Tranh chấp diễn ra tại đại học tư thục Hoa Sen xét cho cùng chỉ xoay quanh hai vấn đề rất cơ bản. Hai vấn đề này cũng đang là bài toán mà các trường đại học tư thục khác phải giải quyết trên con đường phát triển của mình.

Vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận?

Vấn đề càng phức tạp hơn khi nhiều giảng viên và lãnh đạo của Hoa Sen bày tỏ sự lo lắng “nguy cơ đại học Hoa Sen bị chiếm đoạt”. Ý của họ là nguy cơ nhóm cổ đông chiếm khoảng 30% đến 40% cổ phần của nhà trường theo đánh giá của phía này là “muốn khuynh đảo nhà trường, thay đổi hội đồng quản trị và ban giám hiệu” với mục đích biến Hoa Sen thành một công cụ kinh doanh, đi xa rời mục đích không vì lợi nhuận của nhà trường.

{keywords}
Ảnh: Lê Huyền

Trước đây lúc bàn về khả năng bán đấu giá rộng rãi cổ phần của Hoa Sen ra bên ngoài, bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Hoa Sen có phát biểu: “Nếu bất kỳ ai có tiền cũng mua được Hoa Sen thì làm sao giữ được đường lối giáo dục của nhà trường”.

Đây là một lo lắng được nhiều người chia sẻ. Tuy nhiên, cho đến nay, không thể nói Hoa Sen là một trường đại học tư thục phi lợi nhuận đúng nghĩa.

Theo quy định hiện hành, một đại học tư thục được xác định là hoạt động không vì lợi nhuận thì phải đáp ứng một số điều kiện: 1/chủ sở hữu không nhận lợi tức hay nhận lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ; 2/lợi nhuận là tài sản sở hữu chung không phân chia; 3/có cam kết bằng văn bản.

Năm 2013, cổ đông của Hoa sen được chia cổ tức lên đến 20%. Những năm trước đó, cổ tức bằng tiền mặt thấp hơn nhiều (chỉ thấp hơn hay bằng lãi suất tiết kiệm) nhưng cổ đông được trả bằng cổ phiếu thưởng, cộng lại cũng cỡ 20-30%. Chỉ một yếu tố này thôi cũng đủ cho thấy Hoa Sen chưa phải là đại học tư thục không vì lợi nhuận.

Như thế, mâu thuẫn giữa hai nhóm của Hoa Sen chỉ có thể giải quyết khi quyết định của một trong hai bên thắng thế để chọn một trong hai con đường phát triển: một đại học tư thục bình thường hay một đại học tư thục phi lợi nhuận. Giải pháp tối ưu là xuất hiện một “hiệp sĩ áo trắng” (white knight) đứng ra mua lại cổ phần đa số để giúp những nhà giáo tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục theo đuổi một mô hình phi lợi nhuận thật sự.

Nhìn rộng ra môi trường đại học tư thục hiện nay, mô hình phi lợi nhuận có lẽ khó hình thành. Việt Nam chưa có những nhà đầu tư giáo dục không vì lợi nhuận đúng nghĩa bởi những nhà đầu tư như thế phải thật sự thành đạt ở các lãnh vực kinh doanh khác, bỏ tiền cho giáo dục mà hoàn toàn không cần nghĩ đến chuyện thu hồi vốn chứ nói gì đến lợi nhuận. Đặt ra một yêu cầu cao như thế với cán bộ, nhân viên hay giảng viên nhà trường là khó.

Ở các nước mô hình phi lợi nhuận phải được hỗ trợ bằng chế độ miễn thuế hoàn toàn cho hoạt động nhà trường, đồng thời miễn thuế luôn cho các khoản hiến tặng. Quy chế như thế chưa hình thành ở nước ta mặc dù khả năng của nhà nước khuyến khích cho mô hình phi lợi nhuận là rất lớn, chẳng hạn cấp đất cho nhà đầu tư nếu cam kết hoạt động không vì lợi nhuận.

Mô hình phi lợi nhuận, một khi chưa chịu những ràng buộc rõ ràng, cũng chưa thể giải quyết mâu thuẫn giữa nhà đầu tư tiềm năng và người thực tâm vì sự nghiệp giáo dục. Vẫn có thể còn những lỗ hổng như thành lập doanh nghiệp bên trong đại học tư thục để dồn hết lợi nhuận cho doanh nghiệp, dùng ưu đãi phi lợi nhuận cho những hoạt động mang tính kinh doanh thuần túy...

Hai vấn đề đặt ra ở đầu bài vẫn chưa có lời giải đáp nhưng trường hợp Hoa Sen rõ ràng sẽ mang tính biểu trưng: giải quyết như thế nào đó cho hợp tình hợp lý sẽ định hướng được con đường phát triển cho đại học tư thục trong tương lai.

(Xem toàn bộ bài viết Tại đây)

  • Nguyễn Vạn Phú/ Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn