Khi việc luyện chữ trước khi vào lớp 1 đã trở nên không còn quá đáng lo, thì nhiều phụ huynh còn lo hơn tới việc luyện ăn, luyện vệ sinh cá nhân cho các bé để các bé hoà nhập với môi trường mới.

Gian nan luyện ăn

Trong khi cô con gái vẫn rất vô tư trước việc hết hè sẽ đi học lớp 1, thì chị Hà Vân lại lo sốt vó. Không phải chị lo về việc bé học được không, theo kịp các bạn trong lớp không, mà mối lo chủ yếu của chị là con sẽ ăn thế nào trong thời gian ở trường. “Thịt cá thì không ăn được miếng to, toàn phải băm nhuyễn hoặc cắt nhỏ như lá chanh thì mới ăn được. Con đi học mẫu giáo toàn phải báo ăn cháo” - chị Vân than thở.

  {keywords}
  

Cả nhà chị Mai Hoa cũng đau đầu vì chuyện ăn uống của con. Thịt cá không ăn, cơm cũng không ăn nốt, chỉ ăn cháo và uống sữa. “Như vậy đã là một… bước tiến rồi, vì trước đây con chỉ ăn được cháo xay nhuyễn, cho ăn cái gì còn lợn cợn là… nôn ra hết. Mấy tháng nay cả nhà lo lắng chuyện vào lớp 1 con sẽ ăn uống như thế nào, nên tập dần cho con ăn cháo hạt rồi sẽ đến cơm nát. Nhưng đến giờ con nuốt bát cháo vẫn còn chật vật lắm”.  

Cũng lãnh hậu quả từ việc cho con ăn đồ xay nhuyễn, không bắt con tập nhai, nên đến giờ khi con đã 6 tuổi mỗi bữa ăn lại là một trận chiến nhỏ trong gia đình anh Nam Thắng. “Lớn tướng rồi mà mẹ nó chiều, cho ăn cháo với hoa quả xay. Hôm nào bắt ăn cơm, kể cả cơm nát, thì con vẫn ngậm cho nát bét rồi mới nuốt. Mẹ nó nhìn kinh quá nên bữa sau lại đâu vào đấy. Mấy hôm nữa đi học lớp 1 không biết sẽ thế nào, chả lẽ lại đến bữa mang cháo xay ra gửi cô giáo đưa vào cho ăn?”.    

Còn một tật khác trong chuyện ăn uống của bé mà không ít gia đình đang tìm cách “huấn luyện” lại, đó là việc bé không chịu tự xúc. “Bữa sáng, bữa tối ở nhà ông bà nội đút cho, vừa cho ăn vừa nịnh, dỗ, bày đủ trò. Bữa trưa đi học cô giáo kể con cứ ngồi im đấy nhìn các bạn, nhất quyết không tự xúc. Cô xúc cho miếng nào được miếng đấy, không thì thôi, nên tháng nào cũng phải có lời “nhờ vả” cô giáo, lại còn bị cô mắng vì không chịu dạy con. Không ăn nhiều được buổi trưa, buổi chiều con đói, ông bà xót lại xúc với đút, mình có nói ông bà cũng vẫn cứ chiều cháu như thế. Cứ luẩn quẩn như thế suốt mấy năm nay. Nhưng bây giờ mà đi học lớp thì ai đút cho?”. Đây là câu chuyện nhà chị Ngọc Anh.

Rèn nếp học

Cùng với việc chuẩn bị kỹ năng sinh hoạt, tự phục vụ như rửa tay, rửa mặt, vệ sinh cá nhân..., các bậc phụ huynh đã sớm lo đến việc rèn nếp học cho bé, tạo cho bé sự hào hứng đối với việc học tập.

  {keywords}
 

Trên một diễn đàn dành cho các ông bố bà mẹ với chủ đề chuẩn bị cho con vào lớp 1, một phụ huynh chia sẻ bí quyết: Các mẹ tìm những truyện con thích, đọc cho con nghe, nhưng chỉ đọc có lúc thôi, làm sao cho con thấy không biết chữ thật phiền toái, rồi kể cho con nghe những thú vui ở trường... Con sẽ hào hứng đi học. Vào năm học, các mẹ nhớ học cùng con, những ngày đầu nên nhắc con soạn đủ sách vở, đồ dùng học tập, không nên soạn hộ con.

Một phụ huynh có con vừa trải qua năm học đầu tiên đưa ra kinh nghiệm: Mình thấy rất không nên tạo áp lực cho con , không nên làm con sợ học, không nên đưa cô ra để dọa con, không nên bình phẩm cô quá tự nhiên trước mặt con, làm cho con yêu cô hơn và thích đi học là những điều cơ bản của năm học này.

Tâm đắc với ý kiến này, chị Hà Vân bày tỏ sự đồng tình: Tôi không bao giờ dọa con kiểu như nếu không ăn cơm thì con phải đi học, không được đi chơi. Nếu xem việc học như là một hình phạt thì không bao giờ con muốn đi học. Tôi hay kể những chuyện trường lớp, học hành, lấy ví dụ chuyện đi học của các anh chị họ, hay hàng xóm, để tạo dần cảm giác yêu trường lớp bạn bè, cô giáo cho con.

Và nhiều phụ huynh cho rằng quan trọng nhất với các bé là rèn sự tập trung, làm sao để các bé có ý thức với việc mỗi ngày ngồi vào bàn một giờ cố định, trong khoảng thời gian từ ít tới nhiều, dần dà để tạo thành thói quen.

“Nhà mình từ sau Tết bắt đầu tập cho con thói quen ngồi vào bàn học vào 8 giờ tối, tùy con xem sách hay vẽ vời gì cũng được nhưng phải ngồi ngay ngắn ở đó. Ban đầu yêu cầu con ngồi 15 phút, sau đó tăng dần thời gian lên, đến nay là ngồi tối thiểu 30 phút. Tiếp đến là cho con nhận biết mặt chữ hoặc học toán theo những quyển toán vui cho bé 5 – 6 tuổi, khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày, xong thì con thích tô tiếp hay thích vẽ tùy ý. Vì vậy nên con rất hứng thú học, nhiều khi còn ngồi tô, vẽ cả tiếng đồng hồ không rời khỏi bàn” - chị Kim Huệ hào hứng với “thành công” ban đầu của việc cùng con bước vào chặng đường mới.

Ngân Anh