- "Chỉ khi mất đi, một người tử tế mới không còn là gánh nặng hoặc một niềm áy náy cho những ai không sống được như mình".
Bác sỹ Trần Hữu Ngoạn trò chuyện với Bà Mai Đình (người yêu của Thi sỹ Hàn Mạc Tử) tại Khu điều trị phong Qui Hoà (năm 1993) |
Năm 1961, khi còn là sinh viên năm cuối, ông cưới cô giáo Phạm
Thị Yến, một thục nữ Hà Nội, người sẽ trở thành nguồn động viên và nơi
nương tựa yên ấm vững chắc nhất trong suốt cuộc đời sóng gió sau này của
mình.
Năm 1962, tốt nghiệp Đại học Y, BS Ngoạn đề đạt nguyện vọng được
nghiên cứu chăm sóc bệnh nhân phong và được nhận công tác tại Khu Điều
Trị Phong Quỳnh Lập – Quỳnh Lưu – Nghệ An. Ông không thể biết trước rằng
“nghiên cứu chăm sóc bệnh nhân phong” sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống
của mình như thế nào.
Từ 1962 đến 1968 là giai đoạn ông “ba cùng” với cán bộ và bệnh nhân
phong ở Quỳnh Lưu – “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Một năm chỉ về với vợ
con một đôi lần, có năm còn đưa cả vợ và con nhỏ vào ăn Tết với bệnh
nhân. Thực tiễn Quỳnh Lưu đã cho ông thấy rằng đối với bệnh phong tại
Việt Nam, chăm sóc lâm sàng là chưa đủ. Mô hình “trại hủi” cách ly bệnh
nhân phong để chữa trị cần phải được thay thế bằng một mô hình khác khoa
học và nhân ái hơn. Việc cần làm đầu tiên là phải thay đổi được quan
niệm sai lầm và định kiến khắc nghiệt của xã hội đối với căn bệnh cũng
như người mắc bệnh phong. Công việc đã không dễ chút nào, lại càng khó
khăn hơn khi chiến tranh lan ra miền Bắc từ 1965.
Năm 1968, chi bộ Khu điều trị Quỳnh Lập kết nạp BS Ngoạn vào Đảng.
Rồi bệnh viện Quỳnh Lập bị không quân Mỹ bắn phá. BS Ngoạn được điều về
Khu bệnh nhân phong tại bệnh viện Bạch Mai HN. Ông tập trung nghiên cứu
sâu rộng mọi vấn đề liên quan đến chăm sóc bệnh nhân phong trên thế
giới, bắt đầu phác thảo những ý tưởng cho giải pháp thay đổi mô hình
chăm sóc bệnh nhân phong thích hợp với Việt Nam.
Tháng 5 năm 1974, BS Ngoạn được cử làm GĐ tại bệnh viện phong Quỳnh
Lập, và trong mười năm sau đó, ông đã thực hiện những thay đổi đầu tiên
nhằm xây dựng mô hình mới, bao gồm cả nhân sự và hạ tầng, cụ thể là:
Di
dời khu làm việc của cán bộ CNV từ ngoài đèo cách xa 6 cây số vào tại
ngay bệnh viện để phục vụ chữa bệnh cho BN được thuận lợi và kịp thời.
Huấn luyện người bệnh làm nhân viên phục vụ cho bệnh nhân phong.
Sửa sang và xây dựng các phòng của BV để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Với
những thay đổi ấy, Quỳnh Lập trở thành đơn vị tiên phong xóa bỏ tình
trạng “trại hủi” biệt lập, xóa bỏ quan niệm bi quan tuyệt vọng của chính
bệnh nhân phong, chủ động nâng cấp cơ sở hạ tầng để cải thiện chất
lượng cũng như xây dựng một hình ảnh tích cực về công tác điều trị bệnh
phong.
Với sự trưởng thành của hàng ngũ cán bộ Quỳnh Lập, tháng 5 năm 1984,
BS Ngoạn được Bộ Y tế chuyển công tác vào làm Giám đốc Bệnh viện phong
Quy Hoà -Quy Nhơn-Bình Định. Và trong mười năm sau đó, ông đã tập trung
xây dựng bệnh viện này thành một thí điểm cho mô hình mới về chăm sóc
bệnh nhân phong tại Việt Nam.
Ngoài khám và điều trị bệnh phong, Bác sỹ Ngoạn còn làm công tác từ thiện giúp đỡ bệnh nhân |
Để “trại cùi” Quy Hòa, nơi qua đời của thi sỹ Hàn Mặc Tử với những
vần thơ tuyệt vọng khi xưa, không còn là một góc biển âm u hẻo lánh cách
biệt với xã hội, BS Ngoạn đã cùng tập thể cán bộ và bệnh nhân tiến hành
những việc có tính cách mạng như sau:
- Cải tạo con đèo heo hút dẫn vào khu điều trị thành một con đường thuận tiện nối liền bệnh viện với khu dân cư.
-
Lợi dụng cảnh thiên nhiên biển tuyệt đẹp của trong khuôn viên bệnh
viện, xây dựng một sân khấu hình cây đàn vĩ cầm ngoài bãi biển và một
vườn tượng danh nhân y học dân tộc và thế giới, biến khu vực bệnh viện
trở thành một điểm du lịch văn hóa của địa phương, một trung tâm thông
tin và phổ biến các kiến thức phổ thông về bệnh phong.
- Gây quỹ từ thiện và văn hóa xã hội để nâng cao đời sống bệnh nhân phong, giúp người bệnh hòa nhập với đời sống xã hội.
Và
ngày 23/10/1984, BS Trần Hữu Ngoạn đã tự nguyện uống, nhỏ vào mũi và
tiêm vi trùng phong vào người, lấy chính mình làm tiêu bản thí nghiệm để
góp một tiếng nói có sức thuyết phục nhất rằng bệnh phong không dễ lây
như theo quan niệm của xã hội.
Trong hoàn cảnh hậu chiến rất khó khăn và đầy biến động cả về vật
chất và tinh thần trong xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng, những
công việc ấy không tránh khỏi bị coi là bất bình thường, và BS Ngoạn đã
gặp phải rất nhiều rắc rối, thậm chí bị phản đối, vu cáo và chụp mũ
nhiều điều. Giờ đây, nhìn lại, những người đang sống như chúng tôi còn
thấy đó là những trắc trở không tránh khỏi của bất kỳ một nỗ lực cách
mạng nào, rằng sự nghiệp càng lớn thì vận nạn càng nặng; thì chắc vong
linh ông cũng chả muốn chúng tôi nhắc lại chúng làm gì.
Tháng 5/1994, sau mười năm làm biến đổi Quy Hòa với một niềm tin
không lay chuyển vào một mô hình chăm sóc bệnh nhân phong lấy xã hội và
bệnh nhân làm trung tâm, BS Ngoạn được điều về làm chuyên viên tại Vụ
Điều trị BYT, rồi 5 năm sau thì nghỉ hưu.
Mặc dù sức khỏe bắt đầu suy sụp, BS Ngoạn không hưu trí với chính
mình. Ông quay lại với cuốn sách đã ấp ủ từ 30 năm về trước. Trong căn
nhà xưa cũ nơi ông đã ra đời tại Nghĩa Đô, với tình yêu vô bờ và sự chăm
sóc của người vợ thủy chung, ông đã hoàn thành cuốn sách duy nhất của
mình: “Bệnh phong – Lý thuyết và Thực hành”, do NXB Y học ấn hành năm
2001.
Rồi ông tiếp tục đến với bệnh nhân phong qua những chương trình từ
thiện. Các chương trình gặp rắc rối thì ông làm một mình, xin chỗ thừa
bù chỗ thiếu, chả phải thủ tục giấy tờ gì, chả phải tên tuổi chương
trình gì nữa. Đã thấm cái bi kịch của sự nghiệp và danh tiếng, ông từ
chối cả làm hồ sơ để nhận danh hiệu thầy thuốc ưu tú, anh hùng lao động,
rồi cả giải thưởng quốc tế Gandhi.
Ông bắt đầu ốm nhiều từ 2003, các con ông trở thành bác sỹ của ông,
cô giáo Yến thành hộ lý điều dưỡng viên của ông. May mắn lớn nhất của
ông là có một gia đình như ông đã có. Chắc chắn ông chả muốn làm bệnh
nhân của vợ con mình, nhưng cũng chắc chắn là ông đã thanh thản ra đi
với một niềm hạnh phúc vô bờ của một người biết rõ bằng máu thịt mình
rằng mình đã sống, đã tin, đã yêu, đã làm hết sức mình cho niềm tin và
tình yêu ấy, và cũng đã nhận lại được tất cả.
Tất cả những cảm nghĩ của chúng tôi về BS Trần Hữu Ngoạn đã được gói
ghém trân trọng trong lời ai điếu này. Vĩnh biệt ông, chúng tôi xin có
lời chia buồn và biết ơn đặc biệt đến cô giáo Phạm Thị Yến, cùng mọi
người trong gia đình ông, những người đã hy sinh rất nhiều niềm hạnh
phúc giản dị của mình để xã hội có được một tấm gương như Bác sỹ Trần
Hữu Ngoạn.
- Trịnh Lữ
(Điếu văn do đại diện Vụ Điều trị, Bộ Y tế đọc. Tựa đề do tòa soạn đặt)