- PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho biết, đề thi môn Ngữ văn năm nay có đổi mới, sáng tạo, khả năng phân loại được những học sinh giỏi so với đề thi năm trước. 

{keywords}
Thí sinh sau giờ thi môn Ngữ văn (Ảnh Văn Chung)

Nếu như đề thi các năm trước vẫn đang luẩn quẩn ở việc bắt học sinh tái hiện kiến thức ra đề, bắt học sinh học tập và lệ thuộc rất nhiều vào SGK thì năm nay đã có sự thay đổi. Tôi ủng hộ cách đổi mới này.

Cụ thể, nếu câu I trước đây luôn luôn bắt học sinh tái hiện kiến thức SGK thuần túy, thì năm nay đã đưa ra một trích đoạn thơ của nhà thơ Nguyễn Duy yêu cầu học trò phải hiểu bài thơ, phải hiểu được những từ ngữ hay trong bài thơ.

Như vậy đề Ngữ văn bắt học trò tự mình tìm hiểu chứ không phải là học trong sách hay học ở văn mẫu. Tương tự, câu 1 đề khối D cũng bắt học sinh tóm tắt, sau đó bắt học trò nói lên cái hay, cái đẹp của đoạn thơ này.

Câu II trong đề cả hai khối C và D là những câu có tính chất nghị luận chính trị xã hội, vấn đề này đã được đổi mới cách đây mấy năm. Nhưng năm nay đề ra rất hay, trong đó tôi đặc biệt đánh giá cao câu 2 đề khối C bằng việc trích ra một câu trong tác phẩm Đời Thừa của nhà văn Nam Cao. Câu hỏi đặt ra vấn đề quan hệ kẻ mạnh kẻ yếu, đó là vấn đề của con người, cá nhân nhưng đồng thời cũng là vấn đề của quốc gia. Ở đây tính thời sự được nâng cao và có chiều sâu. Điều này cho thấy Văn học có nhiều tầng nghĩa khác nhau, một câu nói, một tác phẩm có thể hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau.

Đề đạt được yêu cầu của câu hỏi này, học trò phải đưa ra được ý kiến của cá nhân. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp, đạp lên vai kẻ yếu mà kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ kẻ yếu. Suy ra quan hệ quốc gia cũng vậy, nước mạnh không phải là nước xâm lấn nước yếu mà phải là nước giúp đỡ nước yếu. Nếu hiểu biết hơn nữa, các em có thể bình luận thêm rằng trong quan hệ quốc tế không nên tự bằng lòng mình là kẻ yếu mà mình phải trở thành kẻ mạnh để có quan hệ bình đẳng, vì quan hệ quốc tế không phải là quan hệ hành xử theo đạo đức.

Tương tự câu II khối D cũng là đề văn nghị luận xã hội thông thường nhưng có tính chất mở.

Ở câu III cả hai đề C và D đều yêu cầu học trò không những nắm được tác phẩm mà còn hiểu được tác phẩm, cách hỏi cũng khuyến khích sự độc lập, tự chủ trong suy nghĩ của học sinh bằng cách đưa ra hai vấn đề khác nhau, yêu cầu học sinh bình luận và đưa ra ý kiến cá nhân.

Về việc phân bố điểm tôi nghĩ điểm câu 1:2 điểm; câu 2:3 điểm; câu 3:5 điểm là hoàn toàn hợp lý. Nhưng tôi mong rằng với cách ra đề tương đối mở như thế này, đáp án cũng phải mở và người chấm phải là người thoát ra được khỏi văn mẫu để phát hiện được những bài văn hay. Với đề văn này học trò thông thường chỉ làm được ở mức 5-6 điểm, chỉ những em có học lực giỏi mới đạt được điểm cao.

  • Lê Huyền (ghi)