- Một triển lãm nghệ thuật sắp đặt do nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly thực hiện với sự cộng tác của giáo sư Ngô Bảo Châu vừa khai mạc tối 21/7. Tên gọi của triển lãm được gợi cảm hứng từ "Phẳng Chung Thủy" (Faithfully Flat), một thuật ngữ hay được nhắc đến trong bài giảng AffineGrassmannian của GS Ngô Bảo Châu.

Ý tưởng "ngôn ngữ bị biến lệch"

Đây là giai đoạn 1 của dự án "Phẳng Chung Thủy"(tỷ lệ 1: 30).

Tại buổi khai mạc, họa sĩ Ly Hoàng Ly đã giới thiệu ngắn gọn về ý tưởng của tác phẩm đặc biệt này.

Khi được hỏi có cách nào thị giác hóa thuật ngữ "Phẳng Chung Thủy" theo ngôn ngữ thông thường, GS Ngô Bảo Châu đáp: "Nếu một cái đinh ốc là một cái chốt có ren để gắn giữ các vật vào nhau, thì phẳng chung thủy có thể được hình dung như một cái đinh ốc gắn giữ nguồn gốc của những dạng toán đã được biến đổi".

{keywords}
Quang cảnh triển lãm sắp đặt tối khai mạc, 21/7. Ảnh: Lê Phong

Dự án "khởi lên từ nỗi ám ảnh kéo dài của nữ nghệ sĩ về hình dạng của các biến lệch trong ngôn ngữ và không gian ý niệm được khơi mởtrong vòng những diễn dịch khác nhau".

"Tôi hình dung những biến lệch, khoảng hổng và dịch chuyển này của ngôn ngữ được thành hình trong một thế giới nơi các ngôn ngữ được diễn dịch theo những cách khác nhau, nơi mọi người lạc mất nhau và lạc mất bản thân mình, nơi mọi mảnh xé rời của những nền văn hóa, lịch sử khác nhau và tri thức của nhân loại được dán ghép" - Ly Hoàng Ly cho biết.

"Phẳng Chung Thủy" do vậy, có thể được hiểu như"địa điểm ảo" chứa đựng bộ mã then chốt giải mã mọi kiểu ngôn ngữ.


{keywords}
Một hình ảnh tại cuộc sắp đặt

Quá trình phôi thai tác phẩm

Từ ngày 9/1 đến ngày 13/3/2014, trong các lớp học Affine Grassmannian của GS Ngô Bảo Châu cùng với 15 sinh viên, Ly Hoàng Ly đã "ghi" lại ngôn ngữ của toán học cao cấp theo cách của một nghệ sĩ thị giác. Những buổi ký họa này diễn ra 2 ngày mỗi tuần, kéo dài 1 giờ 50 phút mỗi ngày.

"Tôi trở thành một người ký họa không hiểu gì, chỉ đơn giản chép lên sổ vẽ tất cả ngôn ngữ toán và các hình ảnh mà GS Châu viết lên bảng đen để giải thích, chứng minh Bổ đề cơ bản của ông cho sinh viên. Nghệ sĩ đã hấp thụ mọi từ ngữ ghi trên bảng đen, đặt điểm nhấn vào sản phẩm hoặc hậu quả được tạo ra từ các buổi biểu diễn, khi lần theo "một thứ ngôn ngữ xa lạ với mình" - Ly Hoàng Ly cho biết.

GS Châu được mời tương tác trong giai đoạn một bằng việc đặt từng trang giấy can lên các bản vẽ của họa sĩ. Ông tìm cách lấp đầy những khoảng hổng được tạo ra bởi sự diễn dịch sai. Trong nỗ lực chỉnh lại các bức ký họa, nhiều lúc ông cũng hoang mang không hiểu người trình diễn viết vẽ gì, và kết quả là ông vẽ một mặt cười hay dấu hỏi chồng lên hình ảnh khó hiểu.

"Với nghệ sĩ, nhà toán học đã sáng tạo nên một hình thức thơ cụ thể với tinh thần trừu tượng" - Ly Hoàng Ly cho biết.

Những phác họa của nghệ sĩ và những sửa chữa của nhà toán học được gửi cho thợ thêu. Các thợ thêu lại một lần nữa sáng tạo theo ngôn ngữ của mình: Họ lần theo các đường nét và thêu lần lượt bằng chỉ bạc và đen lên lụa mỏng. Ở quá trình thứ ba này, hình ảnh thị giác và ngôn ngữ lại một lần nữa bị biến đổi.

Ly Hoàng Ly cho biết, "phải là một người rất hiểu và yêu nghệ thuật, GS Ngô Bảo Châu mới dám táo bạo để họa sĩ thay đổi sự sắp đặt của không gian Viện Toán Nghiên cứu cao cấp theo cách tối ưu nhất cho việc sắp đặt tác phẩm".

Triển lãm mở cửa trong giờ làm việc, tại Viện Nghiên cứu Toán cao cấp và kết thúc vào ngày 6/8.

{keywords}

Sách của các họa sỹ trong bộ sưu tập của Joan Flasch Artists'BookCollection

Cùng với "tác phẩm đặc biệt" này, triển lãm còn bao gồm sách của các họa sỹ trong bộ sưu tập của Joan Flasch Artists'BookCollection, SAIC, Chicago. Đáng chú ý, có ấn bản cuốn Codex Seraphinianus, một "bách khoa toàn thư vẽ tay" với nhiều hình ảnh phong phú.

Ly Hoàng Ly sinh năm 1975 tại Hà Nội, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 1999;  năm 2013 nhận học bổngFulbright cho khóa thạc sĩ nghệ thuật tại Học viện Nghệ thuật Chicago. Chị là tác giả của nhiều triển lãm và trình diễn sắp đặt trưng bày trong và ngoài nước. Chị còn được biết tới với các tập thơ "Cỏ Trắng" , "Lô Lô".

  • Hạ Anh