- ĐHQG Hà Nội vừa công bố dạng thức chung đề thi sau đại học và đề thi tuyển sinh đại học vào học chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế và chất lượng cao năm 2014 của trường.
Dạng thức chung đề thi là bản thiết kế xây dựng các đề thi chuẩn hóa theo hướng đánh giá các năng lực của người học làm căn cứ tuyển chọn người vào học sau đại học (SĐH) và đại học.
Dạng thức chung đề thi mô tả số lượng câu hỏi, số phần trong đề thi, thời gian cho từng phần, mục tiêu đánh giá, lĩnh vực kiến thức, cấp độ năng lực đánh giá, phương pháp chấm điểm, phương pháp làm bài, và phương pháp tính điểm của bài thi.
Hai loại đề sau đại học
Đề thi SĐH được chia làm hai loại: đề thi dành cho tuyển sinh SĐH vào các chuyên ngành khối Khoa học xã hội và nhân văn và đề thi dành cho tuyển sinh SĐH vào các chuyên ngành khối Khoa học tự nhiên và Công nghệ.
Về cấu trúc chung, đề thi bao gồm 2 phần là phần Viết luận và phần Trắc nghiệm. Trong đó, phần Viết luận yêu cầu ứng viên viết 1 bài luận (essay) khoảng 550 - 600 từ thể hiện năng lực lập luận, năng lực sáng tạo và động cơ học tập/ nghiên cứu của ứng viên.
Phần trắc nghiệm bao gồm phần chung cho 2 đề thi nhằm đánh giá khối kiến thức chung (thuộc kiến thức cơ bản của “Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin 1 và 2”) và phần riêng biệt cho khối ngành Khoa học tự nhiên, Công nghệ và khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn. Phần trắc nghiệm yêu cầu ứng viên trả lời các câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn có 1 đáp án đúng duy nhất hoặc tự tìm ra đáp án.
Cụ thể, đề thi khối ngành Khoa học tự nhiên, Công nghệ có 15 câu hỏi trắc nghiệm về Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, 5 câu trắc nghiệm về Ngôn ngữ (Từ vựng – Ngữ pháp; Đọc hiểu), 5 câu trắc nghiệm về Logic học, 25 câu trắc nghiệm về Đại số tuyến tính, Giải tích (bao gồm phương trình vi phân), Xác suất thống kê.
Đề thi vào khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn có 15 câu hỏi trắc nghiệm về Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, 5 câu trắc nghiệm về Ngôn ngữ (Từ vựng – Ngữ pháp; Đọc hiểu), 15 câu trắc nghiệm về Logic học, 10 câu về Lịch sử - Văn hóa – Xã hội, 5 câu về Thống kê ứng dụng.
Tổng thời gian làm bài là 150 phút, trong đó phần viết luận là 50 phút, phần trắc nghiệm là 100 phút.
Tổng điểm của toàn bài thi là 150 điểm. Tổng điểm của phần trắc nghiệm là 100 điểm. Phần viết luận của thí sinh sẽ được chấm theo thang điểm 50.
Thí sinh làm bài trên Phiếu viết luận và Phiếu trắc nghiệm riêng biệt. Sau khi hoàn thành phần Viết luận, thí sinh nộp bài tại chỗ cho giám thị và tiếp tục thực hiện phần thi trắc nghiệm.
Thi đại học: 140 câu/ 195 phút
Đối với đề thi tuyển sinh đại học vào học chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế và chất lượng cao năm 2014, độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó.
Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn.
Phần bắt buộc bao gồm: Tư duy định lượng 1 là Kiến thức Toán học (80 phút, 50 câu hỏi) và Tư duy định tính 1 là Kiến thức Ngữ văn (60 phút, 50 câu hỏi). Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ như sau: 10% là kiến thức trong chương trình lớp 10, 20% là kiến thức trong chương trình lớp 11, 70% là kiến thức trong chương trình lớp 12.
Phần tự chọn: Thí sinh chọn 1 trong 2 nội dung là nội dung Tư duy định lượng 2 (55 phút, 40 câu) với Kiến thức Vật lý (15 câu), Hóa học (15 câu), Sinh học (10 câu); hoặc Tư duy định tính 2 (55 phút, 40 câu) với Kiến thức Lịch sử (15 câu), Địa lý (15 câu), Giáo dục công dân (10 câu). Cơ cấu kiến thức trong phần tự chọn được phân bổ như sau: 30% kiến thức trong chương trình lớp 11, 70% kiến thức trong chương trình lớp 12.
Tổng số câu hỏi thí sinh phải thực hiện là 140 câu, tổng thời gian thực hiện là 195 phút. Việc làm bài được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi đủ tiêu chuẩn.
- Ngân Anh