Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đưa ra 2 “gợi ý” mong muốn ngành giáo dục Thủ đô giải quyết dứt điểm trong năm học mới sắp tới tại Hội nghị tổng kết năm học 2013 – 2014 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2014 – 2015 của Sở GD-ĐT Hà Nội diễn ra sáng ngày 12/8.

Vấn đề thứ nhất, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngành giáo dục Thủ đô phải giải quyết những bức xúc của người dân, cụ thể là lạm thu và dạy thêm học thêm.

  {keywords}
  Ảnh Văn Chung

Theo Bộ trưởng Luận, những bức xúc này chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn, mà Hà Nội là trọng điểm.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần xử lý tình trạng cán bộ giáo viên ngành giáo dục đạt chuẩn, thậm chí là vượt chuẩn trình độ nếu xét về bằng cấp, nhưng tay nghề năng lực, đạo đức nghề nghiệp, cá biệt là cả đạo đức công dân, chưa đạt yêu cầu.

Gợi ý thứ hai mà ông Luận đưa ra, đó là “Hà Nội cần đi trước và về trước ít nhất ở hai lĩnh vực là ngoại ngữ - mà cụ thể là tiếng Anh và tin học”.

Ông Luận cho biết, Bộ GD-ĐT sẵn sàng để Hà Nội có một chương trình học mới ở hai lĩnh vực này, áp dụng ở những khu vực, nhà trường có điều kiện chín muồi. “Tinh thần của Nghị quyết 29 và của Bộ GD-ĐT là không triển khai đồng loạt, mà cho phép những địa bàn có điều kiện cả về giáo viên và học sinh, có nhu cầu, có chương trình đáp ứng nhu cầu, được đi trước. Bộ không những tạo cơ chế mà sẽ phối hợp cùng thực hiện” – ông Luận khẳng định.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết ngoài những khó khăn chung trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cả nước, thì “nhà giàu” như Hà Nội cũng có những khó khăn riêng.

Đặc biệt đối với cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, vấn đề nổi cộm của Hà Nội là nội thành thiếu trường lớp, còn ngoại thành không đủ điều kiện để xây sửa, mua sắm. Thành phố đã đưa ra công thức ngắn gọn: “Nội thành là đất, ngoại thành là tiền”, để các đơn vị chức năng rà soát lại quỹ đất, nhằm mở rộng trường học trong nội thành. Các huyện ngoại thành cần cân đối tài chính để xây dựng kiên cố trường lớp học cũng như trang bị thiết bị giảng dạy.

Cũng theo ông Thảo, thành phố đã có báo cáo xin phép Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy chuẩn xây dựng riêng ở 4 quận nội thành, trong đó có quy chuẩn xây dựng trường học. Bên cạnh việc mở rộng trường học từ việc thu hồi đất “hoang”, thì nâng tầng trường học nội thành để tăng diện tích là một biện pháp đã và đang được thực hiện. “Không phải để lấy thành tích nâng số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia trong nội thành, mà để đáp ứng quy mô, yêu cầu của việc gia tăng dân số” – ông Thảo cho biết.

Các tiêu chí đề trong trong năm học 2014 – 2015 của Hà Nội:

Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học nhà trẻ ít nhất đạt 35%, mẫu giáo đạt 95%.

Tỷ lệ huy động trẻ đi học đúng độ tuổi (6 – 11 tuổi) đạt 100%. Thanh thiếu niên đi học đúng độ tuổi (11- 14 tuổi) đạt 100%. Phấn đấu 90% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương.

Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày đạt trên 90% vào năm 2015.

Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia (đến tháng 12/2015) đạt 50 – 55%.

Phấn đâu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học được kiên cố hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2015 triển khai thí điểm 27 trường chất lượng cao ở các cấp học.

Ngân Anh