- Harvard là một trong những trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh đầu vào thuộc loại cao nhất nhưng nhiều cô gái người Việt nhỏ bé đã không hề chùn bước trước ngưỡng cửa ĐH danh tiếng này.

TIN BÀI KHÁC

Cô gái hay làm thơ trúng tuyển Harvard

Cuối tháng 3 vừa rồi, Tôn Hà Anh đã  lần lượt nhận được thư mời nhập trường của cả 5 trường với học bổng toàn phần, trong đó có ĐH Harvard. Lúc này, Hà Anh đang học tại một trường khác của Mỹ. Năm 2011 ĐH Harvard có lượng thí sinh kỷ lục với gần 35.000 hồ sơ dự tuyển.

Báo Tiền Phong giới thiệu, không chỉ giỏi những môn tự nhiên, chính những môn học xã hội đã giúp Hà Anh tiến xa hơn. điểm đặc biệt trong hồ sơ của cô là thế mạnh về những môn nhân văn. Bên cạnh những môn khoa học vốn đã là thế mạnh của học sinh châu Á, Hà Anh cố gắng dành thời gian cho các môn học xã hội để đảm bảo kiến thức toàn diện và không bị lép vế so với học sinh bản địa. Điều này đã giúp cô đạt được điểm luận văn cao nhất trong lịch sử của trường St. Andrew’s. Đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng để 5 trường đại học danh tiếng nói trên mời nhập học.

Hà Anh hiện là Chủ tịch Hội cựu học sinh ngoại quốc Trường St.Andrew’s, Trưởng Ban tổ chức chương trình tuần lễ trái đất và giờ trái đất tại St.Andrew’s 2010, thành viên Ban tổ chức Aids Walk- sự kiện gây quỹ cho HIV/AIDS lớn nhất bang Delaware,...

Hà Anh. Ảnh: Tiền Phong

Cô gái của "dòng họ Harvard"

Năm 2006, nhiều báo trong nước thông tin cả dòng họ Nguyễn và người dân thôn nhỏ Cầu Đơ (Hà Đông, Hà Nội)  vui mừng vì cô bé Nguyễn Lê Vân là người thứ hai của dòng họ, cũng là người thứ hai của thôn bước chân vào ĐH Harvard. Trước Vân, người anh con bác ruột là Nguyễn Tiến Anh đã gia nhập Harvard từ tháng 4/2003. Nhiều người dân ở đây đã gọi vui dòng họ Nguyễn là "dòng họ Harvard".

Tháng 12/2004, khi đang học lớp 10 tại Trường THPT Kopernik tại thủ đô Ba Lan, Vân đã giành danh hiệu "người đẹp thanh lịch cộng đồng" - cuộc thi do báo Quê Việt và các đoàn thể người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức. Ngày nhận được tin mình đỗ ĐH Harvad cũng là ngày nhiều báo của Ba Lan và báo của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan chạy một loạt tít lớn trên trang báo: "Người đẹp Nguyễn Lê Vân thi đỗ ĐH  Harvard", "Cô nữ sinh toàn vẹn", "Cái đẹp trí tuệ mới là vĩnh cửu" - báo Đất Việt thuật lại.
Lê Vân theo học ngành Toán ứng dụng kinh tế, rất thích môn học này, đặc biệt là Toán, vì môn này dạy cách tư duy và sự rèn luyện trí tuệ.

Nguyễn Lê Vân tại ĐH Harvard. Nguồn: Kênh 14.


Hai cô gái Harvard cùng muốn về Việt Nam

Năm 2009, Nguyễn Bích Ngọc trở thành sinh viên năm thứ nhất ĐH Harvard. Cô đã nhận được giấy mời học của trường từ tháng 4/2009 cùng học bổng hơn 50.000 USD mỗi năm.

Nói về bí quyết thành công, theo Ngọc, 4 năm ở Singapore là bước đệm rất quan trọng vì giúp cho khả năng tiếng Anh khá lên.

"Bên cạnh đó, quan điểm sống và cách nhìn cuộc sống của mình chín chắn lên rất nhiều, cách suy nghĩ độc lập hơn. Đây là điều mà những người tuyển sinh ở ĐH Harvard họ cần.

"Khi phỏng vấn, họ hỏi em tại sao chọn trường này, những đam mê trong cuộc sống của bạn".

Ngọc tâm sự trên Dân Trí: "Em khẳng định sẽ về Việt Nam làm việc là do bố luôn luôn nói: "Điều quan trọng nhất là khi đi học ở nước ngoài là để về phục vụ đất nước”. Ở Mỹ có rất nhiều tài giỏi, mình chỉ là một trong số những người tài giỏi thì cái bằng đó về Việt Nam sẽ đóng góp được nhiều hơn. Đây mới là quê hương của mình."

Nhóm sinh viên tại ĐH Harvard. Nguồn: Hội Sinh viên Việt Nam tại Harvard.

Cùng học cực giỏi là cô gái Trần Phương Ngọc Thảo, nhân vật "gương mặt tiêu biểu" không còn lạ với báo chí trong nước.
Báo Phụ nữ TP.HCM thông tin, dù phải bỏ qua nửa năm học lớp 10 tại ngôi trường xa lạ tại New Zealand và học nhảy (lớp 11) để học luôn chương trình lớp 12, nhưng với một năm rưỡi để học 3 lớp của chương trình cấp 3 Thảo vẫn tốt nghiệp bậc trung học xuất sắc. Với thành tích ấy, Thảo được Đại học Oxford (Anh) tuyển thẳng lúc 16 tuổi.

Bốn năm sau, Trần Phương Ngọc Thảo tốt nghiệp loại ưu, trong top 5 của ĐH Oxford và được 5 trường ĐH danh tiếng tuyển thẳng học bậc cao học. Thảo đã quyết định chọn Harvard để học Khoa Tài chính ngân hàng với học bổng toàn phần trị giá hơn 50.000 USD.

Không ít người nghe Thảo sẽ chọn ở lại Mỹ sau khi lấy bằng tiến sĩ, nhất là với một ngành dễ tìm việc làm và có thu nhập tốt ở Mỹ như thế. Nhưng ngay từ khi đi, Thảo đã nói với mọi người: “Nhất định tôi sẽ trở về Việt Nam”.

Bí quyết của đam mê

Khác với các trường hợp Hà Anh, Bích Ngọc, Phương Thảo,v.v... và một số sinh viên tới đại học danh tiếng này từ đường vòng (học THPT ở một nước thứ ba, không phải Việt Nam), ĐH Harvad cũng hé cửa với một số sinh viên gốc Việt đang sống ở Mỹ từ nhỏ.

Susan Liễu đã tốt nghiệp ngành xã hội học tại ĐH Harvard và hiện tại đang làm chủ một doanh nghiệp sản xuất sôcôla. Từ nhỏ, cô đã học ở trường công và nghĩ sau này cũng sẽ theo học đại học ở một trường công lập. Thế nhưng vào mùa hè trước năm cuối trung học,  bộ phim Legally Blonde đã khiến cô thay đổi quyết định.

"Sau khi xem xong, tôi đã cười thật to và nói rằng nếu nhân vật trong phim có thể đạt được giấc mơ vào Harvard thì tại sao mình lại không thử sức và xem kết quả ra sao. Bởi vì được nhận vào Harvard là điều gần như không khả thi đối với những người học trường công lập như chúng tôi. Vì vậy mà tôi đã quyết định nộp đơn", báo Đại Đoàn Kết thuật lại lời Susan Liễu.

Isabella Nga là một trường hợp khác. Cô tốt nghiệp hạng ưu ngành Chính sách Y tế và Thần kinh học tại ĐH Harvard và theo học tại trường Y của ĐH Stanford vào mùa thu năm 2010.

Susan Liễu (phải) là chủ doanh nghiệp sản xuất sôcôla. Nguồn: doanhnhan.net

Theo Isabella, để được chấp nhận vào những trường ĐH hàng đầu của Mỹ thì điểm số và thành tích học tập là quan trọng, nhưng không phải duy nhất.

"Điều quan trọng hơn cả là phải có quyết tâm và đam mê. Đó là niềm đam mê những điều mình đang làm, đam mê giúp đỡ người khác, đam mê tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn và giúp đỡ gia đình, đam mê giúp đỡ cộng đồng và đam mê học hỏi".

Theo Isabella thì môi trường học tập ở Harvard mang tính cạnh tranh rất cao, và đối với một người nhập cư như cô thì lại càng gặp phải nhiều khó khăn hơn.

“Tôi nghĩ rằng học tập ở Harvard là một điều rất khó, bởi vì nhiều sinh viên ở trường này có ba, mẹ là những người cũng từng học ở trường này, hay họ là con cái của những gia đình giàu có, còn tôi chỉ là một người nhập cư đến từ Việt Nam. Vì vậy, để thích nghi được với một môi trường cạnh tranh, học tập căng thẳng và phải học cách để viết giỏi như họ, để hiểu những thuật ngữ khoa học và đạt thành tích học tập như họ là một thách thức lớn".

Cô đơn ở Harvard

Mặc dù ở bậc trung học đạt thành tích xuất sắc và tham gia rất nhiều hoạt động trong trường với tư cách là chủ tịch hội học sinh, nhưng khi vào ĐH Harvard, Susan thấy mình chỉ như một con cá nhỏ trong đại dương.

“Khi vào học ở trường Harvard, tôi nhận ra có cả hàng ngàn người giỏi, nghĩa là ai cũng phải có điểm số tốt, ai cũng thông minh và ai cũng đam mê những điều họ làm. Những năm đầu tôi rất e dè. Trong một thời gian dài, tôi tìm cách làm sao để có thể thích nghi được trong môi trường toàn những người hướng tới những mục tiêu cao" - cô nói.

Susan nhận ra rằng thật tuyệt khi xung quanh mình là những người luôn cố gắng để trở thành xuất sắc. Điều cô thoáng suy nghĩ, chính vì ai cũng cố gắng để thành công, ai cũng cố gắng đạt được mục đích, nên "nói thật là, đôi khi tôi cảm thấy tình bạn không được gắn bó như mong muốn và đôi khi tôi cảm thấy cô đơn trong môi trường đó", Susan nói trên một tờ báo phát thanh.

Với 62 cựu sinh viên hiện đã trở thành các tỷ phú, ĐH Harvard  (H.U) cũng đứng đầu danh sách các trường đại học đào tạo ra được nhiều tỷ phú nhất Hoa Kỳ 2010, do tạp chí Forbes bình chọn.

H.U là trường đại học tư thục được thành lập từ năm 1636, hàng năm thu hút khoảng gần 7.000 sinh viên vào học bậc đại học. Harvard có thể được coi là một trong những trường đại học thành công nhất nước Mỹ với 8 Tổng thống Hoa Kỳ đã từng tốt nghiệp, trong đó có cố tổng thống Franklin D. Roosevelt, cố tổng thống John F. Kennedy, và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.
  • Tú Uyên (Tổng hợp)
***************************
Chia sẻ thông tin, bài viết về đời sống du học sinh theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn.