- Trên một diễn đàn lớn cho trẻ thơ, đề tài chạy đua, chi "vé" vào các trường điểm đã không sôi sục như cách đây vài năm. Lãnh đạo phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ, năm nay, anh nhận được ít hơn hẳn những lời “nhờ vả” cho con em vào trường điểm.



HS trường tiểu học Nguyễn Trãi.
Vào rồi lại ra

Không quá đau đầu như nhiều phụ huynh có con đến tuổi vào lớp 1, con gái chị Phương Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đủ điều kiện để vào trường công tốt nhất ở quận. Môi trường, điều kiện học của trường cũng không có gì phải lăn tăn. Nhưng lớp học quá đông khiến chị phải suy nghĩ.

Hết năm học thứ nhất, chị suy tính, học trường điểm cũng tốt nhưng con học ngày, học đêm không có thời gian vui chơi nên quyết định nhờ xin chuyển sang trường ít áp lực hơn.

Chị Thủy (Phan Đình Phùng, Hà Nội) mất cả nửa năm để tính toán cho con học trường quốc tế - dân lập hay trường điểm.

Bằng nhiều mối quan hệ, chị xin được vào trường công lập đắt giá giữa Thủ đô -  ngôi trường mơ ước của nhiều mẹ có con đến tuổi vào lớp 1.

Bẵng đi một năm, đến khi hỏi lại, mới biết chị đã xin chuyển trường với lí do nhà chị chuyển chỗ ở, muốn việc đưa đón con đi học được tiện hơn.

Không cần “thử nghiệm” năm một, năm nay, chị Hoàng Ân, làm cho một ngân hàng ở quận Đống Đa, thẳng thẳn:

“Đứa thứ hai sẽ rút kinh nghiệm không chạy cho con vào trường điểm nữa, mà cho học trường làng (trường gần nhà)”.

Chị so sánh đứa con đầu học trường điểm với một cháu học trường làng, thấy không có gì khác biệt. Thấm thía chuyện vất vả đưa con đi học, rồi cả mẹ và con lúc nào cũng như vắt sức chạy đua giữ thành tích cho trường, nên chị quyết không “đua với đời” khi bé thứ hai đến tuổi vào tiểu học.

Trường điểm dần hạ nhiệt

Trên web trẻ thơ, chủ đề ‘bé sinh năm 2005 vào lớp 1’, dễ nhận thấy đề tài chạy trường điểm đã không sôi sục như cách đây vài năm.

Thậm chí, một phụ huynh thắc mắc: “năm nay không thấy các mẹ có con 2005 bàn tán chuyện cho con vào lớp 1 nhiều như năm trước nhỉ”.

Là giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhưng chị P. bỏ ngoài tai những lời khuyên đưa con vào trường điểm này, trường điểm kia - mà chị cho con vào học trường gần nhà.

Hỏi lý do, chị tự tin “cho con học trường gần nhà không chỉ tiện cho việc đưa đón mà cháu học trường làng không quá nặng nề trong việc bảo vệ thành tích của trường điểm. Cũng vì vậy, kết quả học kỳ 1 vừa qua cháu đứng nhất nhì khối".

Báo Thanh niên thuật lại câu chuyện một phụ huynh nhà ở Nam Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội) cho con học ở một trường dân lập mà không để con học đúng tuyến là Trường Tiểu học Nam Thành Công - vốn là một trường điểm.

Thấy những người khác thi nhau “chạy” cả hộ khẩu về đây để con được học trường này, anh không muốn cho con vào trường vì sĩ số quá đông, hơn 60 học sinh một lớp. “Cô có giỏi đến mấy cũng không thể dạy tốt cho tất cả các cháu được” – anh nói.

Với không ít phụ huynh khác, mật độ giao thông và khói bụi như hiện nay mà cứ đưa phải con đi học ở trường điểm xa nhà thì sợ con oặt oẹo suốt ngày chỉ vì đi lại, chứ chưa nói đến học hành.

Đồng ý với chị Bình, Nhà giáo ưu tú-Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm Nguyễn Thị Hiền cho rằng, việc giảm thiểu thời gian đi lại trên đường cho con là một việc cần thiết.

Một lãnh đạo phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ, năm nay, anh nhận được ít hơn hẳn những lời “nhờ vả” cho con em vào trường điểm. “Đó là sự thay đổi đáng mừng”.


Tại buổi tư vấn chọn trường cho con vào lớp 1 do báo VietNamNet tổ chức, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) Phạm Xuân Tiến khuyên phụ huynh nên cho con học đúng tuyến.

“Phụ huynh cố chạy vào trường điểm này, trường điểm khác là do phụ tự dựng lên trường điểm, ngành giáo dục không có mô hình trường điểm”.

“Cho con học trường đúng tuyến là sáng suốt. Bởi kết quả hàng năm cho thấy không có sự chênh lệch đáng kể giữa những trường được gắn mác "trường điểm" với những trường bình thường" – ông Tiến cho hay.Bên cạnh đó, hàng năm ngoài việc đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các quận, huyện thực hiện việc luân chuyển giáo viên giữa các trường để tạo sự đồng đều về chất lượng giảng dạy, tránh tình trạng giáo viên giỏi tập trung nhiều ở một trường

  • Vũ Ngân