽ tự tin hòa nhập vào cộng đồng quốc tế khi đi du học hay sống và làm việc với người VN.
Nguyễn Tuấn Tú , Nam - 35 Tuổi
Tôi muốn hỏi các trường câu sau: Nếu học trường dân lập quốc tế thì có gặp nhiều khó khăn ở các cấp đào tạo tiếp theo không? Nếu học theo phong cách của Tây thì có lẽ bé được vui chơi với tuổi thơ của mình nhiều hơn nhưng vẫn có khả năng tư duy tốt.... - Hoặc cho bé học trường điểm rồi học thêm tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ đáng tin cậy nào đó, nhưng nếu theo học ở những trường này thì bé phải tăng cường học rất nhiều thứ (tiếng việt, toán, tập viết...), nhồi nhét bé quá thì phần nào cũng đánh mất tuổi thơ vui chơi hồn nhiên của con. Hãy cho tôi lời khuyên.
Bà Lê Thị Ngọc Điệp (NBK): Chào bạn, hiện nay TP.HCM có nhiều trường công lập thực hiện chương trình Tiếng Anh tăng cường, chương trình tiểu học Quốc tế Cambridge. Nếu tham gia các chương trình này, bé sẽ được "học theo phong cách của Tây" và học thoải mái với chương trình Tiếng Việt; bạn sẽ không lo tuổi thơ của bé bị đánh mất đâu!
Bà Nguyễn Thị Vân Anh (IPS): Trường Tiểu học Dân lập Quốc Tế IPS chịu sự quản lý của Sở Giáo dục & Đào tạo và các Phòng Giáo dục địa phương.
Với 2 chương trình đào tạo (chương trình tiếng Việt của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam và chương trình tiếng Anh quốc tế theo tiêu chuẩn giáo dục phổ thông của Anh Quốc và Hoa Kỳ cùng phương pháp giảng dạy tiên tiến và đội ngũ giáo viên tận tâm, năng động, mục tiêu của IPS là truyền cảm hứng học tập thông qua cách tiếp cận nền giáo dục tiên tiến nhằm kích thích sự sáng tạo, niềm đam mê cũng như việc tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng. Học sinh IPS có đủ điều kiện để tiếp tục bậc học cao hơn tại các trường của Việt Nam và nước ngoài.
Hy vọng là Phụ huynh sẽ có được sự lựa chọn tốt nhất cho bé.
Phạm Phương Đông , Nam - 42 Tuổi
Con tôi sinh năm tháng 01/2006, cháu sắp vào lớp 1, nhưng thật sự tôi rất lo lắng vấn đề chọn trường cho con. Nếu học trường tư thục của các cô thì quá tốt nhưng e là hoc phí quá cao. Trường có chế độ duy trì mức học phí trong 1 khoảng thời gian 2-3 năm mà không tăng? Thật sự nếu học phí đột ngột tăng cao thì rất khó cho phụ huynh chủ động nguồi tài chính đầu tư cho con.
Bà Nguyễn Thu Hà: Cám ơn câu hỏi của anh. Theo hệ thống giáo dục của Mỹ thì những học sinh sinh từ 31-8-2004 đến 30-8-2005 mới đủ tuổi vào lớp 1. Nếu con bạn sinh tháng 1-2006, sẽ học lớp mẫu giáo 5 tuổi và sang năm mới được nhận vào lớp 1 của trường.
Mức học phí của nhà trường có thể thay đổi từ 5-8%/năm trong vòng 2-3 năm, tùy thuộc vào sự thay đổi của nền kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn những phụ huynh cho con học ở trường phần lớn đều đã được chuẩn bị sẵn tâm lý này nên không cảm thấy bất ngờ. Việc chọn một trường tốt cho con là sự đầu tư chắc chắn và lâu dài cho tương lai. Tôi hy vọng sự thay đổi này không ảnh hưởng đến quyết định của phụ huynh.
Đỗ Văn Toàn , Nam - 55 Tuổi
Trường quốc tế có công khai chương trình và phương pháp dạy học không?
Bà Nguyễn Thu Hà: Cám ơn câu hỏi của anh. Chương trình và phương pháp dạy học của trường được công khai trên các sản phẩm truyền thông như website, brochure... Tuy nhiên, để nắm rõ hơn về chương trình và phương pháp đào tạo của trường, mời anh ghé tham quan trường học để được gặp giáo viên, hiệu trưởng nhằm giúp anh hiểu rõ hơn.
Tran Thi Sau , Nữ - 45 Tuổi
Tôi muốn biết trường quốc tế ISSP có khác gì với với các trường quốc tế khác trên địa bàn thành phố? So với trường ở Singapore thì có ngang bằng không?
Bà Nguyễn Thu Hà: Những điểm khác biệt nổi trội của trường quốc tế ISSP là:
- Chương trình giảng dạy đậm tính thực hành của bang New York, Hoa Kỳ
- Đội ngũ giáo viên nước ngoài của trường đều tốt nghiệp từ các trường ĐH nổi tiếng thế giới, nhiều giáo viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều năm kinh nghiệm và quan tâm sâu sắc đến từng học sinh. Các môn học như là Toán, Khoa học, Xã hội học được giảng dạy bởi giáo viên chủ nhiệm lớp.
-Chương trình VN được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên VN, tốt nghiệp đúng chuyên ngành và do nhà giáo ưu tú quản lý.
- Nhà trường giảng dạy tiếng Hoa như một ngôn ngữ thứ 2
- Trường nằm giữa trung tâm TP.HCM với các trang thiết bị hiện đại, hệ thống wifi trên toàn trường và tích hợp công nghệ thông tin trong từng môn học.
- Hệ thống thư viện với hơn 7 ngàn sách phục vụ cho nghiên cứu và học tập.
- Chương trình hoạt động ngoại khóa năng động với các môn Hội họa, Khiêu vũ, Nhạc, Kịch, Bale, Bóng đá được giảng dạy bởi các chuyên gia nổi tiếng nước ngoài. Đặc biệt là môn Golf được hợp tác với tập đoàn KinderGolf của Singgapore.
Tôi không muốn so sánh với bất kỳ trường quốc tế nào. Để biết được chất lượng phụ huynh nên đến tham quan và nói chuyện với giáo viên, hiệu trưởng của trường.
Nguyen Thi Minh Thu , Nữ - 36 Tuổi
Vậy khi cháu chuyển từ cấp 1 quốc tế sang cấp 2 công lập, thì sẽ thi những môn gì? Và chuyển từ cấp 1 quốc tế trường này sang cấp 2 quốc tế trường khác sẽ phải thi những môn gì?
Bà Nguyễn Thị Vân Anh (IPS): Thưa Phụ huynh, riêng đối với Tập đoàn Giáo dục Quốc Tế Á Châu, học sinh của Trường Tiểu học Dân lập Quốc Tế IPS sau khi hoàn thành chương trình tiểu học sẽ được tuyển thẳng vào lớp 6 Trường Trung học Tư thục Á Châu AHS.
Đối với học sinh hoàn thành chương trình tiểu học của các trường khác sẽ tham dự kỳ kiểm tra đầu vào (gồm 2 môn: Toán và tiếng Anh) để được xét tuyển vào lớp 6 Trường Trung học Tư thục Á Châu.
Trần Hoàng Nhân , Nam - 38 Tuổi
Thân chào quý vị, con tôi hiện đang đến tuổi vào lớp một (cháu sinh năm 2005). Cho tôi hỏi khi nào thì bắt đầu nộp hồ sơ vào trường. Xin cảm ơn.
Vũ Quang Nam: Thưa Phụ huynh, hiện nay Trường Tiểu học Dân lập Quốc Tế đang nhận hồ sơ đăng ký nhập học lớp 1. Phụ huynh có thể liên hệ Phòng Tuyển sinh tại các cơ sở của trường để được hướng dẫn cụ thể.
Trần Văn Quân , Nam - 42 Tuổi
Xin hỏi trường ISSP, phương pháp giáo dục của trường có khác gì với các trường công lập của Việt Nam? Có bao nhiêu trường quốc tế đúng nghĩa (được công nhận bởi cơ quan kiểm định có uy tín) tại TP. HCM? Trường ISSP có được kiểm định không? Giáo viên của trường có bằng cấp như thế nào? Làm thế nào để chúng tôi có thể biết được bằng cấp của họ có giá trị không? Xin cảm ơn.
Bà Nguyễn Thu Hà: Phương pháp giáo dục của Trường Quốc tế ISSP mang đậm tính thực hành của bang New York Hoa Kỳ. Không chỉ chú trọng vào Toán, Khoa học, ngôn ngữ nhà trường còn đặc biệt chú trọng phát triển sự sáng tạo, tự tin, độc lập của học sinh cũng như các kỹ năng: giao tiếp, xã hội, lãnh đạo, giải quyết vấn đề hiệu quả, hợp tác, làm việc nhóm... Đồng thời rèn luyện cho các em tinh thần trách nhiệm của một công dân toàn cầu biết sống có trách nhiệm, tôn trọng mình và mọi người, đề cao cái đẹp, bảo vệ môi trường... Mục tiêu của nhà trường là đào tạo các em trở thành những công dân ưu tú không chỉ có kiến thức quốc tế, kỹ năng để hòa nhập với cộng đồng quốc tế mà còn duy trì tốt bản sắc văn hóa dân tộc VN.
Hiện nay, có khoảng gần 10 trường quốc tế đúng nghĩa (có học sinh đến từ nhiều quốc tịch khác nhau, có chương trình được các tổ chức quốc tế công nhận, có đội ngũ giáo viên được quốc tế công nhận...). Trường Quốc tế ISSP đang từng bước thẩm định để được công nhận toàn cầu bởi tổ chức kiểm định và công nhận chất lượng giáo dục lớn nhất thế giới WASC. Với sự công nhận này nhằm bảo đảm nhà trường có một chương trình giảng dạy quốc tế đội ngũ giáo viên có chất lượng và học sinh có thể chuyển tiếp sang bất kỳ một trường quốc tế nào tại Mỹ hoặc các quốc gia khác.
Vân Vy , Nữ - 36 Tuổi
Trường hợp các bé phải chuyển sang trường Việt Nam thì khả năng bắt nhịp như thế nào, khi mà bé đang học thoải mái? Vì khi bị áp đặt cách học khác sẽ dẫn đến tình trạng không thoải mái (tùy vào tính cách mà mỗi bé sẽ phản ứng khác nhau)
Bà Nguyễn Thu Hà: Theo tôi phụ huynh nên suy nghĩ kỹ trước khi gửi con vào trường quốc tế. Tại Trường Quốc tế ISSP học sinh được học để trở thành những công dân toàn cầu mang trong mình kiến thức quốc tế, sự tự tin năng động, sự sáng tạo trong khi vẫn được học một số môn học trong chương trình VN. Điều này sẽ giúp các em dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng học tập quốc tế khi đi du học thể hiện sự xuất sắc, ưu tú của mình khi chuyển vào học trường VN.
MBKB , Nữ - 36 Tuổi
Bé Khanh học lớp 4 trường làng thấy rất thoải mái. Chiều về bé không phải làm bài tập gì hết, vẫn đi bơi, chạy xe đạp, đánh cầu lông. Tiếng Anh thì học ở Hội Việt-Mỹ. Bé Khanh có nhỏ bạn học chung mẫu giáo, lại là hàng xóm luôn, đang học lớp 4 trường Dân Lập Quốc Tế (Ngô Thời Nhiệm). Bé hàng xóm đi học ở trường về, phải học thêm tiếng Việt ở nhà tuần 3 buổi vì mẹ bé thấy con học chính tả, toán yếu quá! Ngoài ra, cũng học thêm Anh Văn ở Hội Việt Mỹ 2 buổi 1 tuần nữa. Sự thật có đúng như vậy không, thưa trường quốc tế?
Bà Nguyễn Thu Hà: ISSP là một trường quốc tế với học sinh đến từ gần 30 quốc tịch khác nhau, đây không phải là trường dân lập (quốc tế) hay trung tâm Anh ngữ. Học sinh học tại ISSP sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng của một công dân toàn cầu có năng lực cạnh tranh với bất kể học sinh thuộc các trường quốc tế nổi tiếng nào trên thế giới. Bé được trang bị toàn bộ kiến thức ở trường nên việc học thêm là điều không cần thiết.
Nguyễn Thùy Châu, Nữ, 24 tuổi
Một giáo sư nguời Việt đang đứng đầu một khoa ở trường danh giá nước ngoài khuyên: "cứ truờng công mà học". Trẻ con nhà mình đa phần học truờng công đấy chứ vậy mà vẫn du học, vẫn học bổng vẫn bằng bạn bằng bè năm châu đó thôi. Điều kiện trong nuớc ngày một khác, quan điểm giáo dục của cha mẹ cũng ngày càng tiến bộ, lo gì con mình không theo nổi. Cứ nghĩ xem ngày xưa mình đâu có biết dùng máy tính, đâu có biết ngoại ngữ vậy mà bây giờ cũng đang vi vu khắp nơi, đang dạy con em bọn Tây bằng chính ngôn ngữ của chúng nó. Đưa con vào truờng Tây ở VN là huớng con vào con đuờng hẹp. Hẹp cho cả con cái và bố mẹ. Con thì chỉ có nuớc theo học đến cùng ra nuớc ngoài học tiếp. Bố mẹ cày bừa cả đời không làm đuợc chuyện gì ngoài trả học phí cho con từ nhà trẻ đến hết đại học hoạc cao hơn. Trong khi đó học truờng công, bố mẹ rảnh làm ăn để rót tiền vào đúng cái bậc học mà cần mở rộng tầm mắt cho con (từ đại học trở lên). Con cái cũng có thể có nhiều lựa chọn học trong nuớc, thi đậu, kiếm học bổng nuớc ngoài, học đại học trong nước rồi cao học ở nuớc ngoài. Vậy trường quốc tế nghĩ sao về điều này?
Bà Nguyễn Thu Hà: Trước tiên phụ huynh cần xác định mục tiêu học tập của con mình là gì để đầu tư cho hợp lý. Nếu phụ huynh có dự định gửi con đi du học nước ngoài ở một trường nổi tiếng thì việc cho con học trường quốc tế sẽ trang bị cho bé những kiến thức kỹ năng cần thiết ngay từ nhỏ, điều này giúp con bạn có thể tự tin hòa nhập vào cộng đồng quốc tế bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên cũng có những học sinh học tại các trường công lập vẫn có thể vào học tại các trường nước ngoài nếu các bé có đủ kiến thức và khả năng Anh ngữ đáp ứng yêu cầu của trường nước ngoài. Tuy nhiên, số học sinh này vào được các trường nổi tiếng ở nước ngoài là rất hiếm, hoặc phải học thêm tiếng Anh một thời gian. Một số em có thể theo kịp về học thuật nhưng thường kém hòa nhập hơn do thiếu các kỹ năng và sự tự tin so với các học sinh quốc tế.
- Ban giáo dục