- Sau khi Bộ GD-ĐT công bố
quy định mới về cách tính điểm ưu tiên có nhiều tranh cãi: Quy định ra vào
giờ chót khiến các trường lâm cảnh phải họp xác định lại điểm chuẩn. Buồn hơn là
sẽ có những thí sinh đang từ đậu sẽ nhận vé trượt....Ông Trần Văn Nghĩa, phó Cục
trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định:
“Cách tính điểm ưu tiên này là đúng, trả lại sự công bằng cho thí sinh..."
Ảnh Văn Chung |
Nhân hệ số điểm ưu tiên có cơ sở lý luận
Theo ông Trần Văn Nghĩa, việc nhân hệ số ưu tiên có cơ sở lý luận rõ ràng. “Việc nhân hệ số hai của điểm môn chính sẽ chuyển từ hệ điểm 30 sang hệ điểm 40, chính vì vậy điểm xét tuyển tối thiểu có tính đến hệ số môn chính sẽ bằng điểm xét tuyển cơ bản nhân với 4 chia cho 3, và điểm ưu tiên cũng bằng điểm ưu tiên theo Quy chế (ứng với hệ điểm 30) nhân với 4 chia cho 3”.
Để lý giải cho vấn đề này, ông Nghĩa dẫn ra các ví dụ cụ thể, đồng thời lưu ý tách biệt tác động của nhân hệ số điểm môn chính và tác động của việc nhân hệ số cho điểm ưu tiên.
Cụ thể, với nghiên cứu tác động của nhân hệ số điểm môn chính khi không có tác động của điểm ưu tiên (coi như học sinh ở KV3 không có ưu tiên gì), sẽ xét 3 trường hợp: a) Điểm môn chính bằng điểm trung bình của 3 môn; b) Điểm môn chính thấp hơn điểm trung bình của 3 môn và c) Điểm môn chính cao hơn điểm trung bình của 3 môn.
Với trường hợp a): Học sinh thi khối B có kết quả Toán 4, Hóa 6, Sinh 5. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (bằng điểm xét tuyển cơ bản); nếu quy định Sinh là môn chính, tổng điểm có xét hệ số môn chính là 20 (4+6+10) và điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính là:15x4/3=20. Như vậy dù quy định môn chính hay không thì học sinh vẫn đạt ở mức điểm xét tuyển tối thiểu mà trường chọn.
Trường hợp b): Học sinh thi khối B có kết quả Toán 5, Hóa 6, Sinh 4. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (bằng điểm xét tuyển cơ bản); nếu quy định Sinh là môn chính, tổng điểm có xét hệ số môn chính là 19 (5+6+8) dưới mức điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính (15x4/3=20).
Trường hợp c): Học sinh thi khối B có kết quả: Toán 4, Hóa 4, Sinh 6. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 14 điểm (dưới điểm xét tuyển cơ bản); nếu quy định Sinh là môn chính, tổng điểm có xét hệ số môn chính là 20 (4+4+12) bằng mức điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính (15x4/3=20).
Qua 3 thí dụ trên có thể thấy: nếu điểm môn chính bằng điểm trung bình 3 môn thì việc nhân hệ số môn chính không có tác động gì, nhưng nếu học sinh có kết quả môn chính cao hơn trung bình sẽ được lợi khi xét tuyển còn thấp hơn thì sẽ bị thiệt khi xét tuyển. Đây là ưu điểm của việc quy định môn chính (cho phép chọn được học sinh có năng lực ở môn chính).
Đối với nghiên cứu tác động của việc nhân hệ số cho điểm ưu tiên, khi không có tác động của việc nhân hệ số môn chính, ông Nghĩa chọn ví dụ sao cho điểm môn chính bằng điểm trung bình của 3 môn để loại bỏ tác động của việc nhân hệ số môn chính.
Cụ thể, thí sinh thi khối B, được hưởng ưu tiên 3 điểm theo Quy chế có kết quả: Toán 5, Hóa 3, Sinh 4. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, thí sinh sẽ được tổng 15 điểm (5+3+4+3điểm ưu tiên) bằng điểm xét tuyển cơ bản.
Trường hợp quy định Sinh là môn chính, và không nhân hệ số cho điểm ưu tiên tổng điểm có xét hệ số môn chính là 5+3+8+3 điểm ưu tiên=19, và điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính là:15x4/3=20. Như vậy nếu không nhân hệ số điểm môn chính thì học sinh sau khi nhân hệ số môn chính sẽ có kết quả dưới điểm xét tuyển cơ bản có xét đến hệ số môn chính
Nếu nhân hệ số cho điểm ưu tiên, điểm của học sinh sẽ là: 5+3+8+3x4/3=20 đúng bằng điểm xét tuyển cơ bản có xét đến hệ số môn chính
Như vậy không nhân hệ số điểm ưu tiên, thí sinh sẽ bị thiệt.
Với phân tích này, ông Nghĩa khẳng định “nhân hệ số cho điểm ưu tiên khi quy định môn thi chính với đảm bảo công bằng cho thí sinh”.
Trường “nhẹ nhõm” vì thí sinh không bị ảnh hưởng
Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – trường nhân hệ số môn thi chính cho 3 ngành đào tạo, khẳng định việc nhân hệ số ưu tiên không ảnh hưởng gì tới công tác tuyển sinh của trường. “Không có thí sinh nào từ đỗ trở thành trượt sau khi trường áp dụng công thức nhân hệ số mới. Sau khi áp dụng cách tính mới, có thêm một vài trường hợp thí sinh được lợi hơn về điểm. Có thể trường sẽ dôi ra một vài chỉ tiêu so với tổng số đăng ký ban đầu, nhưng số lượng này không đáng kể, và không phải thay đổi điểm trúng tuyển” – ông Dong khẳng định.
Trên diễn đàn của sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trường cũng đưa ra ví dụ minh họa cho các tính mới đối với thí sinh thi vào trường để thí sinh đối chiếu.
Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam sáng ngày 11/8 đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường. Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường có 2 ngành đào tạo đại học áp dụng nhân hệ số môn chính. “Dù Bộ đưa ra quy định tính điểm ưu tiên kiểu mới hơi gấp, nhưng vì số lượng thí sinh thi vào hai ngành này của trường không nhiều, chỉ vài chục em, nên không có ảnh hưởng gì nhiều” - lời ông Tuấn.
Trường ĐH Ngoại thương đã lùi thời điểm công bố điểm trúng tuyển để tính toán lại kết quả thi của thí sinh sau khi có quy định mới.
Chiều ngày 11/8, bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng Phòng Đào tạo nhà trường cho biết, sau khi tính lại, điểm trúng tuyển vào trường không thay đổi so với dự kiến ban đầu. Lý do là những thí sinh thi vào ĐH Ngoại thương hầu hết là thí sinh thành phố - thí sinh KV3 – không được hưởng ưu tiên. Tổng số thí sinh thi trúng tuyển vào các ngành có nhân hệ số của ĐH ngoại thương là khoảng 400 em.
Trả lời báo chí, ông Đỗ Văn Xê, hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ – trường có tất cả các ngành đều tính hệ số cho môn thi chính – cho rằng nhân hệ số môn chính là hợp lý. Ông Xê dẫn dụ, một ngành được trường xác định điểm chuẩn trúng tuyển là 13. “Trường hợp ngành này không nhân hệ số môn thi chính, sau khi trừ điểm ưu tiên tối đa theo quy chế 3,5 điểm thì thí sinh phải đạt 9,5 điểm mới đậu và điểm trung bình mỗi môn là 3,17. Cũng với ngành này nhưng nhân hệ số môn thi chính thí sinh cần đạt 17,5 điểm mới trúng tuyển (sau khi nhân hệ số). Giả dụ vẫn tính ưu tiên theo cách cũ trừ 3,5 điểm ưu tiên tối đa, thí sinh cần đạt 14 điểm mới trúng tuyển, lúc này giá trị trung bình mỗi môn thi lên tới 3,5.
Như vậy, rõ ràng nếu không nhân hệ số điểm ưu tiên thí sinh sẽ bị thiệt khi thi vào ngành có môn thi chính”.
Để chỉ ra các nhận định sai có thể có khi lẫn lộn tác động của việc nhân hệ số môn chính, ông Nghĩa đưa thêm 2 ví dụ, đều nhận hệ số cho điểm ưu tiên, nhưng chọn 2 tình huống khác nhau sẽ có kết quả khác nhau: Ví dụ thứ nhất: Thí sinh thi khối B, được hưởng ưu tiên 3 điểm theo Quy chế có kết quả: Toán 5, Hóa 4, Sinh 3. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (5+4+3+3điểm ưu tiên) bằng điểm xét tuyển cơ bản; nhưng khi xét đến hệ số môn chính, điểm sẽ là: 5+4+6+4=19 thấp hơn điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính (20 điểm) mặc dù vẫn nhân hệ số cho điểm ưu tiên; Ví dụ thứ hai: Thí sinh thi khối B, được hưởng ưu tiên 3 điểm theo Quy chế có kết quả: Toán 3, Hóa 3, Sinh 5. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 14 điểm (3+3+5+3điểm ưu tiên) thấp hơn điểm xét tuyển cơ bản; nhưng khi xét đến hệ số môn chính, điểm sẽ là: 3+3+10+4=20 bằng điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính. Điều này có thể gây ra nhần lẫn rằng học sinh được lợi do nhân hệ số cho điểm ưu tiên. Nhưng thực chất đấy là do tác động của việc nhân hệ số cho môn chính. |
Nguyễn Hiền – Ngân Anh