Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 mang đến nhiều bất ngờ, với tôi, một giáo viên tiếng Anh thì đó là việc rất nhiều các bạn trẻ không chọn thi môn ngoại ngữ. Ai cũng biết môn học đó là chìa khóa để chúng ta đến được với thể giới, trở thành một công dân toàn cầu trong tương lai. Nhưng vì sao việc học và yêu ngoại ngữ lại là gánh nặng và khó khăn đến thế. Các bạn vẫn học để đối phó, để qua lớp, để không bị chê là dốt?

Tôi biết đến một người mẹ đã học rất chăm chỉ và khá thành công, tuy ngày mới vào lớp chị không phát âm chuẩn cả từ đơn giản như “Yes”. Chắc chắn, chị thành công bởi điều dẫn chị đến với Tiếng Anh chính là Tình yêu.

Dưới đây là bức thư – một bài tập- của chị trong lớp cá nhân.

{keywords}

 

“Con gái thân yêu của mẹ!

Chắc rằng con sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được bức thư viết hoàn toàn bằng tiếng Anh từ mẹ, người mà con đã nghĩ rằng đến từ “Yes”, cũng không phát âm được chính xác.

Trước hết, mẹ rất xin lỗi vì đã đọc trộm một phần nhật kí con viết năm lớp 10, dù vì lý do gì thì đó cũng là việc không tốt và mẹ nhắc lại là thực sự xin lỗi về điều ấy. Nhưng khi đó, mẹ đang rất tò mò về bạn bè, về mối tình đầu và những lần đi chơi về muộn của con. Thế nên con có thể đừng trách mẹ được không?

Vậy là mẹ đã đọc cuấn nhật kí bìa xanh của con, đã biết rằng con thấy buồn như thế nào khi cứ bị mẹ la rầy vì điểm môn tiếng Anh không cao như mong đợi. Nếu mẹ nhớ không nhầm thì đó là điểm số trong kỳ kiểm tra chất lượng đầu năm học cấp 3. Con được 9 toán, 8 văn và chỉ vẻn vẹn 5 điểm ngoại ngữ - môn tiếng Anh. Và một câu con ghi trong nhật kí khiến mẹ không bao giờ quên, đó là: “Mẹ thật bất công, lúc nào cũng bảo sẽ “không bắt người khác làm điều bản thân không làm được”, thế mà trong khi mẹ phát âm từ “Yes” cũng chẳng chính xác lại cứ bắt mình phải học thật giỏi tiếng Anh” và cả “chắc mình sẽ chẳng bao giờ học giỏi môn ngoại ngữ quái quỷ ấy cả, nhà mình đâu có mả học ngoại ngữ”.

Đoạn nhật kí của con khiến mẹ suy nghĩ rất nhiều, không phải mẹ giận con đâu, mà mẹ buồn cho chính bản thân mình. Từ nhỏ mẹ đã không học giỏi môn ngoại ngữ, điểm lúc nào cũng chỉ sàn sàn 5,6 –đủ để lên lớp. Và cho đến bây giờ, sau bao năm làm việc chả liên quan gì đến tiếng Anh, các kĩ năng của mẹ còn tuột dốc thảm hại hơn nữa. Gần như mẹ không nói được câu gì cho ra hồn cả.

Chẳng biết gì về ngoại ngữ nhưng mẹ cũng hiểu nó quan trọng đến như thế nào với mơ ước làm bác sĩ của con. Vậy nên, mẹ đã tìm một trung tâm tiếng Anh chất lượng có hình thức dậy học 1-1 (một thầy, một trò), giúp con ôn luyện ngữ pháp và nâng cao kĩ năng giao tiếp, phát âm chính xác. Nhưng lúc đó con phản đối rất quyết liệt và cho rằng mẹ làm như thế là không công bằng, là ép con học quá sức và không để con có quyền lựa chọn khối thi đại học sau này. Con còn bảo : “Mẹ chữ xấu thì con chữ cũng xấu, mẹ dốt tiếng Anh thì làm sao con giỏi tiếng Anh cho được.”

Mẹ lại nhớ đến chuyện bỏ hút thuốc lá của ông ngoại ngày trước…

Vốn ông ngoại là người nghiện thuốc lá rất nặng, theo kiểu hút thuốc tiết kiệm diêm (nghĩa là liên tục từ điếu này châm sang điếu khác), nhiều lần ho, ốm ông cũng không bỏ được thuốc. Vậy mà khi cậu Tùng nhà mình bắt đầu tập tành hút thuốc vào năm 16, 17 tuổi, ông ngoại đã ngay lập tức cai thuốc thành công vì nghĩ: “Bố còn nghiện thuốc thì làm sao bắt con bỏ thuốc được? ”. Vậy nên mẹ quyết định làm cái việc đáng nhẽ đã phải làm từ lâu, đó là bắt đầu học thật nghiêm túc môn tiếng Anh.

Có học, mẹ mới thông cảm hơn với sự vất vả của con, vì đúng là học ngoại ngữ đòi hỏi kiểu tư duy khác hẳn. Phải đến 3 buổi, mẹ mới quen với việc sử dụng các động từ to be, to do và have. Rồi phải đến 3 buổi nữa mẹ mới quen với kiểu ngữ pháp “lộn tùng phèo”. Khi ấy mẹ oán ai đã tạo ra tiếng Anh ghê gớm. Chả hiểu sao cái gì cũng phải cho to be với to do vào, làm như không có hai cái động từ ấy thì người ta không nói, không viết được. Người Việt mình khen con gái xinh chỉ cần nói “cô bé thật xinh”, còn người anh lại phải nói “what is beautifull girl !”. Sao họ lại cho tính từ lên trước danh từ? Sao họ lại cần có động từ ở các thì? Sao họ lại nói gọn lỏn có 6 ngôi? …

Lại nữa, học để phát âm cho đúng thực sự là một cuộc đại phẫu thuật. Chắc chắn vậy khi môi, lưỡi, vòm họng và khẩu hình của mẹ đã quen với việc nói tiếng Việt gần 40 năm nay. Giáo viên bản ngữ dậy nói hẳn phải bổ xung vào chuyên môn của mình món “tạo hình”.

Việc ở cơ quan, việc làm thêm, việc ở nhà nhiều lúc khiến mẹ nản kinh khủng, nhưng mỗi lần như thế, mẹ lại nghĩ đến ước mơ làm bác sĩ của con. Mẹ biết, sớm hay muộn, các con sẽ làm theo những điều mà bố mẹ đã làm chứ không phải những gì bố mẹ vẫn nói.

Thế thì mẹ đâu thể dừng lại, đầu hàng và nói với con rằng Hãy bỏ qua…

1 năm, 365 ngày, 52 tuần, 104 buổi học bất kể ngày nắng, ngày mưa, bận thì học bù, mệt thì học online…rồi tất cả những dấu hỏi (?) của mẹ về môn tiếng Anh đã biến thành dấu cảm (!). Cô Quỳnh, giáo viên của mẹ nói cô ấy yêu từng từ rất nhỏ trong tiếng Anh, cô ấy đã giúp mẹ rất nhiều để ngay bây giờ, khi con đọc bức thư này, mẹ cũng thấy tiếng Anh thực sự đáng yêu như thế.

Con biết không, mẹ chưa bao giờ nhận mình là người thông minh, mẹ cũng chưa bao giờ nhận mình có thể làm được tất cả mọi việc, nhưng mẹ biết mình đã nỗ lực và trải sự cố gắng hơn cả chính bản thân, chẳng phải đó là điều quan trọng nhất hay sao?

Vây nên, vào chính lúc này, khi mẹ vừa tra từ điển vừa viết từng câu nhỏ trong bức thư bằng tiếng Anh, mẹ chỉ muốn hỏi con một điều: Con đã sẵn sàng cho trải nghiệm của riêng mình hay chưa?

Luôn tin tưởng và yêu thương con

Mẹ của con.

P/s: Nếu con luôn nghĩ rằng mình giống mẹ, thì đừng quên rằng mẹ đã từng phát âm sai cả từ “Yes” nhé!”

  • Mẹ Thỏ và Emil (Theo Youth English School)