- Nhận xét “định hướng và chiến lược phát triển kinh tế vĩ mô còn nhiều bất cập là bài toán khó trong việc hoạch định một kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hiệu quả cho Việt Nam”, và bày tỏ sự không tin tưởng lắm vào hệ thống chỉ tiêu đào tạo do Bộ GD-ĐT phê duyệt hàng năm cho các trường ĐH, CĐ, ông Trần Đức Cảnh phác hoạ một mô hình phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng năng xuất và hiệu quả nguồn lao động từng lĩnh vực ngành nghề trong chu kỳ 10 đến 20 năm tới,trong bài phát biểu tại hội thảo quốc gia “Hội nhập Quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam” vừa qua. 

TIN BÀI LIÊN QUAN:



  {keywords}
 

Theo mô hình ông Trần Đức Cảnh đề xuất trong 20 năm tới, về ĐH công sẽ có 15 trường thuộc nhóm 1 - ĐH nghiên cứu, 60 trường thuộc nhóm II, 40 trường nhóm II (ĐH 4 năm) và 80 trường CĐ nhóm IV (2 năm).

Cụ thể, nhóm I: phân loại 15 ĐH công lớn ở các vùng trung tâm như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh có tiềm năng cho nghiên cứu, và 8 ĐH ngoài công lập (NCL), bao gồm các ĐH quốc tế hay liên kết, làm nghiên cứu và cả hai công tác nghiên cứu và giảng dạy. Đầu tư vài trường ĐH trong số này ngang tầm với khu vực và quốc tế.

Nhóm II gồm 120 ĐH công và NCL cấp vùng. Nhiệm vụ chính là giảng dạy đáp ứng nhu cầu phát triển ngành nghề cấp vùng hay địa phương, hay chuẩn bị cho sinh viên bước học cao hơn. Các trường trong nhóm II chỉ nên đào tạo đến bậc thạc sĩ.

Nhóm III gồm 105 ĐH công và NCL đào tạo bậc cử nhân (4 năm) về một hay nhiều lĩnh vực. Một số trường có thể kết hợp đào tạo bậc CĐ. Đây là loại trường nhỏ hơn, nhưng đa dạng và sinh động, đáp ứng nhu cầu học của các tầng lớp xã hội.

Nhóm IV gồm 232 trường CĐ công và NCL rút ngắn phần lớn các chương trình từ 3 năm xuống còn 2 năm, trừ vài ngành đặc biệt, vừa thiết thực vừa tránh lẫn lộn chương trình 3 – 4 năm ĐH. Tập trung vào hai chức năng: Chương trình tương đương hai năm đầu cơ bản của đại học và đào tạo ngành nghề chuyên môn thích ứng với nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương.

Cần tái cấu trúc mạnh mẽ...

Như vậy, tổng cộng số trường ĐH, CĐ công lập theo mô hình này còn chưa tới 200 trường. So với khoảng 320 trường công lập ở thời điểm hiện tại, hơn 120 trường công đã được cất đi đâu, thưa ông?

- Đề xuất này nghiên cứu và lập kế hoạch sáp nhập phần lớn các trường công lập chuyên ngành thành trường đa ngành, tập trung nguồn lực và quản lý hiệu quả hơn so với sự phân tán hiện tại.

Trong số các trường ĐH, CĐ công đang hoạt động, số không nhỏ hoạt động theo chuyên ngành như luật, y dược, kinh tế - tài chính, kỹ thuật…. Nếu so với chuẩn của ĐH lớn ở Mỹ thì phần lớn số trường (university) này chỉ ngang với 1 trường (con) hay một khoa. Ví dụ đại học UCLA có 11 trường, 109 khoa, 125 ngành học; đại học Texas – Austin có 17 trường, 170 ngành học…

Để thực hiện được mô hình ĐH đa ngành này cần phải có kế hoạch tái cấu trúc mạnh mẽ và quyết liệt, tổ chức thành một trường ĐH lớn đa ngành thật sự chứ không phân cấp theo như mô hình ĐH quốc gia. Đồng thời phải xây dựng một không gian và môi trường sống - học tập tốt, thông thoáng, do đó việc di dời số lớn các trường ra ngoại ô các trung tâm hiện nay là tất yếu.

Vấn đề ông đưa ra sẽ động chạm tới một số lượng lớn các trường ĐH. Ông nhìn nhận về tính khả thi của giải pháp này như thế nào trong điều kiện Việt Nam hiện nay?

- Tại sao tôi lại đề xuất tập hợp các trường ĐH và viện nghiên cứu? Tập hợp được hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố nội tại, nhưng đề xuất là hợp lý: Những trường không có tầm university thì hãy chuyển thành school hoặc college. Ví dụ đề xuất 15 trường ĐH công lập lớn là tổng hợp ít nhất 60 trường ĐH công hiện nay.

Những trường ĐH lớn đa ngành trong một không gian đủ lớn, sẽ cho phép sinh viên được học với những giảng viên đầu ngành của mọi lĩnh vực, mọi môn học, kể cả đó không phải là lĩnh vực chính mà sinh viên theo đuổi. Để như hiện nay chúng ta đang bị phân tán nguồn lực, giảng viên giỏi của trường này không chạy sang trường khác giảng dạy được. Các trường cứ luẩn quẩn, sắp xếp chương trình, quản lý kém hiệu quả, sinh viên không sử dụng được hết tiểm năng của người thầy và nguồn lực của trường.

Đưa đề xuất này ra có thể sẽ gây ra tranh luận. Nhưng đây là ý tưởng để hiệu quả hóa nguồn lực của mình đang vừa thiếu vừa yếu.

Ý tưởng cần tranh luận

Giả sử ý tưởng được thực hiện, theo ông, sẽ phát sinh những vấn đề nào cần đối mặt? Trong lịch sử Mỹ có trường hợp sáp nhập lớn nào chưa, thưa ông?

- Đây là ý tưởng, từ đó có thể dẫn tới tranh luận rồi nghiên cứu sâu hơn nữa. Muốn đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực trước tiên phải tổ chức hệ thống giáo dục và đào tạo hiệu quả trước đã. Cứ luôn nói tới việc đào tạo hiệu quả trong khi vận hành hệ thống trường kém, thì làm sao được?

Nếu bắt tay thực hiện, đầu tiên sẽ bị phản ứng bởi các nhóm lợi ích. Trước đây, “tôi” là hiệu trưởng một trường, nay chỉ làm trưởng một khoa chắc chắn “tôi” không đồng ý. Đó là chưa nói tới những quyền, đặc lợi khác. Đây là vấn đề chính trị nội bộ phức tạp, không dễ dàng giải quyết trong thời gian ngắn. 

Nhưng vấn đề ở đây là quyền lợi của sinh viên, quyền lợi lâu dài của nhà nước về đầu tư tài chính vào hoạt động của trường, hiệu quả tối đa nguồn lực hiện có của trường.

Ở Mỹ hiếm có trường hợp sáp nhập, vì nguyên tắc và cơ chế vận hành các trường đã xác định rõ rành ngay từ ban đầu. Đầu tiên họ làm nhỏ, nhưng mà nhỏ trong cái khung lớn, sau phát triển không bị vướng như mình.

Ví như làm con đường, họ quy hoạch luôn 60m cho dù nhu cầu ban đầu chỉ 12m, nhưng vài chục năm sau họ mở rộng tiếp mà không bị vướng. Còn mình làm 12m là 12m, sau muốn mở rộng lại phải giải tỏa.Vừa xây dựng xong đã quá tải. Phức tạp là do khung ban đầu không đủ rộng để phát triển hiệu quả và lâu dài. Phát triển đại học cũng vậy.

Với tình trạng khó khăn của các trường NCL ở thời điểm hiện tại, ông lý giải thế nào cho đề xuất tăng số trường ngoài công lập lên mức gấp 3 lần so với hiện nay trong vòng 20 năm tới?

  {keywords}
  Ông Trần Đức Cảnh
 

- Đa số đại học NCL phát triển theo hướng đa ngành, và vì không lệ thuộc vào ngân sách nhà nước nên các trường NCL phải tự sắp xếp, tính toán hiệu quả để tồn tại và phát triển. Tình hình chung là hệ thống trường NCL non trẻ, sẽ còn rất nhiều xáo trộn, thay đổi và điều chỉnh trong thời gian tới, trước khi bước sang chu kỳ ổn định và phát triển. Số lượng trường NCL tăng nhanh là điều tất yếu, không những giải quyết bài toán tài chính công mà là xu thế và hướng phát triển giáo dục tương lai. Tuy nhiên, hệ thống trường NCL có tăng nhanh hay đóng vai trò lớn hơn còn tùy thuộc nhiều vào sự sắp xếp lại hệ thống giáo dục và đào tạo của chính phủ, và chính sách tạo điều kiện cho hệ thống trường NCL phát triển.

Ngay chính các trường NCL cũng phải cấu trúc mô hình quản lý (governing) phù hợp, cơ chế vận hành trường theo mô hình doanh nghiệp hiện nay còn lỏng lẻo, dẫn đến sự xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín chung của hệ thống trường NCL....

Ông cũng đề xuất giảm thời gian học CĐ xuống 2 năm. Điều này có ý nghĩa gì, thưa ông?

- Hiện nay Việt Nam đang đào tạo hệ CĐ 3 năm. Điều này dẫn tới việc sinh viên sẽ cố gắng vào ĐH 4 năm, vì sự chênh lệch thời gian, chi phí giữa 3 và 4 năm không khác biệt là mấy, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực ở cấp trung.

CĐ 2 năm chia ra làm 2 hệ: liên thông trực tiếp lên ĐH 4 năm (bậc cử nhân) và đào tạo chuyên môn.

Hệ liên thông sẽ giải quyết một số vấn đề rất căn bản. Với lượng 232 đại học 2 năm như đề xuất, trung bình 3,7 trường cho mỗi tỉnh và thành phố, chưa tính khả năng trường mở thêm chi nhánh ở các địa phương lân cận khi có nhu cầu. Như vậy mạng lưới trường CĐ công và NCL gần như có mặt khắp các địa phương.

Lợi ích của mạng lưới này giúp sinh viên có điều kiện học gần nhà, trước mắt giải quyết vấn đề kinh tế gia đình. Giải quyết chỗ học cho những sinh viên chưa chắc chắn muốn, hay có khả năng vào ĐH 4 năm ngay. Sinh viên học 2 năm đầu rồi chuyển (liên thông) lên ĐH, mà không phải mất thời gian.

Hệ cao đẳng chuyên môn đào tạo nghề thích hợp cho địa phương.

Thêm nữa, việc này sẽ giúp giảm tải số lượng sinh viên dồn về các thành phố lớn.

Giảm thất nghiệp, bỏ cơ chế cấp chỉ tiêu?

Trong đề xuất của ông tỉ lệ lao động có bằng ĐH trở lên tăng đáng kể - từ 7% lên đến 21.8% trong 20 năm tới. Con số này có cao quá không trong khi 72.000 người có bằng ĐH thất nghiệp hiện nay?

- Định hướng và chiến lược phát triển kinh tế trong thời gian 20 năm tới, Việt Nam trở thành nước công nghiệp. Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phải gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội một cách rất cụ thể. Do đó dự báo về nguồn nhân lực tương lai phải được nghiên cứu, phân tích một cách kỹ càng và ở mức độ tin cậy, để các tổ chức giáo dục và đào tạo sử dụng cho việc xây dựng kế hoạch của họ. Dự báo mang tính chung chung, thiếu nghiên cứu và phân tích sâu sắc dễ dẫn đến hậu quả  lệch trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.  

Chúng ta nên chuyển cách suy nghĩ đào tạo từ “cung” sang “cầu”- thay vì theo cơ chế bộ cấp chỉ tiêu như hiện nay, cần các nghiên cứu thật sâu sắc nhu cầu nguồn nhân lực thực sự ở cấp doanh nghiệp, tổ chức, địa phương, vùng ..   

Cách giải quyết tốt nhất chất lượng đào tạo hiện nay là sử dụng đầu ra qua sự yêu cầu rõ ràng, công bình và hiệu quả. Cạnh tranh bình đẳng đầu ra cho tất cả các loại ngành nghề sẽ tác động chất lượng đào tạo và cách tuyển chọn đầu vào phù hợp cho từng loại trường. Singapore là ví dụ điển hình.

Cứ theo cách tuyển chọn và sử dụng nhân sự hiện nay, thì việc sử dụng bằng giả, học giả, thiếu chất lượng, ảnh hưởng chỉ số phát triển nhân lực sẽ không tránh khỏi.

Để trở thành một nước phát triển công nghệ và dịch vụ, đề xuất tỉ lệ có bằng CĐ, ĐH ở độ tuổi lao động trên, chỉ ở mức trung bình so với các nước phát triển trên thế giới, và thấp hơn một nửa của Hàn Quốc hiện nay. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay và để bảo đảm chất lượng đào tạo, con số trên theo tôi tương đối thực tế so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong 20 năm tới.

Ông đánh giá thế nào về cơ hội của giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục ĐH Việt Nam nói riêng, khi các mục tiêu đề ra tới năm 2020 đang dần phải thay đổi hoặc ít có khả năng đạt được?

- Việt Nam đi sau cũng có lợi thế nhất định. Mình có cơ hội học hỏi các nền giáo dục và đào tạo trên thế giới từ thất bại, thành công của họ.

Mục tiêu chính là xây dựng nguồn nhân lực hiệu quả, đo lường bằng hiệu quả năng xuất lao động, gắn kết với tăng trưởng kinh tế đất nước và chỉ tiêu phát triển con người trong thời kỳ hội nhập, chứ không chỉ đặt ra mục tiêu chung chung.   

Thực hiện đổi mới giáo dục là một quá trình dài và phức tạp, cần có mục tiêu, lộ trình cụ thể cùng với thời gian thực hiện. Tính chủ quan và duy ý chí trong mục tiêu đề xuất, cộng thêm sự yếu kém, lúng túng ở khâu quản lý thực hiện của bộ phận chủ quản, có thể dẫn đến hệ quả khôn lường... 

Xin cảm ơn ông!

  • Chi Mai (thực hiện)

Ông Trần Đức Cảnh tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế và Khoá Tham mưu Cao cấp tại trường John F. Kennedy, ĐH Harvard, từng là Giám đốc Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực cho bang Massachutsetts; Thành viên Hội đồng Liên trường đại học vùng Đông Bắc bang Massachutsetts; Tư vấn tuyển sinh cho ĐH Harvard.