-Theo dõi những bài viết về chủ đề “lòng yêu nước” của Vietnamet , hai người bạn lâu năm của Việt Nam là Lady Borton - nhà Việt Nam học - và Chuck Searcy - phụ trách Dự án rà phá bom mìn sau chiến tranh ở Quảng Trị - đã chuyển bài báo sau đây tới toà soạn.

Lời đề tựa của Chuck Searcy:

Bài viết này giải thích một cách sâu sắc về một vết rạn trong tư duy của người Mỹ chúng tôi, đó là ý niệm, rằng người Mỹ là dân tộc “xuất chúng, phi thường”, được “lộc Trời cho”, rằng người Mỹ có thể hành động ở bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không sợ bị thiệt hại, mất mát, trừng phạt. Rằng người Mỹ là tiêu chuẩn để cho toàn thế giới vươn tới, hoặc nên hướng tới.

Đây là một khái niệm nguy hại, có tính tự huỷ hoại, nó phanh phui rất nhiều vấn đề lớn mà người Mỹ chúng tôi đang phải đối mặt. Cũng là những vấn đề đang lan ra khắp thế giới như căn bệnh ung thư, bởi vì người Mỹ chưa dám đương đầu với cả thực tế lẫn trách nhiệm về các vấn đề nói trên.

Bài viết dưới đây vạch ra một cách sống động sự khác biệt giữa biểu tượng mà người Mỹ đồng nhất với chính mình, và cách mà các dân tộc khác - được người Mỹ xem là còn xa mới với tới đẳng cấp “ngoại hạng” của Mỹ - đang nhìn nhận người Mỹ.

Cách so sánh như thế cũng giúp đưa ra một cảnh báo cho các bạn Việt Nam của chúng tôi, rằng các bạn không nên để cho đất nước mình trượt theo con dốc của khác biệt giữa cư dân có lợi thế, đặc quyền và diện có hoàn cảnh khó khăn, của “chênh lệch giàu nghèo đang ngày càng doãng ra”[1]. Mong các bạn không sao lãng việc đảm bảo dịch vụ công và bảo vệ lợi ích người dân, thành quả vô cùng quan trọng mà các thế hệ người Việt đã phải hy sinh, mất mát vô cùng to lớn để giành được, trong sự nghiệp chống ách ngoại xâm trước kia, cũng như chống chủ nghĩa thực dân mới, hiện đang nấp dưới chiêu bài đầu tư nước ngoài, công nghệ mới, và các cơ hội thương mại toàn cầu hoá.

Dưới đây VietNamNet xin lược thuật bài viết[2] mà hai người bạn Mỹ giới thiệu – bài viết của tác giả David Morris, người đồng sáng lập và phó chủ tịch một Viện về phát triển cộng đồng bền vững của Hoa Kỳ, Giám đốc dự án Các quy chế mới (New Rules).

 Ngày tàn của đế chế? Nguồn ảnh: Current

Người Mỹ là số1: Mười phương tuyệt vọng cho nước Mỹ “xuất chúng” 

Các nghiên cứu gần đây đã trái ngược với giáo lý cơ bản của tư tưởng cho Mỹ là “siêu hạng”. Báo cáo của viện Brooking chuyên nghiên cứu các vấn đề xã hội của Hoa Kỳ đã so sánh sự năng động kinh tế ở Mỹ và ở các nước khác, viết: “Nhìn xuống đáy của thang lương, sẽ thấy Mỹ ở thế bất lợi so với các nước khác”.

Nhưng với các ứng cử viên tổng thống của Đảng Xã hội Mỹ, câu “nước Mỹ ngoại hạng” lại mang những năng lực thần chú.

Cuốn sách mới của Newt Gingrich (Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ 1995 – 1999) có tựa đề “Một dân tộc không giống ai: Vì sao nước Mỹ đạt siêu hạng”. Còn bà Sarah Palin - từng liên danh với Mc Cain năm bầu cử 2005 - cũng lấy tiêu đề “nước Mỹ xuất chúng” đặt cho một chương của cuốn “America by Heart” (Nhập tâm nước Mỹ). Các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà gần đây thường cho rằng chối bỏ tư tưởng “nước Mỹ ngoại hạng” sẽ dẫn đến từ bỏ “trái tim và tâm hồn” Mỹ, rằng “thay đổi quan điểm tôn vinh tư tưởng ‘nước Mỹ xuất chúng’ là sai lạc, dẫn đến phá sản”. 

Sau khi phỏng vấn nhiều lãnh đạo Đảng Cộng hoà, phóng viên Bưu điện Washington Karen Tumulty kết luận rằng quan điểm Mỹ “vừa sinh ra đã là thượng đẳng so với các dân tộc khác” là phổ cập. Hầu hết người Mỹ tin rằng sự siêu việt của họ không chỉ là di sản, mà còn là ý nguyện của Đấng bề trên.

Lượng hải hà? 

Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc chính phủ Mỹ và viện Brookings cho thấy 58% dân Mỹ nhất trí với phát biểu: “Chúa đã ban cho nước Mỹ một vị thế đặc biệt trong lịch sử loài người”. 

Về phần mình, tôi cũng tin vào quan điểm “nước Mỹ xuất chúng” - nhưng theo nghĩa “nước Mỹ là trường hợp hiếm có, là biệt lệ”, và tôi không nghĩ rằng Chúa trời đã an bài chuyện này. Tôi cho là nước Mỹ có được những lợi thế của mình so với những nước khác, trong một trường hợp hiếm có, phi thường. Đồng thời, cách nước Mỹ xử lý những lợi thế này lại không hề siêu việt, xuất chúng gì cho cam.  

Theo tôi, có hai sự phi thường của Mỹ. Thứ nhất, là các điều kiện thuận lợi một cách phi thường mà nước Mỹ có được khi lập nước, và suốt trong 200 năm sau thời điểm ấy. Thứ hai, là cách người Mỹ hoang phí những lợi thế này cũng thật “phi thường”, trong suốt quá trình tạo ra một hệ thống giá trị phi thường đến mức kỳ quặc. Một hệ thống giá trị đã chống lại các thay đổi cần thiết, phải có vào lúc các lợi thế nói trên bị mất đi”. 

Rừng vàng biển bạc 

Người Mỹ đã trở nên giầu có không phải do đã năng động cá nhân một cách quyết liệt, hay nhờ bàn tay, khối óc biết kinh doanh, hoặc do tài phát minh sáng chế. Người Mỹ chúng tôi sinh ra đã giầu. Cách Ann Richards miêu tả Tổng thống Mỹ George Bush Sr (cha) có thể áp dụng cho toàn nước Mỹ, “Bush sinh ra chẳng xuất chúng gì, nhưng nghĩ rằng mình chơi ‘một vốn bốn lời’”

Khi được yêu cầu chỉ ra sự khác biệt quan trọng nhất giữa Cựu thế giới (châu Âu), và Tân thế giới (Bắc Mỹ), sử gia nổi tiếng Henry Steele Commager nói rằng, trẻ con sinh ra ở Tân thế giới sẽ sống sót.  

Nước Mỹ cũng được hưởng lợi ghê gớm từ hàng chục triệu người nhập cư, những người, qua một quá trình chọn lọc tự nhiên theo thuyết Darwin, là những kẻ đầy nghị lực, có đầu óc kinh doanh, chịu khó chịu khổ, đến từ các nước khác. Ở phần tối của bức tranh nhập cư ở Mỹ, người Mỹ hôm nay còn được hưởng lợi ghê gớm từ hàng triệu người di cư không có dự định trước, bị biến thành một đội quân người làm không được trả công lao động tại các đồn điền miền Nam. 

Sự phi thường của Mỹ cũng bao gồm lợi thế vô song là được hai đại dương ngăn cách khỏi các kẻ thù tiềm năng. Sau năm 1815, không một quân đội nước ngoài nào đặt chân lên đất Mỹ.  

Thế kỷ tiếp sau, các cuộc chiến tranh ở các nước khác mang lại món lợi ghê gớm cho nước Mỹ. “Trong thế kỷ hai mươi, kinh tế Mỹ hai lần không những không bị phá huỷ, mà còn giầu thêm nhờ chiến tranh, khi các đối thủ tiềm năng của nó bị biến thành các bậc hưu trí” - sử gia Godfrey Hodgson viết. Sau chiến tranh thế giới I, Hoa Kỳ trở thành chủ nợ của toàn thế giới. Sau thế chiến hai, châu Âu và Nhật bản nằm trên đống tro tàn, trong khi nước Mỹ sở hữu một tài khoản bằng 40% kinh tế thế giới. 

Danh sách những lợi thế phi thường của Mỹ còn dài dài, gồm cả dự trữ vô bờ về nhiên liệu hoá thạch và quặng sắt. 200 năm đầu của lịch sử của mình, nước Mỹ tự cấp về dầu hoả. Hôm nay, nước Mỹ vẫn tự cấp khí đốt một cách thoải mái, và vẫn xuất khẩu than. 

Nền văn hoá của “nước Mỹ xuất chúng”  

Người Mỹ trở nên giàu có nhất quả đất không phải vì họ được thừa hưởng những nét văn vật siêu phàm, chẳng phải vì họ là sự lựa chọn của Chúa Trời, cũng không hề do có được một Hiến pháp thanh tao và súc tích, cũng không nhờ những câu Tuyên ngôn Độc lập trầm hùng. Chúng tôi giàu nhờ chúng tôi đã may mắn một cách phi thường. 

Nhưng huyền thoại về chuyện người Mỹ giàu có hơn nước khác là nhờ được ban phúc lành đã khuyến khích người Mỹ phát triển một nền văn hoá đậm đà bản sắc “siêu phàm”. Chính nền văn hoá này đã biến chúng tôi thành những kẻ không được trang bị thêm năng lực gì để tiếp tục phú cường, khi phước của chúng tôi bất trùng lai; khi đất đai giá hời cùng các nguồn năng lượng tỏ ra suy kiệt; khi những người cừ khôi và sáng láng nhất trên trái đất ở lại nhà họ, không chịu di cư sang các bờ vịnh của nước Mỹ nữa; và khi chiến tranh bắt đầu chất gánh lên đầu lên cổ người Mỹ, đồng thời làm giàu cho các đối thủ kinh tế của nước Mỹ. 

Tôi và chúng ta 

Cốt lõi của nền văn hoá “siêu phàm” kia là sự tôn vinh “cái tôi”, và một sự khinh thị “chúng ta”. Khi Viện điều tra xã hội học Harris hỏi các công dân Mỹ ở tuổi 18 từ nào là biểu trưng cho người Mỹ, câu trả lời đã không làm ai kinh ngạc. Gần 60% người được hỏi chọn từ “tự do”. Câu trả lời phổ biến thứ hai là “lòng yêu nước”. Chỉ có 4 phần trăm chọn từ “(ý thức) cộng đồng”. 

Đối với những “người Mỹ siêu phàm”, tự do có nghĩa là làm gì họ muốn, không bận tâm chuyện đó có ảnh hưởng gì đến các đồng bào mình. Một định nghĩa như thế làm phần còn lại của thế giới hoang mang. Họ (phần còn lại của thế giới) bèn hỏi rằng, phần tinh tuý của tự do kiểu Mỹ phải chăng là đóng thuế thấp, hay không đóng thuế, và quyền được mang súng vào quán ăn? Càng ngày, càng đông lên số người Mỹ mà, nếu được hỏi rằng các cuộc bầu cử gần đây hẳn chẳng có mấy dấu ấn đâu, sẽ trả lời ngay: ‘Anh nói đúng bỏ xừ đi”. 

Người Mỹ còn tỏ ra “xuất chúng” khi trả lời câu hỏi sau đây: “Phải chăng chính phủ có trách nhiệm phải thu hẹp khoảng cách về thu nhập?”. Chỉ không đầy 1/3 người Mỹ được hỏi trả lời “phải”, trong khi có tới hơn 2/3 người dân của 26 quốc gia khác trả lời như vậy. 

Con chưa hơn cha

Những số liệu gần đây mâu thuẫn về nền tảng với thuyết “nước Mỹ siêu việt”. Một báo cáo của Viện Brooking cho hay khả năng chuyển giao “tính năng động kinh tế” từ đời này sang thế hệ khác ở Mỹ thấp hơn ở các nước khác.

Hiện tại hệ thống y tế của Mỹ là đắt giá nhất, khó tiếp cận nhất, và có năng lực phục vụ thấp nhất trong các nước công nghiệp phát triển.

Lần đầu tiên sau 200 năm đầu của lịch sử nước Mỹ - một kỷ nguyên người Mỹ được xem là lạc quan nhất nhân loại, chúng tôi đang trở thành một cộng đồng thấp thỏm nhất.

Một điều tôi nói đến như sự ưu việt trong lịch sử Mỹ ở đầu bài báo này đến hôm nay đã không còn đúng. Hiện tại, tỷ lệ trẻ em sơ sinh sống sót được ở Mỹ trở nên thấp nhất trong các nước công nghiệp phát triển.  

Nhưng hôm nay người Mỹ chúng tôi quả đã trở thành “phi thường”, do nền văn hoá phát sinh từ lịch sử quá may mắn của chúng tôi. Nền văn hoá “phi thường” ấy đã làm chúng tôi đương đầu với thách thức, có lẽ là lớn nhất, đối với sự tồn vong của cộng đồng, cũng như đối với sự hưng thịnh, trong những điều kiện ít thuận lợi hơn nhiều cho nước Mỹ của thế kỷ 21.

  • Lê Đỗ Huy (lược dịch)

[1] Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng 

[2] http://www.alternet.org/story/150691/we%27re_#1_--_ten_depressing_ways_america_is_exceptional