"Nếu cháu có quyền thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, cháu muốn thay đổi ba điều. Thứ nhất là về giáo dục Thứ hai là về bạo lực xảy ra trong gia đình cũng như nhà trường. Thứ ba là vệ sinh môi trường xung quanh."

Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Trịnh Lê Thuý Hiền, Tổ 14B, khu phố II, phường Bình Đa, Biên Hoà, Đồng Nai

Kính gửi Ngài Đại sứ Thuỵ Điển Staffan Herrström

Cháu đọc báo thấy ông phát động cuộc thi viết về quyền trẻ em dành cho thanh thiếu niên độ tuổi 12-18. Cháu nghĩ đây là cuộc thi rất bổ ích.

Kính thưa ông, nếu cháu có quyền thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, cháu muốn thay đổi ba điều. Thứ nhất là về giáo dục. Thứ hai là về bạo lực xảy ra trong gia đình cũng như nhà trường. Thứ ba là vệ sinh môi trường xung quanh. Những điều đó không phải dễ gì có được như mong muốn và không phải ai cũng làm được.

Ảnh minh họa
Về giáo dục, cháu nghĩ rằng nhà nước Việt Nam nên xem xét lại việc phát triển của nền giáo dục và mở rộng hệ thống hiện đại ở trường lớp cả thành thị và nông thôn để xoá nạn mù chữ cho trẻ em.Mở các lớp dạy tình thương cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Cần đào tạo nhiều giáo viên dạy giỏi để giáo dục trẻ một cách toàn diện nhằm nâng cao trình độ học vấn. Trẻ em ai cũng có quyền được đi học, vui chơi và giải trí. Nhưng có điều là ngày nay, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại rất phát triển, khiến một số trẻ em sa vào con đường hư hỏng như chơi game... Nếu không có tiền để chơi thì sẽ xảy ra những vụ cướp giật, ăn trộm... Đó là các việc làm vi phạm pháp luật mà không ai muốn.

Còn trong gia đình, tình trạng bạo lực vẫn thường xuyên xảy ra như đánh đập, ngược đãi nhau. Nguyên nhân là do các bậc cha mẹ chưa ý thức được hậu quả là những việc làm đáng tiếc đã xảy ra với con em mình. Chúng ta nên đẩy lùi bằng cách mọi người phải bình đẳng hoá. Trong trường học thì vẫn còn nhiều học sinh cãi lộn, gây gổ rồi đánh hội đồng gây thương tích nặng. Đây là một trong những trường hợp chưa được giáo dục tốt.

Bảo vệ môi trường cũng là một điều kiện để hàng triệu trẻ em phát triển và học hành. Nước sạch, đảm bảo thức ăn hợp vệ sinh, ngoài ra còn phải có môi trường sạch đẹp, không có rác, khói bụi. Nhưng ở một số nơi, người dân vẫn xả rác bừa bãi dẫn đến việc ô nhiễm môi trường nặng. Để khắc phục hậu quả này, cần phát động phong trào "Vì môi trường xanh, sạch, đẹp" nhiều lần và thường xuyên. Bảo vệ môi trường, làm sạch bầu không khí là rất cần thiết đối với trẻ em. Có trẻ em mới có tương lai, mới có một Việt Nam văn minh, giàu đẹp. Cần cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất và cho nhiều quyền lợi hơn nữa.

Để tránh những hành vi ngược đãi, đánh đập... cháu nghĩ cần phát động thêm các phong trào bổ ích giúp trẻ em học hỏi, biết thêm nhiều điều thú vị về những gì xung quanh. Trẻ em cũng có quyền bày tỏ bất cứ ý kiến về mọi người. Nhưng ngược lại, trẻ em phải bảo vệ quyền, nghĩa vụ của mình. Tôn trọng quyền, nghĩa vụ của người khác. Mặc dù nước Việt Nam đã kí và phê chuẩn công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em để thể hiện sự tôn trọng và quan tâm của hội đồng Quốc tế nhưng cháu nghĩ cần phải thêm thật nhiều quyền lợi nữa cho trẻ em. Đó là một điều kiện cần thiết để trẻ em phát triển.

Với mong muốn trẻ em mãi mãi vươn cao, mọi người cần cho trẻ một môi trường giáo dục tốt hơn. Ta nên giảm bớt các trò chơi trong máy tính, chỉ cập nhật thông tin cần thiết và những trò chơi lành mạnh. Giảm thiểu các hành vi đánh đập, ngược đãi để trẻ em được hưởng sự chăm sóc, yêu thương. Triệt để loại bỏ việc đánh hội đồng trong nhà trường. Môi trường cần xanh, sạch.

Bản thân cháu cũng là một trẻ em Việt Nam, cháu mong muốn những gì tươi đẹp nhất sẽ đến với trẻ em Việt Nam bởi vì "trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.

Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?"

Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".

Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi

Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn

Hạn nộp bài dự thi:
15/5/2011

Giải thưởng:
1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Ngày trao thưởng:
1/6/2011.