- Gia đình quanh năm làm nương rẫy, cuộc sống khó khăn nhưng ông Hoàng Văn Tuyên (Hòa An, Cao Bằng) vẫn quyết tâm cho con ăn học thành người. Xuống Hà Nội thi với ít tiền dắt lưng, ông còn mang theo lồng 16 con sáo núi xuống bán lấy tiền lo cho mấy ngày thi của hai bố con.
Ông Hoàng Văn Tuyên quê ở xã Pác Pan, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, Cao Bằng năm nay 47 tuổi. Vợ chồng người dân tộc Tày này có hai con trai là Hoàng Đức Hạnh và Hoàng Quốc Huy.
Cậu anh trai Đức Hạnh vừa tốt nghiệp Trường THPT Nà Giàng, huyện Hòa Quảng, tỉnh Cao Bằng. Người em của Đức Hạnh hiện học lớp 8.
Nguồn kinh tế chính của gia đình là 3000m2 ruộng nương, một năm trồng được một vụ lúa và một vụ thuốc lá, thu nhập mỗi tháng trên dưới 1,5 triệu đồng.
Những chú chim được để tạm bên ngoài ban công của khu KTX Trường ĐH Kinh tế quốc dân HN (Ảnh: P.Đăng) |
Tranh thủ ngày con đi thi, ông Tuyên sẽ mang chim đi bán lo lộ phí cho hai cha con. (Ảnh: P.Đăng) |
Cuộc sống vất vả nhưng vợ chồng luôn xác định phải cố gắng lo cho các con ăn học thành người.
Hạnh là anh cả, mới hết lớp 12 nhưng việc gì cũng biết từ cày bừa, cấy hái. Cậu học trò dáng dong dỏng cao, người đen nhẻm vì nắng giọng gượng ngùng tâm sự: “Em học trung bình khá nhưng vẫn quyết tâm thi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Trường ĐH Tài nguyên&Môi trường. Không đỗ ĐH thì đi học nghề luôn”.
Hoàng Đức Hạnh tranh thủ ôn bài trước ngày thi. (Ảnh: P.Đăng) |
Chuyến xuống Hà Nội lần này là chuyến đi xa đầu tiên của hai cha con. Hành trang của ông Tuyên và con là mấy bộ quần áo lao động, gần 2 triệu đồng tiền mặt cùng mấy quyển sách ôn thi của con trai.
Để có thêm tiền cùng con đi thi, trước khi xuống Hà Nội 2 ngày ông đã phải lặn lội vào rừng tìm bắt về 10 con sáo đá để tranh thủ về thủ đô bán. “Sáo vào mùa sinh đẻ từ tháng 5 đến 15/7 hàng năm. Mình phải leo lên núi cao chừng 200m mới lấy được. Vì khó khăn nên mới lấy thôi, mà chỉ lấy chim non” – ông nói như thanh minh.
Đã tính thuê phòng trọ nhưng ông Tuyên may mắn gặp được đội tiếp sức mùa thi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội nên được tạo điều kiện cho ở phòng kí túc xá miễn phí.
Mấy con chim sáo ông tính vào mùng 3 đến mùng 5/7 khi con làm thủ tục và đi thi ông sẽ tranh thủ mang ra đường bán.
Tay vừa đút thức ăn cho sáo ông vừa tâm sự: “Mình biết con học cũng bình thường nhưng nếu đã đi thi thì phải cố gắng vào trường tốt. Bây giờ học trường làng nhàng sợ ra trường lại thất nghiệp, khổ bố khổ cả con. Nếu con không đỗ ĐH, muốn học nghề mình và vợ sẽ cho con theo”.
Hết ngày 5/7 hai bố con sẽ đến điểm thi Trường ĐH Tài nguyên&Môi trường rồi về nhà. Đợt thi tiếp theo, Hạnh sẽ một mình xuống thi để đỡ tốn kém.
- Văn Chung