- Trong 10 ngày, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) liên tiếp họp bàn góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Tại buổi góp ý mới nhất, ngày 25/4, vấn đề "mô hình nào thích hợp với đại học tư thục" tiếp tục được cày xới.

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT:
Nên mở công ty cổ phần giáo dục

Hiện nay, các trường hoạt động đào tạo chung theo Luật Giáo dục, còn vận hành các vấn đề sở hữu, nhân sự, tài chính theo 2 quy định khác nhau. Trường công "đi" theo quy chế cho đơn vị sự nghiệp có thu, trường tư "chạy" theo quy định cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để giải quyết mâu thuẫn, nên có mô hình hợp lí: lập công ty giáo dục cổ phần với vốn góp của các cá nhân. Công ty này sẽ thành lập trường, thay vì cá nhân hay nhóm người nào đó.

Điều quan trọng hơn là cho phép tận dụng sức mạnh của 2 bộ luật: Luật Doanh nghiệp và Luật Giáo dục để phát triển.

Như vậy, về sở hữu, trường chỉ có một nhà đầu tư duy nhất là công ty giáo dục. Do công ty là nhà đầu tư duy nhất nên không có tranh chấp, mâu thuẫn.Về tổ chức nhân sự, công ty giáo dục sẽ bầu hội đồng quản trị, cũng chính là hội đồng trường, gồm cả những người góp vốn hoặc không.

Hiện tại, ĐH FPT đang thực hiện mô hình "2 trong 1" này.

GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long: ĐH nên là công ty tri thức

Quy chế ĐH tư thục hiện nay đang được sửa đổi bổ sung có nói đến tài sản chung và sở hữu chung do hoạt động của trường mang lại. Thực chất của vấn đề là hạn chế cổ tức của cổ đông, hạn chế quyền sở hữu trường của cổ đông do có tài sản chung và sở hữu chung được đưa vào, nhưng lại mập mờ.

Điều mập mờ sẽ gây nhiều rắc rối cho trường, làm mâu thuẫn giữa nhà trường và nhà đầu tư thêm lớn.


Mâu thuẫn tiềm năng nằm ở hội đồng quản trị, nơi có nhà giáo dục và nhà đầu tư có quyền lực trong trường.

Nhà giáo dục thì muốn cho giáo dục và khoa học phát triển tốt, đội ngũ giảng viên ngày càng được củng cố; còn nhà đầu tư thì chỉ chú trọng hầu bao còn hay đã vơi đi, tiền đầu tư nhiều tỷ mà lãi không thấy thì sốt ruột.

Để giải quyết mâu thuẫn, cần tìm hiểu những thuộc tính đã nổi rõ của ĐH tư thục nói riêng và giáo dục nói chung để điều hành trường. Không nên coi một ĐH như một công ty theo nghĩa thông thường mà là một công ty tri thức.

Giáo dục bao giờ cũng bội chi. Nếu có lãi trong giáo dục thì đó là những con người mà giáo dục đã đào tạo cho xã hội. Nhà nước cần giúp đỡ các ĐH tư thục, đặc biệt là trong 10 năm đầu thành lập, đây là thời gian "ăn" vào vốn rất nhiều để xây dựng thương hiệu.

Ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam: Làm rõ "quan hệ tay ba"

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Giáo dục ĐH là cần khẳng định quyền tự chủ của các trường ĐH từ nhân sự, tài chính, mở ngành đào tạo, nội dung chương trình đến tuyển sinh và cấp phát bằng.

Việc duy trì các quy định quản lý "chặt" của Bộ như hiện nay theo kiểu "xin - cho" sẽ phát sinh tiêu cực. Luật cần phân biệt rõ cái gì phải xin phép, cái gì chỉ cần đăng kí...

Tuy nhiên, được quyền tự chủ không có nghĩa là các trường muốn làm gì cũng được mà cần có ràng buộc. Trường ĐH phải có trách nhiệm công khai trước cộng đồng xã hội mọi hoạt động để xã hội giám sát. Nhà nước có quyền đưa ra những đòi hỏi tối thiểu để đảm bảo chất lượng.

Những đòi hỏi tối thiểu thể hiện qua hệ thống các "chuẩn giáo dục đại học quốc gia", do các đơn vị kiểm định độc lập giúp nhà trường, nhà nước và xã hội.

Luật Giáo dục ĐH phải thể hiện mối quan hệ ràng buộc tay ba giữa nhà nước - nhà trường - cộng đồng xã hội, chứ không phải thể hiện mối quan hệ một chiều giữa nhà nước với nhà trường trong việc quản lý.
GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng: “Không cần phải né tránh khái niệm “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” mà quan trọng là phải minh bạch về cơ chế tư thục, có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước và cộng đồng. Mô hình phù hợp hiện nay là đại học tư thục “nửa vì lợi nhuận” với việc xóa bỏ cơ chế xin – cho.

  •  Kiều Oanh (Ghi)