Sau hơn 3 năm phân cấp quản lý nhà nước, tăng cường tự chủ cùng những đổi mới trong đào tạo và tuyển sinh, giáo dục đại học Việt Nam đang từng bước đổi mới toàn diện để phát triển nguồn nhân lực Việt chất lượng, có kĩ năng.

PGS.TS Khắc Nguyên (Học viện Khoa học xã hội) đã có một số chia sẻ về những đổi mới tích cực của giáo dục đại học Việt Nam từ sau Đại hội Đảng toàn quốc XI đến nay:

Phân cấp trách nhiệm quản lý

Ngày 24/12/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Ngay sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp và với các Bộ, Ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, ngành khác; phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục giữa Trung ương và địa phương.

Tăng cường tự chủ đại học

Thực hiện NQ 14 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện Giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 và Luật Giáo dục Đại học, căn cứ vào điều kiện và năng lực quản lý của cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ toàn bộ cho một số cơ sở giáo dục đại học.

Một số cơ sở giáo dục đại học khác được giao quyền tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên khi cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

{keywords}

Đổi mới chế độ đãi ngộ với giảng viên

Giáo dục Đại học tiếp tục đổi mới mô hình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng và chính sách tuyển dụng, đánh giá, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên.

Đồng thời, cơ cấu lại mạng lưới các trường sư phạm theo hướng tập trung phát triển một số trường đại học sư phạm trọng điểm và các trường thực hành; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực

Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo đại học theo hướng tiếp cận năng lực người học, đáp ứng chuẩn đầu ra và theo nhu cầu xã hôi; tăng cường áp dụng các chương trình tiên tiến của các trường đại học trên thế giới.

64 cơ sở đáp ứng đề án tuyển sinh riêng

Thực hiện Luật Giáo dục Đại học, từ năm học 2014- 2015, Bộ GD&ĐT đã tăng cường giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho những cơ sở giáo dục đại học đủ năng lực và điều kiện.

Phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Các trường đại học, cao đẳng có chỉ tiêu tuyển sinh có thể tuyển sinh một hoặc hai lần/năm.

Các trường có thể tổ chức thi tuyển sinh theo kỳ thi chung hoặc tổ chức thi tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh theo các quy định của Bộ GD&ĐT.

Năm học này, Bộ GD&ĐT đã xác nhận 64 cơ sở giáo dục đại học đáp ứng các yêu cầu của đề án tuyển sinh riêng.

Mặt khác trong quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập và trong thời gian tới phải thay đổi. Trước tiên, việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng phải đồng bộ với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên công tác này còn hạn chế; những vi phạm các quy định chậm phát hiện và xử lý; các chế tài chưa đủ sức răn đe để chấm dứt các sai phạm.

Hiện UBND cấp tỉnh cũng chưa thống nhất việc giao các chức năng nhiệm vụ cho sở giáo dục và đào tạo tham gia tham mưu cho trong việc quản lý hành chính các cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn và quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc tỉnh.

PGS. TS Khắc Nguyên