- Ủng hộ chủ trương một kỳ thi quốc gia vào năm 2015 nhưng TS Giáp Văn Dương - người xây dựng cổng giáo dục trực tuyến Giapschool cho rằng cần tiến hành khảo sát cũng như xác định mục tiêu rõ ràng trước khi thực hiện.

{keywords}

TS Giáp Văn Dương. (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Lo ngại nhất vẫn là sự nghiêm túc của kỳ thi

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu và thực hiện 1 kỳ thi quốc gia. Nếu công tác chuẩn bị kịp và nhận được đồng thuận từ cơ sở thì năm 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi làm cơ sở xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Ông có đồng ý với chủ trương này? Theo ông chủ trương này dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học nào không?

- TS Giáp Văn Dương: Hãy nhìn thẳng vào vấn đề nào: Chúng ta có hai kỳ thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ đỗ năm nào cũng gần 100%. Còn kỳ thi đại học thì tỷ lệ đỗ khoảng 55 %, tính dựa trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và số học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm. Kỳ thi đầu thì có cũng như không, vì ai thi cũng đỗ, và luôn bị mang tiếng là thiếu nghiêm túc. Kỳ thi sau thì cạnh tranh khốc liệt để vào trường tốt, tổ chức nghiêm túc.

Tính chất của hai kỳ thi này khác hẳn nhau? Vậy có nên gộp, và gộp thế nào, là câu hỏi rất nhức đầu.

Về đại thể, tôi ủng hộ việc gộp hai kỳ thi này làm một. Cách đây khoảng một tháng, trong một bình luận trên VTV, tôi có nói đến điều này, nhân việc kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả gần 100%. Phần lớn các nước Âu Mỹ cũng chỉ có một kỳ thi như vậy. Cho nên, vấn đề không phải là làm hay không, mà làm như thế nào để đảm bảo được sự nghiêm túc và đạt được mục tiêu mong đợi.

Còn chủ trương này có dựa trên nghiên cứu khoa học nào không thì tôi không rõ. Tôi chưa được đọc báo cáo nghiên cứu nào về vấn đề này ở Việt Nam. Nhưng ở đây có một chi tiết cần thống nhất: nghiên cứu khoa học là để tìm tri thức mới. Còn việc gộp hai kỳ thi này là chuyện thiết kế và thực thi chính sách, chứ không phải là nghiên cứu khoa học. Vì thế, điều cần làm là tiến hành một khảo sát xã hội học, xem mức độ sẵn sàng của các trường phổ thông và đại học, và tham khảo cách tổ chức một kỳ thi tương tự của các nước, trước khi triển khai.

Tất cả những khâu cải tiến, đổi mới để sang 2015 triển khai chỉ còn thời gian gần 1 năm nữa liệu có quá gấp? Nếu không thì phải cần mấy năm cho khâu chuẩn bị: từ thay đổi cách dạy, học, đổi mới đánh giá... đến chuẩn bị ngân hàng đề thi cho kỳ thi quốc gia?

- Đúng là có hơi gấp. Lý tưởng nhất là thời gian chuẩn bị khoảng 3 năm, để các em học sinh khi vào lớp 10 thì biết mình sẽ thi theo hình thức nào. Tuy nhiên, thi cử vốn dĩ là hoạt đông quen thuộc trong nhà trường, nên nếu muốn thì vẫn có thể thực hiện được.

Bản chất của hai kỳ thi này khác nhau, nay gộp lại chắc chắn có nhiều điểm khục khặc trong khâu chuẩn bị. Nhưng đó không phải là điều đáng lo nhất.

Điều đáng lo ngại nhất, đó là liệu có tổ chức được một kỳ thi thực sự nghiêm túc hay không. Kỳ thi này nhiều khả năng sẽ tổ chức ở các trường THPT như kỳ thi tốt nghiệp, nên chuyện gian lận thi cử rất khó kiểm soát. Ngoài ra, bệnh thành tích, địa phương cục bộ, cũng là vấn đề cần lường trước, khi các trường, các tỉnh đều muốn con em mình có kết quả cao để vào đại học.

{keywords}

TS Giáp Văn Dương. (Ảnh: Quý Hiên/Tiền Phong).

Tiến tới một kỳ thi chung, Bộ GD-ĐT đề xuất thi 8 môn trong 4 ngày. Thí sinh bắt buộc phải thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc 2 môn tự chọn. Ngoài ra, thí sinh nào có nguyện vọng thi thêm môn nào nữa thì có thể đăng ký thi thêm để phù hợp với nhu cầu được xét tuyển ĐH. Ông đánh giá như thế nào về phương án bộ đưa ra?

- Tôi đồ rằng phương án này là sự tiếp nối của phương án năm nay, thi 4 môn trong đó có 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn. Còn 4 môn bổ sung thêm sau này chỉ phục vụ cho việc xét tuyển đại học. Phương án này đặt trên sự thuận tiện của Bộ, chứ không phải là phương án tối ưu.

Cách thi 8 môn này vừa cồng kềnh, mà về bản chất cũng không khác so với việc thi cử hiện giờ, tức vẫn thi theo từng môn học. Nếu đã thực sự muốn đổi mới thi cử, thì phải đổi mới cả nội dung và cách thức thi. Muốn vậy, cần phải trả lời một câu hỏi rất cơ bản, đó là: Thi để làm gì?

Thi cử ở đâu cũng chỉ có mấy nhiệm vụ sau: Thi để đánh giá việc dạy và việc học, từ đó cải thiện chất lượng giáo dục; Thi để cấp chứng chỉ xác nhận người học đã hoàn thành chương trình và đạt một yêu cầu xác định nào đó; Thi để phân loại, để chọn người giỏi.

Vậy kỳ thi gộp chung này có mục đích để làm gì?

Nếu thi để đánh giá chất lượng dạy và học thì nên dành cho các kỳ thi cuối kỳ, cuối năm trong quá trình học, vì chỉ như thế nó mới có tác dụng cải thiện việc dạy và học. Còn thi để cấp chứng chỉ như kỳ thi tốt nghiệp THPT đang làm thì không cần thiết phải thi, chỉ cần cấp giấy xác nhận đã học hết bậc THPT là xong. Vậy nên, kỳ thi gộp chung này cần hướng đến việc xác định người giỏi. Mà như thế phải xác định trước tỷ lệ đỗ sẽ tương đối thấp, khoảng 70-75%, thì mới có ý nghĩa.

Nếu đã xác định như thế thì nội dung thi nên xây dựng theo ban, vì một trong những tiêu chí của người giỏi là phải biết kết nối và phối hợp sử dụng kiến thức từ nhiều môn khác nhau. Các ban đó có thể là: Toán-tư duy logic, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Ngoại ngữ.

Căn cứ trên nhu cầu của mình, các trường sẽ chọn thí sinh dựa trên điểm của 2-3 ban chẳng hạn, với hệ số khác nhau.  Cách thi theo kiểu tích hợp nội dung này sẽ tránh được cách học tủ, học vẹt, và thực sự phân loại được người giỏi và người kém.

{keywords}

Thí sinh trong kỳ thi ĐH 2014. (Ảnh: Văn Chung).

Giảm cồng kềnh, tốn kém

Kinh nghiệm của các nước trong việc đổi mới thi cử, Việt Nam nên học theo mô hình nào và nên đi theo lộ trình cụ thể thế nào để tránh tâm lý đổi mới đột ngột đến những người thực thi, thưa ông?

- Với cách tổ chức hệ thống giáo dục hiện giờ, có thi tốt nghiệp và có thi đại học theo khối, tôi cho rằng Việt Nam nên học theo mô hình của Anh, tức là tổ chức kỳ thi tương tự như kỳ thi A-level của họ.

Thực tế, trước đây Việt Nam cũng đã có một kỳ thi có tính chất gần tương tự, đó là kỳ thi Tú tài. Vậy nếu bây giờ quay trở lại kỳ thi tú tài này thì cũng không gây sốc cho xã hội nhiều.

Nếu tiến hành 1 kỳ thi chung như vậy liệu có giảm tốn kém, cồng kềnh cho đất nước và người dân không, thưa ông?

Tất nhiên là sẽ giảm được tốn kém hơn so với tổ chức hai kỳ thi riêng, đặc biệt là về thời gian. Mà thời gian là nguồn lực, nên tiết kiệm được thời gian cũng là tiết kiệm được nguồn lực cho xã hội.

Một cái được nữa là sẽ giảm được nhiều giả dối trong học đường do kỳ thi tốt nghiệp THPT mang lại. Đây là kỳ thi lớn đầu đời của các em, mà thi cũng như không, tiêu cực tràn lan như vậy, thì tác dụng giáo dục rất thấp.

Xác định rõ mục đích trước khi làm

Cũng nhiều ý kiến phân tích, với cách thi như hiện nay thì gộp vào sẽ giảm tốn kém cho xã hội. Ý kiến này đứng về người học xem ra có lợi trước mắt nhưng hậu quả khó cân đo đong đếm được. Mà nếu thực hiện vội vàng việc đổi mới sẽ không như mong muốn và càng thêm rối. Vậy một lộ trình đổi mới khoa học phải bắt đầu như thế nào thưa ông?

- Giáo dục đang ở trạng thái vỡ trận, càng để càng rối, nên những cải cách cơ bản như cải cách trong thi cử là cần thiết. Vấn đề là làm thế nào để không phản tác dụng.

Còn về lộ trình phải bắt đầu từ đâu ư? Tôi nghĩ tốt nhất là bắt đầu từ việc làm rõ những người làm giáo dục thực sự muốn gì ở kỳ thi này? Điều đó cũng có nghĩa, mục đích của kỳ thi phải làm rõ trước hết, để giáo viên và học sinh, và rộng hơn là cả xã hội, hiểu và ủng hộ.

Nếu muốn đó là kỳ thi để cấp chứng chỉ cho xong thì không nên tiến hành, vì như vậy chẳng để làm gì cả. Thay vì tổ chức thi, chỉ cần cấp chứng chỉ xác nhận là xong. Vì vậy, phải xác định rõ, đây là kỳ thi phân loại học sinh, nên tỷ lệ đỗ sẽ bị khống chế thấp hơn nhiều so với mức hiện thời.

Tên gọi của kỳ thi cũng được xác định mới để tương ứng với cách mới, thay vì các tên gọi cũ, chẳng hạn, có thể gọi đó là kỳ thi Tú tài.

Ông có đề xuất gì về cách tổ chức thi theo chỉ đạo này?

- Tôi đề nghị khi học xong lớp 12, sở giáo dục sẽ cấp giấy chứng nhận đã học xong bậc THPT cho các em học sinh để giải quyết tâm lý học 12 năm mà tay trắng. Đây chỉ là giấy chứng nhận, không phải bằng cấp. Sau đó, các em sẽ bước vào một kỳ thi Tú tài được tổ chức nghiêm túc như thi đại học. Đề thi của kỳ thi Tú tài này được ra theo từng ban, theo hướng tích hợp nội dung của nhiều môn học khác nhau.

Tỷ lệ đỗ được khống chế cứng, chẳng hạn: Lần thi thứ nhất lấy đỗ 50%, trong đó 10% đầu tiên được xếp hạng ưu, 10% tiếp theo hạng giỏi, 10% tiếp theo hạng khá, 20% còn lại là hạng trung bình. Sau đó 2-3 tháng thì tổ chức kỳ thi lần 2 cho các em thi trượt lần 1. Lần này cũng khống chế tỷ lệ đỗ là 50%, tất cả đều xếp loại trung bình. Như vậy, tổng cộng của hai kỳ thi, tỷ lệ đỗ tối đa chỉ là 75%.

Các trường đại học sẽ tuyển sinh dựa trên kết quả thi Tú tài của các em. Nếu cần thiết, trường sẽ tổ chức thi tuyển riêng theo đặc thù của mình. Đây là việc của trường, Bộ GD-ĐT không nên can thiệp. Những em nào trượt Tú tài, vẫn có thể vào học nghể sau khi đã có giấy chứng nhận học xong bậc THPT.

- Xin cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)