- Trình độ ngoại ngữ bậc 6 mà các thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng và giám đốc sở dự kiến phải đạt được có yêu cầu như thế nào?

Bộ Nội vụ vừa ra dự thảo nghị định về tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, để xin ý kiến nhân dân.

Dự kiến chức danh thứ trưởng phải đạt được một số tiêu chuẩn tối thiểu. Đặc biệt về trình độ ngoại ngữ, thứ trưởng phải sử dụng được ít nhất 1 ngoại ngữ thông dụng như Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, trình độ cao cấp bậc 6, hoặc sử dụng được tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số. Thứ trưởng cũng phải có thời gian từ 3 năm trở lên đảm nhiệm chức vụ tổng cục trưởng.

{keywords}

 

Các tiêu chuẩn này cũng được áp dụng với các chức danh tổng cục trưởng, vụ trưởng cấp bộ và giám đốc sở.

Cao hơn cử nhân, giáo viên ngoại ngữ, giáo sư

Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (KNLNNVN) được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 24/1/2014.

Theo đó, bậc 6 là bậc cao nhất của KNLNNVN, tương đương với bậc C2 Khung tham chiếu chung Châu Âu. Mô tả tổng quát của bậc 6 này là: Có thể hiểu một cách dễ dàng hầu hết văn nói và viết. Có thể tóm tắt các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại thông tin và trình bày lại một cách logic. Có thể diễn đạt tức thì, rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được các ý nghĩa tinh tế khác nhau trong các tình huống phức tạp.

Mô tả cụ thể Kỹ năng nghe là: Có thể theo dõi và hiểu được các bài giảng hay những bài thuyết trình chuyên ngành có sử dụng nhiều lối nói thông tục, chứa đựng các yếu tố văn hóa hoặc các thuật ngữ không quen thuộc. Có thể hiểu được những vấn đề tinh tế, phức tạp hoặc dễ gây tranh cãi như pháp luật, tài chính, thậm chí có thể đạt tới trình độ hiểu biết của chuyên gia. Có thể nghe hiểu được mọi điều một cách dễ dàng theo tốc độ nói của người bản ngữ.

Về Kỹ năng nói, bậc này yêu cầu: Có thể truyền đạt chính xác các sắc thái ý nghĩa tinh tế bằng cách sử dụng nhiều loại hình bổ nghĩa với độ chính xác cao. Sử dụng thành thạo các cách diễn đạt kiểu thành ngữ hoặc thông tục với nhận thức rõ về các tầng nghĩa. Có thể đổi cách diễn đạt để tránh gặp khó khăn khi giao tiếp và thể hiện một cách trôi chảy đến mức người đối thoại khó nhận ra điều đó.

Kỹ năng đọc yêu cầu: Có thể hiểu, lựa chọn và sử dụng có phê phán hầu hết các thể loại văn bản, bao gồm các văn bản trừu tượng, phức tạp về mặt cấu trúc, hay các tác phẩm văn học và phi văn học. Có thể hiểu được nhiều loại văn bản dài và phức tạp, cảm thụ được những nét khác biệt nhỏ giữa các văn phong, giữa nghĩa đen và nghĩa bóng.

Và Kỹ năng viết: Có thể viết bài rõ ràng, trôi chảy, bố cục chặt chẽ, chi tiết với văn phong phù hợp và cấu trúc logic, giúp cho độc giả có thể thấy được những điểm quan trọng trong bài viết.

Để so sánh, cuối tháng 2/2014,  Bộ GD-ĐT công bố 5 yêu cầu cơ bản về năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông. Theo đó, giáo viên tiếng Anh phải đạt bậc 4/6 (đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở), bậc 5/6 (đối với giáo viên trung học phổ thông) theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. 

Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo Ngôn ngữ Anh hệ cử nhân (4 năm) của ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội về Kỹ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ yêu cầu: “Giao tiếp được bằng ngoại ngữ (tiếng Anh) với trình độ tiếng Anh tương đương C1 trở lên”. Về Kiến thức theo nhóm ngành quy định: Sử dụng tốt tiếng Anh ở trình độ C1 theo khung tham chiếu châu Âu; có thể vận dụng các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng trong hoạt động biên phiên dịch và nghiên cứu.

Ngành Ngôn ngữ Anh chương trình Chất lượng cao của trường này cũng không dám đặt chuẩn đầu ra ở mức C2 mà chỉ yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Anh ở mức C1+.
Về yêu cầu trình độ ngoại ngữ đối với ứng viên xét đạt tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, quy định của Bộ GD-ĐT là “Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh.”

Ứng viên được công nhận là sử dụng thành thạo ngoại ngữ phải đọc hiểu được các tài liệu chuyên môn viết bằng ngoại ngữ, viết được các bài báo chuyên môn bằng ngoại ngữ và trao đổi (nghe, nói) về chuyên môn bằng ngoại ngữ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg.

Giỏi được là tốt cho dân

Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Trần Văn Nhung bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo quy định này.

Ông Nhung cho rằng, “trước đây chúng tôi không được học hành chính quy về ngoại ngữ, nhưng vẫn phải học dù điều kiện vất vả, thiếu thốn. Lớp cán bộ sau có điều kiện thì càng nên học.

Cả ASEAN này các thứ trưởng nói tiếng Anh rất giỏi, nhiều người giao tiếp được bằng tiếng Việt, thậm chí kể chuyện tiếu lâm bằng tiếng Việt.

Tôi hoan nghênh đề xuất này. Đất nước càng tiêu chuẩn hoá, càng đảm bảo chất lượng hội nhập của thế giới để không bị thua thiệt. Vào WTO là vào một cái chợ, với giá cả, chất lượng, giao tiếp chung với toàn thế giới, không biết ngoại ngữ chỉ có thua thiệt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu công dân Việt Nam phải là công dân toàn cầu. Vậy thì đương nhiên các thứ trưởng còn phải trên mức “toàn cầu”, giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ thông tin, đến trang phục, giao tiếp… Để thế giới phải nể phục không chỉ bởi tư duy uyên bác.

Cán bộ cao cấp càng chuẩn, dân càng có lợi” – ông Nhung khẳng định.

Trong các lãnh đạo hiện nay, ngoài các quan chức Bộ Ngoại giao, có hai nhân vật  nổi trội về khả năng ngoại ngữ.

Đó là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ông từng có thời gian học ở Bỉ 6 năm (từ năm 1982 – 1988). Khi làm Vụ trưởng ở Văn phòng chính phủ rồi ông vẫn thỉnh thoảng đi làm… nhân viên chạy bàn. Cũng có thể ông đi phục vụ để rèn ngoại ngữ nhưng điều chắc chắn là ở đâu cũng thấy ông quan tâm nhất tới những người phục vụ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành thạo tiếng Anh, tiếng Đức. Ông đã du học tại Mỹ hơn 2 năm (từ năm 1993 – 1995). Trước đó, ông được cử đi du học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức (từ năm 1972 - 1979). Năm 1988, ông được trở lại Cộng hoà Dân chủ Đức làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam với vai trò tuỳ viên giáo dục; rồi theo học về kinh tế thị trường tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg. Ông Nguyễn Thiện Nhân còn được xem là một chính khách hiếm hoi của Việt Nam (sau Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) chịu phỏng vấn trực tiếp, trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh với báo chí nước ngoài.

Chi Mai