- Tại phiên họp thứ 14, HĐND TP.HCM khóa 8 ngày 9/7, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết, trong đề án xây dựng ngành giáo dục hội nhập chất lượng cao, sở đã lập đề án sách giáo khoa điện tử trình UBND thành phố. Dự kiến năm học mới sẽ thí điểm ở khối lớp 1,2,3.

Theo vị giám đốc sở, TP.HCM đã xin cơ chế ra SGK riêng phù hợp với đặc thù thành phố và vẫn bảo đảm bám sát chương trình của Bộ GD-ĐT.

{keywords}
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn trong phiên thảo luận tại phiên họp HĐND TP.HCM

"Chúng tôi có một cơ chế riêng, đặc thù là khi triển khai ngành dọc chung của Bộ GD-ĐT, chúng tôi muốn đề nghị rằng thực hiện khung chương trình của bộ, các chuẩn đánh giá đầu ra trong việc học tự chọn, thi tự chọn" - ông Sơn nói.

Hiện sở đã đệ trình kế hoạch trình UBND TP.HCM đề án ra thực hiện việc xây dựng SGK riêng, trong đó có sự tư vấn giúp đỡ của các chuyên viên Bộ GD-ĐT.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trăn trở: "Ngay cả ở tầm quốc gia, Quốc hội đã bàn nhiều lần mà vẫn chưa ra được bộ SGK mới. Theo đề nghị của sở thì thành phố bao giờ làm, làm như thế nào?".

Ngoài ra là một loạt vấn đề liên quan như kinh phí, việc chuyển đổi chương trình sang sách mới, chất lượng giảng dạy...được bà Tâm đưa ra chất vấn nhưng người đứng đầu cơ quan giáo dục thành phố chưa có những giải đáp thỏa đáng.

Ngoài những thắc mắc về sách giáo khoa và sách điện tử, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất vẫn là chuyện trường lớp trong năm học mới. Theo đánh giá của nhiều đại biểu, báo cáo kế hoạch năm học mới của sở GD-ĐT vẫn chưa tạo ra được sự an tâm. "Sở báo cáo năm học mới sẽ đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn, nhưng sĩ số mỗi lớp là bao nhiêu?", Chủ tịch HĐND thành phố hỏi tiếp. "Trước đây tại một số quận huyện, sĩ số một lớp tăng lên năm mấy sáu chục em. Nay chỗ nào nhiều cũng dưới 50 em một lớp", ông Sơn trả lời.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, năm học tới các trường mầm non sẽ tiếp nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi theo Nghị quyết mà kỳ họp mới đây HĐND thành phố đã thông qua. Nhưng nếu có ông bà, người thân thì tốt nhất là giữ cháu ở nhà để vừa bảo đảm cho sự phát triển của các cháu vừa đỡ gánh nặng trường lớp cho ngành giáo dục.

  • Trường Phi