- Nếu học sinh tiếp cận với môn Ngữ văn bằng phương pháp và tinh thần đúng đắn nhất (hiểu và biết cách vận dụng sự hiểu biết đó vào bài làm), thì đề thi ĐH năm nay "hoàn toàn trong tầm tay".

{keywords}
Ông Trần Hinh

Còn thầy cô nếu cứ theo lối cũ, chấm hời hợt, theo thói quen thì những cải cách trong khâu ra đề vẫn chỉ là số không.  Rất mong các thầy cô hãy làm việc hết mình, công tâm, chịu khó đọc kĩ bài viết, để có được một cách đánh giá đúng đắn nhất, để định hướng cho việc dạy và học môn Ngữ văn trở nên thực chất và có hiệu quả hơn.

Ông Trần Hinh, Chủ nhiệm Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) bày tỏ như vậy về đề thi ĐH môn Ngữ văn năm nay. Dưới đây là ý kiến của ông.

 **************

Là người theo dõi nhiều năm qua kì thi này, bằng kinh nghiệm có được, tôi xin được có một vài suy nghĩ có tính cá nhân của mình về đề thi đại học môn Ngữ văn năm nay.

Trước hết, về mức độ khó dễ của đề thi, nếu học sinh tiếp cận với môn học này bằng phương pháp và tinh thần đúng đắn nhất (hiểu và biết cách vận dụng sự hiểu biết đó vào bài làm), thì đề thi hoàn toàn trong tầm tay các em. Ngược lại, đề thi sẽ gây khó khăn ít nhiều với những thí sinh nào chọn cách học theo văn mẫu ở các lò luyện thi (thầy đọc, trò chép).

Cụ thể, ở câu hỏi 2 điểm, với khối C, đề thi dẫn một đoạn thơ trong bài  Đò Lèn của nhà thơ Nguyễn Duy với 3 câu hỏi về phương thức biểu đạt, các từ láy được sử dụng và nội dung chính của đoạn thơ; với khối D, đề chọn bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi với những hỏi tương tự.

Nếu học một cách thụ động, học sinh sẽ “choáng” vì cả hai bài thơ đều không nằm ở phần học  chính.

Tuy  nhiên,  nếu đã  rút  kinh nghiệm ở kì  thi  tốt  nghiệp, các em học chủ động sẽ thấy rất bình thường, vì thực đề thi chỉ mượn các đoạn văn bản để kiểm tra cách học hiểu của thí sinh.

Những vấn đề về phong cách văn bản, phương thức tu từ, tóm tắt nội dung chính của đoạn văn bản, học sinh đều được học trong chương trình cả. Thí sinh chỉ cần nghe các thầy cô giảng và hiểu được tinh thần bài giảng thì giải quyết các câu hỏi kiểu thế này, không có gì là khó khăn.

 

{keywords}
Thí sinh kết thúc kỳ thi ĐH đợt 2


Ở câu hỏi 3 điểm (dạng đề nghị luận xã hội) cũng thế.

Ở khối C, câu hỏi trích một ý nhỏ trong tác phẩm Đời thừa, thực chất thì đề thi cũng chỉ mượn ý của nhà văn Nam Cao để hướng học sinh tới một vấn đề của cuộc sống, con người nên sử dụng sức mạnh của mình như thế nào? (kể cả các em không học bài Đời thừa cũng không sao cả, vấn đề chỉ là hiểu được câu văn trong đoạn trích).

Nhưng quan trọng hơn, nó gắn kết với vấn đề nóng hổi hiện nay của đất nước: Trung Quốc dùng sức mạnh “cơ bắp” ngang nhiên xâm chiếm Biển Đông, thuộc lãnh thổ Việt Nam. Học sinh có thể kết hợp trình bày vấn đề này trên cả hai phương diện: với cá nhân trong cuộc sống thường này, và với quốc gia trong quan hệ với những quốc gia khác.

Ở câu hỏi đề thi khối D, câu hỏi hướng đến vấn đề “cống hiến và hưởng thụ”. Thực chất của câu hỏi này là muốn thí sinh bày tỏ chân thành quan điểm về lối sống trong thời điểm hiện nay. “Sống là cống hiến” hay sống chỉ hưởng thụ?

Học sinh phải rất tinh tế trong câu hỏi này, vì nó có hai vế (cống hiến và hưởng thụ). Tất nhiên, ở vế thứ nhất, quan điểm “sống cống hiến” là đúng, còn quan điểm thứ hai, “sống hưởng thụ hết mình”, thì phải dè chừng. Con người lao động thì phải có quyền hưởng thụ, nhưng hưởng thụ như thế nào, đặt trong bối cảnh chung thì nên như thế nào? Tôi cho rằng thí sinh cần phải rất bản lĩnh, mới có thể trả lời đúng vế thứ hai. Nhìn chung, thì câu hỏi đề thi cũng không có gì là khó, nếu học sinh có kiến thức xã hội.

Với câu hỏi 3, năm nay, đề thi quả nhiên đã bỏ phần lựa chọn (cái này học sinh đã đoán trước sau khi tham khảo đề thi môn Toán) ở kì thi đầu. Nghĩa là cả hai nhóm học sinh hoàn toàn có thể bỏ phần học nâng cao. Ở khối C là bài tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường và khối D, Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo.

Về dạng văn, nếu học sinh để ý một chút tới các đề thi những năm trước, thì sẽ không có gì khó khăn, vì vài năm gần đây, dạng đề thi vẫn luôn như vậy. Hoặc là kết hợp hai tác phẩm, hai vấn đề, hai đoạn thơ, hay hai nhận xét để kiểm tra trình độ “học hiểu” của thí sinh.

Thực ra, nếu chỉ cần học bài kĩ lưỡng (chứ không phải học theo văn mẫu), là học sinh sẽ hiểu ngay được câu hỏi đề thi yêu cầu. Chẳng hạn, với khối C, về tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?, cả hai nhận xét (“vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ” và “vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa lịch sử”) vốn đã có sẵn trong phần hướng dẫn học bài. Thí sinh chỉ cần phân tích những vẻ đẹp của sông Hương dựa theo hai định hướng này là đủ.

Trong khi đó với khối D, chọ bài Đàn ghi ta của Lorca nhưng đề thi lại đưa ra hai nhận xét có phần trái ngược. Học sinh phải đủ bản lĩnh để hiểu được rằng, ở vế thứ nhất, Lorca “là mẫu nghệ sĩ – chiến sĩ”, vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình”, thì hoàn toàn đúng; còn vế thứ hai, Lorca “là mẫu nghệ sĩ thuần túy, chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng bị giết hại oan khuất”, thì không đúng. Học sinh phải có sự khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về vấn đề này. Nếu học kĩ tác phẩm thì tôi nghĩ không có gì là khó với thí sinh. Bởi lẽ, đây cũng là bài học quan trọng nhiều học sinh năm nay chuẩn bị kĩ lưỡng.

Tóm lại, theo quan điểm của tôi, đề thi đại học môn Ngữ văn năm nay được ra hoàn toàn trong định hướng của Bộ GD-ĐT. Cách ra đề theo hướng này sẽ góp phần loại bỏ dần lối học văn khuôn mẫu, lò luyện thi vì thế cũng sẽ “chết” dần.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng còn lại là ở khâu chấm thi. Chúng ta đã mất rất nhiều công sức để có được một kì thi công bằng, những nếu khâu chấm thi, đánh giá bài thi vẫn theo lối cũ, các thầy cô vẫn chỉ chấm hời hợt, theo thói quen (cứ viết dài là được điểm cao), thì những cải cách trong khâu ra đề vẫn chỉ là số không.

Tôi rất mong các thầy cô hãy làm việc hết mình, công tâm, chịu khó đọc kĩ bài viết, để có được một cách đánh giá đúng đắn nhất, để định hướng cho việc dạy và học môn Ngữ văn trở nên thực chất và có hiệu quả hơn. Bởi lẽ, văn không chỉ là những những con chữ đơn thuần, là sự “véo von”, mà nó còn là chính cuộc sống.

  • Trần Hinh (Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân Văn, ĐHQG Hà Nội)