- Đã có không ít băn khoăn, e ngại trước việc 62 trường tuyển sinh riêng năm 2014. Tuy nhiên, tới thời điểm này, sự hưởng ứng của thí sinh đối với những phương thức tuyển sinh mới đã lạc quan hơn nhiều so với những suy đoán ban đầu.

{keywords}
Ảnh: Văn Chung

Hồ sơ tăng mạnh

Theo thông kê của Bộ GD&ĐT, lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ năm nay thi theo “3 chung” giảm hẳn so với năm trước. Tuy nhiên, tình hình ngược lại với các trường được phép tuyển sinh riêng, thậm chí cả những trường năm 2013 chỉ thu được vài chục hồ sơ cho cả mùa tuyển sinh.

Phó hiệu trưởng trường ĐH Phan Châu Trinh, ông Đỗ Thế, vui vẻ cho biết: Từ vài ngày trở lại đây số lượng thí sinh đến trường nộp học bạ phổ thông theo yêu cầu của đề án xét tuyển riêng của trường tăng rất nhanh với hơn 100 hồ sơ nộp vào hệ đại học, và 20 hồ sơ nộp vào hệ cao đẳng. Còn nếu tính cả số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển chưa có học bạ là trên 1.000 bộ. Nếu như so với năm trước - trường chỉ tuyển được trên 70 sinh viên – thì đây là tín hiệu rất tốt.

Ông Nguyễn Văn Hùng, hiệu trường trường ĐH Lương Thế Vinh chia sẻ đã có hơn 200 hồ sơ nộp vào trường, và hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Theo ông Dương Phan Cường, hiệu trưởng trường ĐH Chu Văn An, đã có hơn 300 bộ hồ sơ nộp vào trường tính đến thời đểm này. Trường đã phỏng vấn đợt 1 được 200 thí sinh, và đã có hơn 100 em đến làm thủ tục nhập học. “Đây là con số rất đáng mừng bởi vì cả mùa tuyển sinh năm trước trường chỉ tuyển 200 thí sinh” – ông Cường cho biết.

Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Nông lâm Bắc Giang, ông Trần Văn Châu, cho biết đến thời điểm này trường đã nhận được gần 1.400 hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương án tuyển sinh riêng của trường. Con số này mặc dù so với quy mô của một trường đại học còn chưa nhiều nhưng nếu so với con số 1.000 hồ sơ của năm 2013 khi trường thi “3 chung” thì rất đáng mừng.

Dè dặt hơn, ông Nguyễn Đình Ngộ, hiệu trưởng trường ĐH DL Phú Xuân không tiết lộ con số cụ thể số lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào trường, nhưng cũng khẳng định “tình hình đã sáng hơn, thuận lợi hơn so với năm trước”.

Đối với một trường “xa xôi” như ĐH Việt Bắc, việc tuyển sinh riêng cũng đã thu hút một số lượng lớn hồ sơ xét tuyển. Theo hiệu trưởng Nguyên Đăng Bình, nếu như những năm trước trường chủ yếu phải trông chờ vào thí sinh theo nguyện vọng 2, thì năm nay số lượng hồ sơ gửi về trường đã tăng lên vài nghìn.

“Cuộc chiến” giữ thí sinh

Mặc dù đã có khởi đầu khá khả quan, nhưng hầu hết các trường đều tỏ ra không hề chủ quan. Lý do bởi trước mắt còn các đợt thi đại học theo “3 chung”, và không ít hồ sơ nộp về các trường tuyển sinh riêng có thể sẽ là hồ sơ ảo.

“Trường chúng tôi tìm mọi cách cung cấp thông tin tới thí sinh và phụ huynh. Trường đã cử người xuống nói chuyện với học sinh ở rất nhiều trường phổ thông khu vực phía Bắc, chia sẻ các quan điểm, mục tiêu đào tạo như học đúng nghề, đầu vào không quan trọng bằng quyết tâm học tập, bằng sự học suốt đời... Trường cũng công bố các học bổng với các mức 100%, 50%, 25% học phí của năm học đầu tiên, sinh viên vùng sâu vùng xa trước mắt được ở miễn phí ký túc xá trong năm học đầu tiên” – ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ cách thức thu hút sinh viên. “Chúng tôi phải “chiến đấu” quyết liệt vì sự tồn tại của nhà trường.

Ông Trần Văn Châu lại cho biết cách hạn chế hồ sơ ảo của trường ĐH Nông lâm Bắc Giang: Trường này chọn đúng 3 đợt phỏng vấn trùng với ngày thi ĐH, CĐ theo “3 chung”. “Trường chúng tôi là trường nghèo, sinh viên vào học chủ yếu là con em nông dân, vùng sâu vùng xa. Với việc tổ chức phỏng vấn trùng ngày thi đại học, tôi không cho rằng có thể sẽ khiến trường gặp bất lợi, mà trường chắc chắn sẽ tuyển được những thí sinh thực sự muốn gắn bó với trường”.

Trái ngược với trường ĐH Nông lâm Bắc Giang, trường ĐH Chu Văn An lại chọn cách “né” phỏng vấn thí sinh vào các đợt thi tuyển sinh đại học. Đợt phỏng vấn thứ hai của trường dự kiến sẽ được tiến hành vào khoảng tháng 9, tháng 10.

Trường ĐH Phan Châu Trinh có cách giữ chân thí sinh vô cùng độc đáo. Ông Đỗ Thế cho biết ý tưởng xuất phát từ câu chuyện của hai thầy giáo luyện thi đại học ở Hội An nói với ông về việc học sinh bỏ dần lớp luyện thi vì các em “đã đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ tham dự kỳ tuyển sinh riêng của trường Phan Châu Trinh”. Vì vậy, trường đã tìm cách “lôi kéo” những học sinh – sinh viên tương lai – vào các hoạt động do đoàn thanh niên của trường tổ chức hàng tháng. Ví dụ như điều tra nhu cầu rau sạch trong phố cổ để có thông tin tư vấn cho các hộ nông dân trồng rau ở Hội An; Tham gia và “Không gian đọc” ở Hội An do trường khởi xướng; Tập hợp chơi thể thao ngoài bãi biển…

“Trước đây dư luận băn khoăn về việc tuyển sinh riêng là đúng, vì đa số trường có đề án tuyển sinh riêng là các trường ngoài công lập, lâu nay không được đánh giá cao. Đề án tuyển sinh riêng đối với học sinh và phụ huynh Việt Nam mà nói là vấn đề mới, sau một thời gian khá dài thi “3 chung”. Rồi những băn khoăn về đầu vào không thi bằng cấp có được công nhận như đầu vào có thi “3 chung” không… Nhưng có thể nói, tới thời điểm này đã có một số lượng phụ huynh và thí sinh – dù còn nhỏ bé - tin tưởng vào chủ trương tuyển sinh mới, mà có thể nói là một chủ trương lớn của Nhà nước và của giáo dục Việt Nam” – ông Đỗ Thế khẳng định.

  • Ngân Anh