- Ngoài hơn một mẫu ruộng làm thêm, những ngày nông nhàn cô Công đi phụ hồ, chú Hà đi thợ xây để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Tin con trai đỗ thủ khoa Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải HN khiến gia đình khá bất ngờ.

Ngày 18/7, Trường Đại học Công nghệ GTVT chính thức công bố điểm thi của thí sinh thi đại học. Thủ khoa của trường là thí sinh Nguyễn Văn Sơn (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) dự thi ngành Công nghệ kỹ thuật Giao thông, đạt tổng điểm 3 môn là 24 điểm.

{keywords}
Nguyễn Văn Sơn chụp chung với bạn cùng lớp (Ảnh: NVCC)

Cô Vũ Hải Yến, GV chủ nhiệm lớp 12A3, Trường THPT Ứng Hòa, Hà Nội khá bất ngờ khi hay tin học trò Nguyễn Văn Sơn là thủ khoa của trường.

“Ở lớp Sơn là học sinh tiên tiến, không có gì nổi trội nhiều. Điểm số 24 so với các bạn trong lớp có thể cũng không quá cao. Tuy nhiên việc em đã biết lựa chọn trường vừa với sức học và định hướng công việc sau này nên cô rất vui” – cô Yến cho biết.

Cô Yến cũng bật mí: “Sơn có sự cố gắng vượt bậc ở thời gian học lớp 12. Trước đó môn toán do cô dạy, Sơn viết chữ rất xấu, trình bày kém nhưng càng về cuối năm em càng nỗ lực nên thường xuyên được cô khen”.

Còn chàng trai thủ khoa cũng thật thà: “Thi về em nghĩ mình chỉ được 21 điểm hoặc 22 điểm. Em chỉ chọn trường và chọn ngành này để thi đại học. Ngoài ra không thi thêm trường nào khác. Với sức học của mình, em tự tin khả năng đỗ đại học cao. Hơn nữa khi ra trường những ngày nghề kỹ thuật cơ hội kiếm việc làm sẽ không quá khó khăn”.

Gia đình làm nông nghiệp nên từ nhỏ Sơn đã quen với công việc đồng áng. Bố mẹ em ngoài 6 sào ruộng của nhà còn mướn thêm 6 sào nữa để cày cấy.

{keywords}
Nguyễn Văn Sơn (hàng đứng, ngoài cùng bên phải) và tập thể lớp 12A3, Trường THPT Ứng Hòa A, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Mùa hè hay những ngày được nghỉ học Sơn lại tranh thủ giúp đỡ bố mẹ. Từ cấy, gặt, tát nước, chăn bò,.. việc đồng áng nào Sơn cũng thạo. Những ngày thi đại học xong Sơn lại phụ giúp gia đình lo cắt lúa.

Mẹ Sơn, cô Nguyễn Thị Công chia sẻ: “Ở nhà em học rất tự giác. Nhiều khi thấy con học quá khuya, bố mẹ phải nhắc nhở con đi ngủ sớm để giữ sức khỏe”.

Kể về cậu con trai cả trong nhà, cô Công nhớ lại kỉ niệm hồi con học tiểu học. “Khi đó cháu học hết lớp 1, được nghỉ hè. Thấy con chăm chỉ suốt trong năm nên cô không yêu cầu con ôn bài. Thế là Sơn quên hết cả mặt chữ cái, hỏi không viết được. Mẹ phải động viên đi học 2 tháng hè. May là sau đó Sơn theo được và sang lớp 2 vẫn học tốt”.

Cũng theo cô Công: “Hồi nhỏ Sơn đi học gần như tháng nào cũng ốm, người thì gầy. Lớn hơn chút không còn ốm nữa nhưng vóc dáng thì vẫn vậy”.

Dưới Sơn còn một em gái hiện đang học lớp 10. Sơn kiêm luôn thầy dạy kèm khi em cần giúp đỡ. Những ngày bố mẹ đi làm phụ hồ và thợ xây ở công trường, Sơn đi học về lại nấu cơm và đôn đốc em học bài.

Hòa đồng với bạn bè nhưng cậu bạn cũng tự nhận xét mình là người nói nhiều, thầy cô hay phải nhắc nhở vì tội “tám” trên lớp.

Về phương pháp học Sơn cho biết mỗi ngày bạn dành từ 3-4 tiếng đọc bài cũ và làm bài tập; 1 tiếng cuối đọc lý thuyết để hệ thống lại kiến thức cũng như giúp đầu óc thư thái, nhớ lâu hơn.

Gần tới kỳ thi cường độ học của Sơn giảm xuống còn 2-3 tiếng rồi dừng hẳn để đi chơi, tán gẫu với bạn bè cho tâm lý thoải mái.

Tới đây khi ra trung tâm thủ đô ăn học, Sơn dự tính có thể sẽ kiếm một công việc làm thêm phụ giúp bố mẹ.

  • Phong Đăng