Theo nhiều giáo viên, câu trả lời trong phần thi về đích đối với câu hỏi: Vì sao dung dịch nước muối có tính sát trùng? của thí sinh Nguyễn Hoàng Bách trong vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olimpia 2014 hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Kết thúc vòng thi tăng tốc của chung kết Đường lên đỉnh Olympia, thí sinh Nguyễn Hoàng Bách của Trường phổ thông Năng khiếu (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) đã giành được điểm số là 170.

Đến vòng thi cuối cùng- vòng thi về đích, thí sinh này chọn gói câu hỏi 80 điểm gồm 1 câu 10 điểm, 2 câu 20 điểm và 1 câu 30 điểm. Ở câu 3 (20 điểm), thí sinh này đã có câu trả lời được nhiều giáo viên cho là chấp nhận được nhưng cố vấn chương trình lại không chấp nhận.

Với câu hỏi: Vì sao dung dịch nước muối có tính sát trùng? Thí sinh Nguyễn Hoàng Bách không mất nhiều thời gian để trả lời rằng: Vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên vi khuẩn trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước thì chết.

Khi người dẫn chương trình- MC Tùng Chi đề nghị ban cố vấn của chương trình có ý kiến về câu trả lời thì PGS-TS Vũ Quốc Trung thông báo: chưa chấp nhận được.

Sau khi cả 3 thí sinh còn lại cũng không có câu trả lời nên MC Tùng Chi đọc đáp án của chương trình, nguyên văn là: “Dung dịch nước muối có nồng độ muối lớn hơn nồng độ muối trong tế bào của vi khuẩn. Cho nên do hiện tượng thẩm thấu thì muối đi vào tế bào làm nồng độ muối trong tế bào tăng lên đẩy nước từ trong tế bào ngược trở lại trong vi khuẩn làm cho quá trình nước trở lại tế bào từ vi khuẩn được đầy ra ngoài. Vi khuẩn vì vậy mất nước và bị tiêu diệt”

Thạc sĩ Lê Thiên Thư, giáo viên môn sinh học của Trường phổ thông Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng câu trả lời của thí sinh Nguyễn Hoàng Bách là chấp nhận được.

Bởi vì để trả lời câu hỏi của chương trình, Hoàng Bách đã vận dụng kiến thức về quá trình thẩm thấu đã được học trong chương trình sinh học lớp 10 (bài 11 và bài 27, sách giáo khoa Ban cơ bản), với kiến thức đã học, thì câu trả lời của Bách là đúng. Theo sách giáo khoa, trang 108, “Khi đưa vi sinh vật vào môi trường nhiều đường, muối, tức là môi trường ưu trương thì nước trong tế bào vi sinh vật bị rút ra ngoài, gây co nguyên sinh.”

{keywords}

Thí sinh Hoàng Bách (đeo kính) vì nhì cuộc thi Đường lên đỉnh Olimpia 2014 với 240 điểm. Ảnh: Yến Anh

So sánh câu trả lời của thí sinh với đáp án của ban tổ chức thì điểm chung là vi khuẩn bị mất nước rồi chết.

Điểm khác nhau là câu trả lời của Hoàng Bách không giải thích chi tiết hiện tượng thẩm thấu, em chỉ nói rằng tế bào đặt trong môi trường ưu trương thì mất nước.

Trong khi đáp án của ban tổ chức thì giải thích chi tiết về hiện tượng thẩm thấu, tuy nhiên khi BTV Tùng Chi đọc “… do hiện tượng thẩm thấu thì muối đi vào tế bào…”, trong khi sách giáo khoa lớp 10, Ban cơ bản, trang 47 định nghĩa về hiện tượng thẩm thấu “Sự khuyếch tán của các phân tử nước qua màng sinh chất được gọi là hiện tượng thẩm thấu”. Điểm cần lưu ý ở đây là nước di chuyển chứ không phải muối di chuyển như đáp án của ban tổ chức. Vì vậy gây hoang mang trong lòng các em học sinh đang theo học chương trình sách giáo khoa.

Một giáo viên môn hoá của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền- TPHCM, cho rằng câu trả lời của thí sinh hoàn toàn có chấp nhận được bởi thí sinh này dù có trả lời ngắn gọn nhưng có đưa ra môi trường ưu trương, ở môi trường này, nước sẽ từ nơi có nồng độ muối thấp (tế bào của vi khuẩn) di chuyển sang nơi có nồng độ muối cao (dung dịch nước muối) nên vi khuẩn bị mất nước rồi chết.

Nếu đúng như các giáo viên khẳng định câu trả lời trên chấp nhận được thì thí sinh Nguyễn Hoàng Bách ghi thêm được 90 điểm (câu 30 điểm sử dụng ngôi sao may mắn trả lời đúng) nên có tổng điểm là 260, bằng điểm với thí sinh Nguyễn Trọng Nhân- nhà vô địch Olympia 2014.

Theo Huy Lân - Người lao động