- Bẩm sinh đã bị xơ cứng tất cả các khớp, đi phải có người dìu, hễ chạm vào vật gì là ngã nhưng Lã Mai Hoàng chưa bao giờ tuyệt vọng. Hoàng đặt quyết tâm phải đỗ vào ngành Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để sau này giúp bố mẹ chăm em mắc hội chứng tự kỷ.

Gần 20 năm về trước, khi còn sửa xe máy thuê ở TP.Thanh Hóa, ông Lã Ngọc Minh (sinh năm 1960), quê ở phường Ninh Giang, TP.Ninh Bình gặp và yêu cô công nhân Mai Thị Hương (sinh năm 1974, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa).

Sau ngày cưới, cô Hương nghỉ việc ở xí nghiệp đá đang làm, vợ chồng dắt díu nhau về quê chồng làm ăn. Họ ở trong ngôi nhà 17m2 do cụ nội ông Minh để lại. Ngôi nhà mà như ông kể “ngày mưa nước dột chẳng khác ngoài trời là mấy, mùa hè nóng như rang. Vợ chồng và các con phải lau sàn nằm ở dưới vì chiếu trên giường nóng bỏng tay”.

Cô Hương từ ngày về nhà chồng đi nhặt rác, bán đồng nát quanh thành phố. Ông Minh cũng xin đi sửa xe thuê ở mấy tiệm gần nhà.

Hạnh phúc đến khi họ sinh đứa con trai đầu lòng tên Lã Mai Hoàng. Nhưng ngày vui dài chẳng tày gang. 10 tháng sau khi bắt đầu tập tễnh biết đi Hoàng có triệu chứng lạ là chỉ đứng bằng năm đầu ngón chân, gót chân không chạm được đất. Con đi vài bước là ngã dúi dụi khiến vợ chồng ông Minh lo lắng.

Mang con đi khám thì các bác sĩkết luận Hoàng bị xơ cứng tất cả các khớp. Từ năm 3 tuổi đến năm 8 tuổi, vợ chồng ông 3 lần đưa con ra BV Việt Đức mổ để chữa bệnh nhưng tình hình cũng chẳng hơn là bao. Vợ chồng đành ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong nuôi con.

9 năm sau, họ sinh con trai thứhai. Không may khi em trai Hoàng mắc hội chứng tự kỷ. Em thích gì là làm nấy, có khi ngồi im không nói gì, khi lại kêu gào đập phá không cản được. Ông Minh và vợ khóc đến khô nước mắt.

{keywords}
Trong hành lí bố con lên Hà Nội thi, vợ ông Minh đã đặt 2 chiếc áo cộc mới mua cho Hoàng. Nhà nghèo khó nên như ông Minh tâm sự: “Đây là lần đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất trong năm nay Hoàng được sắm áo mới. Phần lớn quần áo, sách vở của hai cháu được gia đình nội ngoại hoặc bạn bè giúp đỡ”.

Con ốm đau triền miên, ông Minh nghỉ việc ở xưởng sửa xe máy về ngôi nhà nhỏ nằm tít sâu trong ngõ xoay sang sửa đồ điện lặt vặt kiếm thêm. Thời gian chính ông hết đưa đón Hoàng đi học (cách nhà 7km) rồi lại quay về nhà trông con út. Đến giờ ông đưa con út đi học riêng ở nhà một cô giáo, sau lại đèo con tới học ở nhà trẻ để giúp con hòa nhập. Ông Minh ngồi nhẩm tính mỗi ngày mình phải đi 70km đưa đón các con đi học.

Thu nhập gia đình giờ đè nặng lên vai người vợ. Cô Hương đi đồng nát tháng nhiều thì được 2 triệu, không chỉ quẩn quanh vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/tháng. Thương vợ chồng cô vất vả, gần đây cô Hương được địa phương tạo điều kiện cho thu dọn rác của các hộ, mỗi tháng kiếm thêm vài trăm ngàn.

“Vợ chồng và các con phải tiết kiệm chi tiêu hết mức, cơm chỉ ít rau với vài lát thịt ba chỉ thái mỏng. Tiền kiếm được bao nhiêu phải lo cho con học, điều trị bệnh hết” – ông Minh tâm sự.

Mấy tháng gần đây, vợ chồng ông đành ngậm ngùi cho con trai út nghỉ ở nhà không đi học riêng ở nhà cô giáo nữa vì hết tiền. Đưa con đi thi, ông Minh cũng phải mang theo túi thuốc để uống vì bị bệnh phải. Gần 1 tháng qua, vợ ông cũng phải vào BV Đa khoa Ninh Bình để điều trị vì nghi virus ban đỏ.

Không được như chúng bạn, những ngày đầu đi học tiểu học Hoàng thường bị các bạn trêu, xô ngã có khi chảy cả máu chân. Nhưng em không khóc, tay vịn vào chân bàn học mà đứng dậy. Quyết tâm của em rồi cũng chiếm được tình cảm và sự yêu mến của bạn bè, thầy cô.

“Em rất thích đọc sách. Cuốn em thích nhất là Cuộc sống thay đổi khi chúng ta thay đổi. Sách có nhiều triết lý rất hay. Có câu Đừng cúi đầu hãy ngẩng lên mà sống/Bùn ở dưới chân nhưng ánh sáng ở trên đầu. Nhờ nhưng câu chuyện, lời khuyên đó mà em sống lạc quan hơn. Cuộc sống như vậy vẫn còn ưu ái với em. Giờ điều em mong mỏi nhất là làm sao giúp em vượt qua hội chứng tự kỷ để được bình thường như bao bạn bè khác” – chàng trai trầm ngâm tâm sự.

Năm ngoái Hoàng thi vào ngành Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng thiếu 1 điểm. Năm nay Hoàng lại đặt quyết tâm phải thi đỗ vào ngành này của trường. “Tối nào cháu cũng thức, học đến 2-3h sáng rồi mới đi ngủ. 6h hôm sau lại dậy học tiếp” – ông Minh cho hay.

Sẻ chia với hoàn cảnh của em, ông Trần Công Thanh - Trưởng ban quản lí kí túc xá Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết sẽ miễn tiền ở và hỗ trợ tiền ăn cho hai bố con trong những ngày thi. Ban quản lí cùng với đội sinh viên tình nguyện nhà trường sẽ phối hợp để giúp ông Minh đưa đón con đi lại trong mấy ngay ở Hà Nội này.

  • Văn Chung