- Sáng 8/8, Bộ GD-ĐT công bố 3 mức điểm sàn đại học dành riêng cho từng khối, cao nhất là 18 và thấp nhất là 13. Các mức điểm này nhằm đáp ứng tính đa dạng về yêu cầu chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo.
Thí sinh thi đại học. Ảnh: Văn Chung |
Cụ thể như sau (mức điểm dành cho HSPT-KV3):
Khối A | Khối A1 | Khối B | Khối C | Khối D | |
Mức 1 | 17 | 17 | 18 | 17 | 17 |
Mức 2 | 14 | 14 | 15 | 14 | 14 |
Mức 3 | 13 | 13 | 14 | 13 | 13 |
Mức điểm tối thiểu xét tuyển cao đẳng như sau:
Khối A | Khối A1 | Khối B | Khối C | Khối D | |
Mức điểm | 10 | 10 | 11 | 10 | 10 |
Nguồn tuyển dồi dào
Sau hơn 1,5 giờ thảo luận, Hội đồng đã xác định các mức điểm xét tuyển cơ bản.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Hội đồng thống nhất cao ở ba tiêu chí: Phổ điểm của các khối thi đã công bố khá lý tưởng, dịch chuyển về phía bên tay phải. Phổ điểm khối A, A1, B có đỉnh cao hơn năm trước khoảng 3 điểm. Phổ điểm khối C, D tương đương.
Điểm trung bình là mức điểm thí sinh đạt được nhiều nhất. Điểm thi của các trường cũng không có sự đột biến. Vì vậy xác định phổ điểm dễ hơn.
Mặc dù số lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm hơn 20% so với năm trước, nhưng số lượng thí sinh dự thi thực tế tương đương năm 2013, vào khoảng 1,05 triệu thí sinh.
Hội đồng không xác định điểm sàn mà xác định tiêu chí thế nào thí sinh vào học ĐH, CĐ được. Trong khi thảo luận, có những thành viên trong hội đồng cho rằng muốn học đại học được thí sinh phải đạt 15 điểm.
Tuy nhiên, từ trước đến nay điểm sàn tính dựa trên phổ điểm chứ không phải là điểm trung bình. Thực tế thí sinh vào học khi tính điểm sàn theo phổ điểm vẫn đảm bảo chất lượng.
Vì vậy, Hội đồng đã xác định mức điểm tối thiểu thí sinh học đại được căn cứ trên phổ điểm của năm 2014, ở khối B là 14, các khối còn lại là 13.
Mức 2: căn cứ trên trung vị của phổ điểm, bằng Mức 3 + 1 điểm.
Mức 1: là mức cao nhất, dựa trên cơ sở từ 20 – 30% thí sinh đạt được. Mức điểm này dành cho các trường nhóm trên. Mức 1 = Mức 2 + 3 điểm.
Quy trình xét các mức điểm đảm bảo chất lượng khác cơ bản so với các xét điểm sàn trước đây. Hội đồng tính toán theo tỉ lệ % thí sinh đạt được chứ không tính theo con số tuyệt đối như trước.
Với cách tính này, có 65% thí sinh dự thi đạt được Mức 3, tương đương với khoảng 650 nghìn thí sinh.
Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh đại học là 350 nghìn. Như vậy nguồn tuyển khá thoải mái. So sánh với năm 2013, mức dôi dư của năm 2014 lớn hơn.
Ông Ga cũng lưu ý, vì các trường xét tuyển từ trên xuống dưới nên không phải thí sinh nào đạt từ mức 3 trở lên cũng trúng tuyển vào đại học.
Các trường nhóm giữa cần cân nhắc nhiều mặt khi lựa chọn mức điểm của trường mình, chia sẻ khó khăn của cả hệ thống.
Đối với bậc cao đẳng, có nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm so với mức 3 điểm. Nhưng từ thực tế điểm thi của thí sinh, mức điểm cao đẳng lấy từ mức thấp nhất của đại học trừ đi 3 vẫn có 80% thí sinh đạt (từ 10 điểm trở lên). Giảm nữa sẽ cạn nguồn tuyển của TCCN và trường nghề.
Tiêu chí xếp hạng trường
Ông Ga cho biết, các mức điểm này sẽ phân khúc nguồn tuyển. Các trường nhóm trên lấy mức cao nhất, các trường nhóm trung bình ở mức 2, và các trường mới thành lập, đang trongq úa trình phát triển ở mức 3.
Với phân khúc này, các trường cần hết sức cân nhắc khi chọn lựa mức đầu vào. Bởi vì, xã hội cũng dựa vào đây để đánh giá.
Bộ đang xây dựng tiêu chí xếp hạng đại học. Đây sẽ là một trong những tiêu chí để xếp hạng trường. Vì vậy, việc đưa ra các mức điểm cơ bản sẽ tập cho các trường dần có tính toán cụ thể, không chỉ lo tuyển đủ chỉ tiêu mà quên đi uy tín chất lượng.
Sau khi kết thúc buổi họp, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, trả lời thêm một số câu hỏi của báo chí. Trung vị của điểm thi có phải là mức 50% thí sinh đạt được không, thưa ông? - Khái niệm trung vị là tại điểm đó có 50% đạt được. Thực tế, mức 3 = trung vị - 0,5 điểm; mức 2 = trung vị + 0,5 điểm. Bộ GD-ĐT thống kê có 1.05 triệu thí sinh dự thi. Nhưng trên thực tế có những thí sinh vẫn thi hai khối, vẫn có con số ảo, nên có thể số lượng thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào đại học không lớn như dự kiến. Bộ có tính toán điều này không? - Năm nay chúng tôi phân tích cụ thể chi tiết hơn. Số liệu tính toán là thí sinh thi đầy đủ cả 3 môn ở mỗi khối thi. Khi nào Bộ công bố số lượng cụ thể thí sinh đạt được ở 3 mức điểm để các trường căn cứ vào đó lựa chọn mức điểm cho trường mình? - Bộ không công bố con số cụ thể mà chỉ có tỉ lệ phần trăm. Các trường căn cứ vào chỉ tiêu, vào số lượng thí sinh dự thi, vào kết quả thi của thí sinh đã đạt được để có sự lựa chọn phù hợp. Bộ cho rằng đây sẽ là một tiêu chí để xếp hạng đại học. tuy nhiên, có thể từ năm 2015 không còn kỳ thi tuyển sinh riêng như thế này nữa. Vậy thì có nên lấy két quả chỉ có giá trị trong 1 năm để xếp hạng các trường không? - Việc căn cứ vào ngưỡng xét tuyển chỉ là một trong những tham số để xếp hạng trường. Nên cho dù là hình thức thi nào thì cũng có những tiêu chí hết sức cụ thể để xác định chất lượng thí sinh của trường đó và thực hiện phân tầng. Tùy vào hình thức thi như thế nào sẽ có tiêu chí như thế đó. Việc này sẽ tường mình và rõ ràng. |
- Ngân Anh