HTML clipboard

Tôi bị lôi cuốn khi đọc bài báo cẩn thận và chi tiết trên tờ Little India nói về một người Mỹ gốc Ấn đang hướng về quê hương để tìm kiếm những việc làm hấp dẫn.

Naomi Abraham, tác giả bài báo trên, kể về câu chuyện của một giám đốc trẻ thành đạt đang điều hành American Express. Đó là cô Shapna Chadha ở bang New Jersey.

Chadha đã gây sốc cho cha mẹ vì việc chuyển đến Ấn Độ làm giám đốc về marketing cho hãng American Express.

Công việc này bắt đầu khi chồng cô, một người sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ nhưng sống ở Mỹ khoảng 20 năm, được tuyển chọn để tham gia vào một chương trình mới được thành lập tại New Delhi.

Hiện nay, những người Ấn Độ trở về (giống như những kiều bào di cư từ Trung Quốc hay các nước khác) đều được chính phủ tích cực tuyển dụng và các nước sở tại đang tìm kiếm tất cả các tài năng nhằm giữ vững vị thế trong nền kinh tế cạnh tranh của mình.

Vì vậy, những quĩ đạo thông thường đang bị đảo lộn. Tất nhiên, có một số người nhập cư luôn trở về quê hương.

Nhưng, như Abraham giải thích, các thế hệ hồi hương trước trở về khi họ bị tan vỡ những giấc mơ lập nghiệp trên đất mới, “chú ý rằng do họ bị phân biệt đối xử và có những cản trở khác”.

Ngày nay thì ngược lại, những kiều bào trở về vì nền kinh tế của quê hương mình đang tăng trưởng nhanh và có nhiều cơ hội cho chính họ.

Tất cả những điều này phù hợp với những phát hiện của bản báo cáo năm 2009 (do Quỹ Kauffman, nơi tôi làm việc, xuất bản).

Báo cáo này được Abraham trích dẫn, anh là người thậm chí đã nhìn thấy cuộc khủng hoảng chính trị trước năm 2008, “một số nhà quan sát đã nhận định rằng, có một lượng đáng kể những người nhập cư tay nghề cao đã bắt đầu trở về quê hương, kể cả những nước có thu nhập thấp như Ấn Độ và Trung Quốc - những nước mà về mặt lịch sử, kiều bào của họ có xu hướng ở lại vĩnh viễn tại Hoa Kỳ”.

Một trong những tác giả của bài nghiên cứu, Vivek Wadhwa, đã khảo sát khoảng 1.200 người dân Ấn Độ và Trung Quốc tay nghề cao trở về nước và nhận thấy rằng, độ tuổi trung bình của những người di cư ngược này là xấp xỉ 30, có chuyên môn với trình độ đại học và từng có một nghề nghiệp thành công tại Hoa Kỳ.

Những khuynh hướng này nhấn mạnh sự quan sát của các nhà phân tích Peggy Blumenthal và Rajika Bhanari ở Viện Giáo dục quốc tế. Họ đã nêu lên những mô hình mới về sự di chuyển.

Những mô hình này đã dần thay thế sự dịch chuyển Đông – Tây và Bắc – Nam mà chúng thường kết hợp với những quĩ đạo của cả nghề nghiệp hàn lâm và nghề nghiệp chuyên môn.

Những từ ngữ chẳng hạn như “luân chuyển chất xám”, “trao đổi chất xám”, hoặc “đào luyện chất xám” và một số thuật ngữ khác gợi nên rằng, chúng có thể được dùng để mô tả tốt hơn cho những xu hướng di động hiện nay so với thuật ngữ thường dùng trước đây, đó là “chảy máu chất xám”. Tôi đồng ý với điều này.

Nhưng, nếu những lo lắng từ trước đến nay về việc chảy máu chất xám từ Đông sang Tây giờ đây bớt bị nhấn mạnh thì ít nhất, tại một vài nơi, có hiện tượng ngược lại. Điều đó có biểu hiện như thế nào?

Nhiều nhà phân tích, bao gồm cả Wadhwa (từng là một doanh nhân chuyển sang nghiên cứu tại nhiều cơ sở ở Berkeley, Havard và Duke) lại băn khoăn về hiện tượng ‘chảy máu chất xám ngược’.

Họ cũng như tôi, sợ rằng những chính sách nhập cư của nước Mỹ không đủ sự hiếu khách cho những người nhập cư có tài.

Điều đó dẫn đến sự trở về, trong khi họ có thể ở lại và tạo nên những đóng góp quan trọng, bao gồm cả sự đổi mới và sự xuất sắc về học thuật ở nước Mỹ.

Những lo lắng ấy khiến một số người đề xuất rằng nên tự động cấp thẻ xanh cho những người nhập cư có bằng ĐH ở các trường ĐH Mỹ, cho phép họ được thường trú và làm việc.

Tôi ủng hộ đề nghị cấp thẻ xanh này, nhưng cũng phải thú nhận về một số mâu thuẫn trong cách tư duy về sự chảy máu ngược của chất xám.

Một mặt, tôi ghét phải thấy rằng nước Mỹ đánh mất những người xuất sắc và được giáo dục tốt chỉ vì những quyết định tồi về chính sách thị thực.

Chúng ta cần tất cả những tài năng mà mình có thể có và điều đó làm bằng chứng cho sức mạnh của một quốc gia có nhiều người muốn theo học tại các trường đại học và muốn có được công việc tại đây sau khi tốt nghiệp.

Mặt khác, tôi nghĩ rằng, chúng ta đã cảm thấy thỏa mãn tất cả trong một thế giới mà con người đang di chuyển dễ dàng và có thể dùng tài năng của họ để theo đuổi những cơ hội xa và rộng lớn.

Nếu những nơi, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc tăng trưởng kinh tế, đồng thời đưa ra những chính sách hấp dẫn hơn cho cộng đồng người Ấn và người Hoa thì điều đó tăng thêm sức mạnh cho kiều bào. Sự phát triển và thịnh vượng của họ là một việc tốt chứ không phải việc xấu đối với phương Tây.

Tôi nghĩ rằng, mình muốn cả hai điều trên. Nước Mỹ nên làm bất cứ điều gì để có thể thu hút được những nhân tài nhập cư, bao gồm những du học sinh đã tốt nghiệp. Những quốc gia khác cũng nên cố gắng tạo điều kiện cả về học tập lẫn kinh tế cho các sinh viên giỏi nhất và những người có chuyên môn tốt nhất.

Chỉ trong một thời gian, tất nhiên sẽ xuất hiện cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm thu hút những hạt giống tốt nhất trong số các sinh viên xuất sắc và những người lao động hàng đầu, kèm theo đó là một số hệ quả xấu nhãn tiền cho những người thua cuộc trong cuộc chiến giành nhân tài.

Nhưng “những bể bơi” cho nhân tài không hề hữu hạn. Có mọi lý do để tin rằng, cơ hội luôn rộng mở cho những thanh niên được giáo dục, dù ở nước ngoài hay trong nước và sẽ khuyến khích nhiều người ở những thế hệ tiếp sau tiếp tục theo đuổi bằng cấp và phát triển các kỹ năng để có được thành công. Điều này sẽ là một sự tiến triển luôn chào đón tất cả các bên.

Ben Wildavsky (The Chronicle Higher Education)
Thuần Dũng (dịch)