- Ngõ xóm chợ, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) những ngày này người ra vào tấp nập. Tin hai cậu học trò nghèo cạnh nhà nhau, cùng lớp 12A1 Trường THPT Yên Lãng đỗ thủ khoa 2 trường khiến ai cũng phấn khởi.
Nhà của Kiều Văn Bắc (thủ khoa Trường ĐH Giao thông vận tải HN với 26,75 điểm, khối A) và Trịnh Văn Chiến (thủ khoa khối A Trường ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) nằm cuối con ngõ nhỏ, sâu hun hút.
Cô Kiều Thị Lệ Thủy, giáo viên dạy toán cũng là chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội) vừa dẫn tôi đi đến nhà hai học trò của mình vừa tâm sự: “Không chỉ học giỏi học trò của mình còn là những tấm gương vượt khó cho bạn bè trong lớp”.
1.Gia đình nhà Bắc ở trước gia đình nhà Chiến. Chúng tôi vào nhà Bắc khi trời gần buổi trưa. Nắng chói chang. Bắc đang phơi lúa và cho lợn ăn giúp mẹ. Được cô giáo báo trước có người đến chơi, bà Nguyễn Thị Biên (sinh năm 1967) mới lật đật đi mượn hàng xóm 2 chiếc quạt điện để khách ngồi khỏi nóng.
Kiều Văn Bắc chụp chung với mẹ, bà Nguyễn Thị Biên. (Ảnh: Văn Chung). |
Ngày thường hai mẹ con chỉ có chiếc quạt con cóc giữa mùa hè nóng bức. Trong nhà: từ bàn uống nước, chiếc tivi màu đã cũ đến cái tủ lạnh hai mẹ con dùng đều được họ hàng thương tình mà cho.
Bắc có bố nhưng ông ở nhà vợ cả cách đó gần 1km. Hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Nhà chỉ có hơn 1 sào ruộng nên bà Biên xin làm thêm 1,5 sào ruộng của người trong làng với nuôi một con lợn nái.
Ngày nông nhàn trước bà Biên hay đi gánh gạch thuê ở các lò gạch trong làng. Nay lò gạch đóng cửa, cuộc sống hai mẹ con càng thêm lay lắt. Bữa cơm chỉ toàn rau với đậu. May mắn thì thêm chút cá, tép mua ở chợ chiều.
Bắc tự hào khoe đây là bọc giấy nháp, đề thi của em suốt 3 năm học THPT. Mẹ mấy lần bảo bán đi nhưng Bắc xin giữ lại. (Ảnh: Văn Chung) |
Bà Biên đau ốm thường xuyên, sức khỏe yếu. Bắc cũng không khá hơn mẹ bao nhiêu. Vừa qua em định thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự để nếu đỗ mẹ không phải lo tiền ăn học nhưng khi đi khám sơ tuyển ở huyện thì sức khỏe yếu, không đủ điều kiện.
Bắc học tốt khối A, chọn thi ngành Kinh tế xây dựng công trình giao thông vì công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính toán và thỏa đam mê được đi đó đây.... Nhưng trường em muốn đỗ hơn là ĐH Y Hải Phòng (khối B) để sau này có thể lo cho sức khỏe của hai mẹ con.
Bà Biên nhìn con trai, vừa mừng vừa tủi mà nước mắt ngắn dài. Con ra trung tâm thủ đô học bà cũng chưa biết những ngày sắp tới xoay đâu ra tiền lo cho con ăn học. Bắc gương mặt hiền hậu, giọng trầm ấm nói em sẽ đi tìm việc làm thêm ngay khi đi học đại học để phụ giúp mẹ.
2.Cách nhà mẹ con bà Biên 3 nóc nhà là gia đình thủ khoa khối A Trường ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) Trịnh Văn Chiến.
Trịnh Văn Chiến (thứ hai từ phải sang) chụp chung với bố mẹ và hai em trai. (Ảnh: V.Chung) |
Ngôi nhà cấp bốn mới dựng trên nền đất ao nền gạch vỡ bung nhiều chỗ, mái lợp tôn. Ngồi trong nhà mà cảm giác nóng như rang. Vậy mà ngày nào Chiến cũng “tu luyện” trên gác xép sát trần nhà còn nóng hơn thế.
Nhà chỉ có 1 sào ruộng, ruộng đồng lại quanh năm úng ngập nên vợ chồng anh Trịnh Văn Kháng phải vào tận trong miền Nam kiếm sống bằng nghề ve chai đã hơn 10 năm nay. Mỗi năm vợ chồng chỉ về nhà được 1 lần vào dịp Tết.
Góc học tập trên gác xép nóng hầm hập của Chiến (Ảnh: Văn Chung). |
Chiến được gửi sang nhà bác ruột gần đó. Lên lớp 8 Chiến cùng hai em trai: một lớp 5, một lên lớp 1 dắt nhau về nhà ở. Bố mẹ đi làm xa, gần 10 năm qua Chiến thay bố mẹ chăm hai em trai ăn học. Buổi sáng Chiến dậy sớm gọi hai em dậy đánh răng, rửa mặt và rang cơm nguội cho 3 anh em. Chiều về lại tất bật đi hái rau, mua đậu về chuẩn bị bữa tối.
Nhiều lần vì bố mẹ chưa kịp gửi tiền về cho con, Chiến và hai em phải ăn mỳ tôm đến vài ngày. Vài hôm Chiến lại sang nhà các bác, các cô xin chút thức ăn, quả trứng về cho các em.
Cô giáo Kiều Thị Lệ Thủy (đứng phía sau) chụp chung với bố mẹ em Trịnh Văn Chiến và học trò Kiều Văn Bắc. (Ảnh: Văn Chung). |
“Còn nhớ hồi đầu bọn em sợ lắm. Nhà ở cuối ngõ heo hút chẳng dám đi đâu vì sợ ma. Những buổi tối ba anh em nằm nhớ bố mẹ đến cồn cào, rồi thút thít khóc. Có lần em thứ hai ốm, đau bụng lắm. Nhà bên nội quanh đây đi vắng hết. Em phải chạy xuống nhà ngoại nhờ cậu đưa em đi trong đêm ra trạm y tế xã rồi tiếp đến ra Trung tâm y tế huyện Mê Linh. Cả đêm không ngủ, may mà em em chỉ bị nhẹ thôi” – Chiến tâm sự.
Ấn tượng khi gặp Chiến là sự quyết đoán trong con người nhỏ bé, dáng gầy gò. Chiến nói mình có niềm đam mê đặc biệt về chính trị, học tốt khối A nên chọn thi vào ngành này của Trường ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn. Chút tiền dành dụm được Chiến lấy đi mua sách. Chiến gần như thuộc lòng mấy cuốn như Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu, Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, …
Chiến nói về đam mê tìm hiểu các vấn đề chính trị phức tạp với bạn bè nhưng không ai hứng thú. Cả lớp một mình em thi vào ngành này. Chiến cũng biết học ngành này sau có thể khó khăn về việc làm nhưng “em tin chỉ cần có đam mê và quyết tâm theo đuổi thì khó khăn nào cũng khắc phục được”. Chiến thuyết phục từ cô giáo, bố mẹ đến cả bạn bè để cậu chỉ thi duy nhất một trường.
Bố mẹ, thầy cô thuyết phục mãi Chiến mới đăng ký nộp hồ sơ thi thêm khối B vào Trường ĐH Y Hải Phòng. Thi xong khối A Chiến chắc chắn đỗ nên bỏ, không thi khối B nữa.
Anh Trịnh Văn Kháng nhìn con trai rồi mỉm cười cho biết: “Chiến thường như vậy, lúc nào quyết làm gì là phải làm cho được. Mấy hôm trước em lén nhà ra trung tâm thủ đô kiếm việc, vợ chồng mình phải thuyết phục mãi Chiến mới về nhà nghỉ ngơi”.
Con trai lớn chuẩn bị học đại học, anh Kháng bàn với vợ để mình anh vào Nam kiếm sống. Còn chị phải ở nhà chăm lo cho hai con còn nhỏ ăn học. Trước hai người cùng làm đã chật vật. Nay một mình anh lặn lộn khó khăn càng thêm chồng chất. Anh chỉ tặc lưỡi “biết làm sao được”.
Chiến với đôi mắt sắc sảo và giọng nói cương quyết: “Em chỉ nghỉ mấy hôm trước khi nhập học thôi. Vào học em sẽ đi làm thêm để bớt gánh nặng cho gia đình”.