- Một cô gái Hà Nội vừa hoàn thành công trình nghiên cứu độc đáo về hệ thống trường Pháp tại Việt Nam giai đoạn hậu thuộc địa. Trong dịp giới thiệu một phần nội dung nghiên cứu này tại Việt Nam hồi đầu tháng 7, VietNamNet đã có dịp trò chuyện cùng cô, TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương (1980), hiện là giảng viên Trường ĐH Paris Descartes.


{keywords}
TS Nguyễn Thụy Phương thuyết trình "Trường Pháp tại Việt Nam giai đoạn hậu thuộc địa: Một công cụ ngoại giao văn hóa mới" tại thư viện Trung tâm Văn hóa Pháp.

Những con người mang"tinh thần Descartes"

Một cách ngắn gọn, chị có thể cho biết trường Pháp tại VN trong giai đoạn hậu thuộc địa đã có vai trò như thế nào với sự phát triển của giáo dục Việt Nam?

TS Nguyễn Thụy Phương:Trước hết, trường Pháp tại VN trong giai đoạn 1945-1975 phát triển chủ yếu ở miền Trung và Nam VN như các trường Marie Curie, Jean Jacques Rousseau, trường Bác Ái ở Sài Gòn, Yersin ở Đà Lạt, Blaise Pascal ở Đà Nẵng... Ở miền Bắc, chỉ tồn tại duy nhất một trường trung học Albert Sarraut trong 10 năm 1955 - 1965.

Có thể coi đây như một hệ thống trường ngoại quốc tồn tại song song với hệ thống giáo dục quốc gia VN dưới thời Nhà nước VN của Bảo Đại (1949-1955) và VN Cộng hòa (1955-1975).

Vì vậy, vai trò của hệ thống này chủ yếu là tiếp tục đào tạo ra những thế hệ người trẻ Việt, thuộc giới tinh hoa trí thức, mang ảnh hưởng của văn hóa và giáo dục Pháp. Trường Pháp giai đoạn này không có ảnh hưởng trực tiếp đến nền giáo dục VN, nếu có chăng, thì là gián tiếp thông qua giới tinh hoa này.

Có phải những gia đìnhthượng lưu mới được học ở các trường này?

Trong suốt 30 tồn tại ở Việt Nam, trường Pháp luôn là một môi trường học đường đa văn hóa vì nguồn gốc xuất thân và gia đình của các học sinh rất phong phú: Việt, Pháp, lai Pháp-Việt, Việt-Hoa, Pháp-Hoa, dân miền thượng, dân miền xuôi, người Lào, Campuchia, Thái Lan...

Từ 1948 đến 1958 vì còn miễn học phí nên môi trường này còn pha trộn các giai tầng xã hội. Nhưng kể từ sau 1958, trường Pháp dần trở thành trường cho “thiểu số con nhà giàu”. Từ 1946 đến 1975, mỗi năm có khoảng từ 5.000 đến 10.000 gia đình cho con theo học (tính tổng cộng các cấp học).

Trong 30 năm, có khoảng 100.000 học sinh Việt Nam theo học trọn vẹn hoặc một phần 12 năm đèn sách ở trường Pháp.

Ngay từ đầu thập niên 50, trường Pháp đã là “nạn nhân” cho chính sự thành công của mình vì sỹ số tăng liên tục mà cơ sở vật chất không đủ đáp ứng để tiếp nhận mọi đơn xin học nên ngay từ lúc đó đã manh nha hiện tượng đút lót và sang thập niên 60 thì hối lộ đã trở thành một “kỹ nghệ”.

Ngoài những tư liệu văn thư lưu trữ quý giá mà chị có điều kiện tiếp cận ở Pháp, Mỹ và Việt Nam, còn có một mảng "tài liệu" nghiên cứu khá lớn là những nhân chứng sống - các học sinh trường Pháp. Chị đã tiếp cận với "nguồn tư liệu sống" này ra sao?

Khởi đầu là tôi thông qua các hội cựu học sinh các trường trung học Pháp, rồi từ đó, thông qua từng con người cụ thể, các bác “truyền miệng” giới thiệu tôi với những bạn học cũ. Những con người ấy, đặc biệt là giáo viên trường Pháp những năm 50 - 60 hầu hết đã lớn tuổi, trẻ nhất là tầm ngoài 60 và cao tuổi nhất là 95-96 tuổi.

Bởi vậy, trong quá trình liên lạc, hễ ai "bật đèn xanh"cho gặp gỡ, thu thập thông tin và đối thoại là tôi lập tức thực hiện ngay, đến gặp trực tiếp, viết thư điện tử hay gọi điện.

Với tôi, mỗi cuộc gặp gỡ phỏng vấn lấy tư liệu là cuộc phiêu lưu. Tôi như được quay trở về với quá khứ của đất nước thông qua số phận những mảnh đời, như đang được đối thoại với một phần lịch sử của dân tộc. Mỗi con người là một thân phận khác nhau. Có gặp gỡ - đối thoại và tìm hiểu thì mới biết họ là ai, và ngược lại "mình là ai' trong mắt họ.

Điều đó phụ thuộc vào lập trường chính trị của họ, vào hoàn cảnh họ rời Việt Nam ra sao, vào việc họ đã từng quay trở về cố quốc hay chưa thì tôi mới hiểu Việt Nam là gì trong suy nghĩ của họ và mới biết tôi là ai trong mắt họ.

Có những bác sống ở nước ngoài đã 40 năm, rất hiếm khi gặp người Việt, nên khi gặp, các bác thích lắm, trò chuyện tới 4 - 5 giờ đồng hồ, và có thiện cảm với mình như là “đại diện của tương lai Việt Nam” vậy.

Nhưng cũng có những người, chẳng hạn bị rời Việt Nam trong những hoàn cảnh bi kịch hay bất đắc dĩ - khi được giới thiệu - cũng bày tỏ thái độ không muốn gặp, bởi "nói giọngBắc à, người miền Bắc à, chắc là cộng sản rồi, thế thì không tiếp".

Có những bác, khi tiếp xúc rồi thì thể hiện sự hoài nghi "liệu có thế lực nào đứng sau để đốc thúc việc nghiên cứu này" (cười).

Những giá trị mà học sinh trường Pháp thu nhận được từ nền giáo dục này là gì?

Họ mô tả hệ thống trường Pháp và quãng đời học sinh của mình là một thành công đích thực mặc cho sóng gió của đường đời và số phận của gia đình.

Nhà trường Pháp đem lại cho họ tinh thần nhân văn, tự do tư tưởng, tinh thần phê phán, phán xét độc lập và một “tinh thần Descartes- nghĩa là khả năng tư duy và lập luận có phương pháp, rành mạch và lý tính.

Họ đồng loạt đánh giá vai trò tích cực của nhà trường Pháp.

Họ công nhận môi trường giáo dục đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách và sự thành công trong cuộc sống cũng như sự nghiệp sau này, mà thành công đây chính là khả năng thích nghi trong cuộc sống và vượt qua được sóng gió cuộc đời.

Nhà trường Pháp đem lại cho họ tinh thần nhân văn, tự do tư tưởng, tinh thần phê phán, phán xét độc lập và một “tinh thần Descartes- nghĩa là khả năng tư duy và lập luận có phương pháp, rành mạch và lý tính.

Trong số những cựu học sinh, có những người trở thành người có danh tiếng hay uy tín trong xã hội như Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, bà Tôn NữThị Ninh, bà Bùi Trân Phượng Henrik de Danemark, Hoàng thân Đan Mạch...

{keywords}

Những nhân chứng cho biết, nhà trường Pháp đem lại cho họ tinh thần nhân văn, tự do tư tưởng, tinh thần phê phán, phán xét độc lập và một “tinh thần Descartes” 

Trong lời mở đầu luận án, chị giới thiệu hai điểm nhìn trong công trình nghiên cứu của mình. Đó là"nhìn từ trên cao" và "nhìn từ dưới". Những điểm nhìn này mang đến cho chị bất ngờ gì?

Qủa thực, chúng ta không thể thu gọn một hệ thống giáo dục vào các trường học, những tư tưởng hay toan tính chính trị. Điểm "nhìn từ trên cao" là điểm nhìn của những người thiết lập, quản lý hay kiểm soát hệ thống giáo dục. Điểm "nhìn từ phía dưới” là những trải nghiệm của chính những người đi dạy và đi học, làm nên đời sống học đường.

Nếu chúng ta nghiên cứu về lịch sử giáo dục mà nghiên cứu được cả hai mảng này thì mới đích thực là lịch sử giáo dục của một quốc gia. Thông qua hồi ức của các cựu học sinh và giáo viên, chúng tôi muốn làm nổi bật một lịch sử dòng thứ, nghĩa là một lịch sử xã hội và nhân tình, như một dòng chảy ngầm đối trọng và song hành với lịch sử chính thống trong văn thư.

Nếu như ở trong các tài liệu chính thống, người Pháp nhìn nhận hệ thống trường Pháp là sự thất bại của họ, thể hiện thái độ bất mãn, thất vọng rõ ràng, thì ở "lịch sử hồi ức" của các cựu học sinh, trường Pháp lại là một thành công.

Như thế để thấy mối quan hệ mang tính tương trợ và bổ sung giữa lịch sử và hồi ức là quan trọng và đáng trân trọng như thế nào để hiểu vềquá khứ.

Cẩn trọng du nhập mô hình toàn cầu hóa

Giáo dục hiện đại VN được hình thành trong chế độ đô hộ của Pháp và ảnh hưởng của nó còn để lại cho đến tận bây giờ. Hiện nay ở VN đang có xu hướng, gia đình đưa con ra Mỹ học; còn trong đời sống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học hiện nay, khi đề cập tới các giá trị tiến bộ của giáo dục, những giá trị Mỹ được nhắc tới nhiều. Theo chị thì có cuộc giằng co nào giữa “ảnh hưởng Pháp và “ảnh hưởng Mỹ” trong giáo dục Việt Nam hiện tại?

Theo quan sát của tôi, ở Việt Nam hiện nay không có sự tranh giành ảnh hưởng giữa 2 nền giáo dục Pháp và Mỹ vì giáo dục Pháp gần như không có ảnh hưởng trực tiếp nào nữa đến Việt Nam kể từ 1975 đến nay.

Tuy nhiên, nếu có cái nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử giáo dục Việt Nam, chí ít là trong thế kỷ XX, chúng ta nhận thấy, đa phần người Việt đi học cốt để làm quan (thời phong kiến), để làm công chức (thời hiện đại), chứ không chuộng đi học nghề trở thành thợ hay kỹ sư.

Thời Pháp thuộc, quan chức thuộc địa kêu ca dân Việt chỉ thích đi làm công chức, “chen chân lấy chỗ” của các ông Tây tại các công sở.

Tại miền Nam, dưới chế độ cộng hòa, các chuyên gia Mỹ than rằng người Việt, bị ảnh hưởng nặng nề từ giáo dục kiểu Pháp, chuộng bằng cấp, lối học từ chương, mà không chú trọng đến học thực hành và học thực dụng.

Và đến ngày nay, thời đại của chúng ta thì hàng năm, các “sỹ tử” vẫn đổ xô vào các cánh cổng đại học mà ít vào trường dạy nghề.

{keywords}

TS Nguyễn Thụy Phương: "Xu hướng hiện nay trên thế giới là các nền giáo dục quốc gia đều có nhu cầu học hỏi lẫn nhau trong cái nhìn so sánh, tương tác".


Về mặt học thuật, đây là điều thú vị trên phương diện lịch sử giáo dục hay đặc tính tập thể. Nhưng nhìn từ phát triển xã hội thì đây là vấn đề cần được cải thiện và điều tiết để có sự phát triển cân bằng ngành nghề, nhân công lao động và xa hơn là nhân lực của một quốc gia.

Còn mô hình giáo dục ngoại quốc đang được ưa chuộng ở VN hiện nay cũng không hẳn là mô hình đặc thù Mỹ.

Trong giới chuyên môn nghiên cứu giáo dục học, chúng tôi thường gọi đây là mô hình giáo dục toàn cầu hóa, nó xuất phát từ các nước thuộc khối Anglosaxon và tạo ảnh hưởng lớn đến nhiều nền giáo dục quốc gia khác trong đó có Việt Nam.

Điều mà các nhà quản lý giáo dục tại các quốc gia nên cẩn trọng trong việc du nhập mô hình toàn cầu hóa là phải lưu tâm đến truyền thống giáo dục, đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị của quốc gia mình trong hiện tại.

Điều mà các nhà quản lý giáo dục tại các quốc gia nên cẩn trọng trong việc du nhập mô hình toàn cầu hóa là phải lưu tâm đến truyền thống giáo dục, đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị của quốc gia mình trong hiện tại.

Xu hướng hiện nay trên thế giới là các nền giáo dục quốc gia đều có nhu cầu học hỏi lẫn nhau trong cái nhìn so sánh, tương tác.

Đơn cử, trung tuần tháng 6 vừa rồi, lần đầu tiên, Pháp tổchức một hội thảo quốc tế “Giáo dục tại Á châu năm 2014: Đâu là những thách thức mang tầm quốc tế ?” với sự tham dựcủa 120 chuyên gia giáo dục học so sánh quốc tế.

Khi tham gia hội thảo này, chúng tôi nhận thấy giáo dục châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, quả thực đang đứng trước những thách thức to lớn; đồng thời cũng hé mở những cơ hội hợp tác giữa các nền giáo dục Âu – Á.

Nghiên cứu của chị cónhững đề xuất gì để tham gia vào đòi hỏi thay đổi hiện trạng giáo dục?

Nếu tôi được tham gia vào việc cải cách hiện trạng giáo dục thì đó là phân tích và nhận định tiến trình lịch sử của nền giáo dục Việt Nam.

Thao tác đầu tiên này sẽ giúp chúng ta hiểu xem trong quá khứ chúng ta đã làm được và chưa được những gì, quá khứ đó đã để lại hệ quả hay hậu quả ra sao.

Một cách cụ thể hơn, tôi muốn tìm một lời giải đáp rằng liệu có một nguyên do mang tính lịch sử nào khiến cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay lại rơi vào khủng hoảng và kéo dài.

Chỉ riêng trong thế kỷ XX, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều học thuyết tư tưởng, ảnh hưởng văn hóa và mô hình giáo dục ngoại quốc: Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và gần đây là toàn cầu hóa.

Sự khủng hoảng ngày nay là hệ quả của sự du nhập đó hay là do sự cập kênh giữa "định hướng xã hội chủ nghĩa" và "kinh tế thị trường" cùng với những biến đổi và mẫu thuẫn xã hội từ thời đổi mới đến nay?

Bằng cách tiếp cận lịch sử xã hội về giáo dục, tôi muốn tìm hiểu sự tiếp nhận các mô hình ngoại quốc, sự ảnh hưởng tác động của chúng trong lịch sử giáo dục Việt Nam và mối tương tác giữa Việt Nam và các quốc gia đó.

Đây là cái nhìn tổng quát về mục đích nghiên cứu còn trên thực tế, tôi phải tiến hành từng bước bằng những công trình nghiên cứu hết sức cụ thể.

Xin chân thành cảm ơnchị!

Hạ Anh (Thực hiện)