Hoa Kỳ là một quốc gia đa dân tộc theo nghĩa rộng nhất. Việc "lượng hóa" lòng yêu nước của người Mỹ cũng chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, câu chuyện, con số, dữ liệu dưới đây cũng nói lên phần nào cách người Mỹ yêu đất nước của họ.
"This is America" (Đây là nước Mỹ)
Chuyện kể rằng dì Sam (*) cho con mình tham gia chương trình trao đổi văn hoá. Cậu Bill đi sang một đất nước xa lắc xa lơ, ở đó một tháng trong một gia đình bản xứ. Cùng kỳ, con của gia đình ấy thì sang Mỹ, ở nhà vợ chồng dì Sam.
Dì Sam viết thư bằng tiếng Anh cho “đối tác”. Thư có đoạn viết: “Con của ông bà rất ổn, sang đây cả tháng được nói tiếng Anh, được ăn fast food (đồ ăn nhanh), uống Coca, mặc quần jeans, thưởng ngoạn lối sống Mỹ. Con ông bà thật may mắn, bởi vì đây là nước Mỹ (This is America)”.
“Nhưng Bill nhà tôi”, dì Sam viết tiếp, “chắc là khổ sở lắm. Ở bên ấy thấy bảo chẳng ai nói tiếng Anh. Lại cho dùng đồ ăn thức uống cháu không quen, yêu cầu cháu tuân thủ phong tục tập quán xa lạ. Thôi thì trong cái không may cũng có cái tốt. Vì sẽ khơi dậy được lòng yêu nước. Bill chắc là thấy rõ sự khác biệt, rằng bên ấy là một nước khác, còn đây là nước Mỹ (This is America).
Cái nhìn đa chiều
Lòng yêu nước kiểu Mỹ là một khái niệm phức tạp. Các lãnh đạo của Mỹ cũng có những quan điểm rất khác nhau.
Cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt cho rằng: “Yêu nước là giúp nước. Điều này không có nghĩa là ủng hộ tổng thống này hay quan chức kia … Yêu nước là ủng hộ tổng thống, hay quan chức đó, bằng đúng mức mà ông ta đã giúp nước.
Sẽ là không yêu nước nếu không phản đối ông ta, cũng ở mức mà ông ta đã tỏ ra thiếu năng lực hoặc thiếu trách nhiệm trong giúp nước. Trong mọi trường hợp, sẽ là không yêu nước nếu không nói sự thật, cho dù nó liên quan đến tổng thống hay ai đi chăng nữa”.
Một trong những người có công dựng nước của Hoa Kỳ là Thomas Jefferson “mặc định”: “Mọi thứ đều đổi thay, trừ những quyền con người, là vốn có và không thể tước đoạt được”.
“Cha đỡ đầu” của trào lưu tân bảo thủ Barry Goldwater từ những năm 1960 khẳng định: “Một chính phủ đủ lớn để cho các bạn tất cả những gì các bạn muốn là một chính phủ đủ mạnh để lấy lại tất cả những gì của các bạn mà nó muốn”.
Để so sánh, có thể dẫn nhà tư tưởng, chính khách thời Phục hưng, Edmund Burke - người sáng lập ra chủ nghĩa bảo thủ: “Tất cả những gì cần thiết để đảm bảo cho chiến thắng của cái ác là những người tốt nhưng vô dụng”.
Địa danh Theo thống kê của báo The Washington Post, ở Hoa Kỳ có 30 địa danh có chứa từ Liberty (Tự do), 11 địa danh chứa từ Independence (Độc lập), 5 địa danh có từ Freedom (cũng là tự do), và 1 thành phố được gọi là “Người yêu nước”, nằm ở bang Indiana, dân số là 209 người. |
Tự hào dân tộc hơn người
Các công trình nghiên cứu của hãng Harris Interactive tiến hành ở phương Tây cho thấy người Mỹ có cảm giác tự hào mình là người Mỹ hơn cảm giác tương tự ở các nước châu Âu.
Ngay sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, có tới 96% người Mỹ tuyên bố họ “tự hào”, hoặc rất tự hào là người Mỹ, số liệu của năm 2009 là 95%[1].
Cứ mười người Mỹ thì có chín người cảm thấy tự hào khi nghe thấy giai điệu của quốc ca. Các quốc hiệu được người Mỹ coi trọng nhất là (thứ tự từ cao xuống thấp): quốc kỳ, tượng thần tự do, quốc ca, tượng thần Tự do, đại bàng đầu trắng trên quốc huy, Nhà trắng, và bài hát Chúa trời phù hộ nước Mỹ, vẫn theo điều tra trên của Hãng Harris Interactive.
Năm 2005 có 72% người Mỹ cho rằng họ tự hào và rất tự hào là người Mỹ, 22% cho rằng họ không tự hào lắm. 5% cho rằng họ không tự hào chút nào, theo số liệu của viện Gallup. Còn đến năm 1999, chỉ có tới 69% là tự hào và “rất tự hào” là người Mỹ. Gần đây, năm 2010 có tới 1/3 người Mỹ cho mình là "yêu nước vô cùng", so với năm 2005 có 26%, và năm 1999 chỉ có 19%[2].
Nghiên cứu của Hãng Ipsos-Reid cho thấy cứ ba người Mỹ thì một người thường xuyên kiểm tra mã số mã vạch của mặt hàng để xác định xuất xứ. Người Mỹ càng nhiều tuổi hơn, càng kiểm tra kỹ hơn.
Trong đó, có 54% công dân Mỹ sẵn lòng mua hàng đắt nhưng có mác "made in USA" hơn là mua hàng của nước khác. 63% người Mỹ trẻ tuổi chỉ nhăm nhăm xem giá, rẻ hơn là mua, bất kể sản xuất ở nước nào. 62 % người Mỹ cao niên chấp nhận trả giá cao để ủng hộ các nhà sản xuất quốc nội.
Các "thể loại" yêu nước phổ biến
Trong sách “Lòng yêu nước,
chính trị và cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ 1988”, các tác giả đã sử dụng hệ
phương pháp Q ( phân tích nhân tố trên nghiên cứu quan điểm của cộng đồng) để
xác định các thể loại của lòng yêu nước.
Theo đó, có thể phân chia “đại
trà” lòng yêu nước thành năm thể loại:
1. Yêu nước không có yếu tố thần
tượng hoá; 2. Yêu nước qua những biểu tượng - như chào cờ, hát quốc ca, cũng gọi
là lòng yêu nước chính thống, theo nghi thức mà chính phủ phổ cập cho công dân;
3. Yêu nước theo bản năng, đến từ lòng yêu thiên nhiên nơi mình sinh ra; 4. Lòng
yêu nước kiểu tư bản. 5. Chủ nghĩa dân tộc (một dạng biến thể của thể loại thứ
2).
Thể loại 3 (chiếm 31% số người được hỏi) cho rằng những ai huỷ hoại
thiên nhiên Hoa Kỳ là những kẻ phản bội tổ quốc. Trong khi đó, những ai yêu nước
kiểu tư bản (chỉ chiếm 1/2 con số của thể loại 3) cho rằng việc khai thác các
nguồn tài nguyên và phát triển tư bản chủ nghĩa là hành vi yêu nước nồng nàn bởi
vì chúng đem lại nghề nghiệp và phát đạt cho người Mỹ.
Nhưng theo tác giả Donald Miller trong bài “Lòng yêu nước từ trước đến giờ”, sau vụ khủng bố 11/9, Lòng yêu nước qua những biểu tượng (thể loại 2) đã vỡ oà. Trẻ con Mỹ đến trường lại sang sảng "Lời tuyên thệ của công dân", người lớn treo quốc kỳ lên xe hơi và hát Quốc ca tại các sự kiện, với cảm xúc nồng nàn.
Lê Đỗ Huy
(*) Nước Mỹ còn có một cách gọi thân mật là "Chú Sam" - xuất phát từ cách viết tắt của từ "United State of American" thành "Uncle Sam". "Dì Sam" ở đây được hiểu là "vợ" của "Chú Sam".