- Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh và thi cử. Từ kinh nghiệm làm tuyển sinh ở Hoa Kỳ, tiến sĩ Mark A. Ashwill,Giám đốc Điều hành của Capstone Việt Nam, nguyên Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) tại Việt Nam cho rằng, đổi mới thi cử cần có sự kết hợp giữa đánh giá kiến thức và năng lực khi lựa chọn thí sinh.
Tiến sĩ Mark A. Ashwill: Hoa Kỳ là đất nước có nền giáo dục phát triển mạnh mẽ
và mang tính thực tiễn cao với hệ thống trường ĐH trong đó có nhiều trường ĐH
tốt nhất thế giới.
50 bang của Hoa Kỳ có các chương trình đào tạo khác nhau và cách thức quản lý
giáo dục khác nhau. Hiện nay, Hoa Kỳ có chuẩn học sinh tốt nghiệp cấp 3 và tất
cả các bang đều theo chuẩn đó. Trong số 50 bang thì khoảng một nửa có tổ chức kỳ
thi tốt nghiệp phổ thông và có điểm chuẩn chung để xét duyệt học sinh hoàn thành
chương trình phổ thông.
Ở các trường ĐH, Hoa Kỳ áp dụng đánh giá năng lực của ứng viên thông qua kết quả
bài thi chuẩn hóa (SAT và ACT), bài luận cá nhân, kết quả học tập phổ thông, thư
giới thiệu của giáo viên, các thành tích về hoạt động ngoại khóa… Tuy nhiên,
trên thực tế, không phải trường ĐH nào ở Hoa Kỳ cũng yêu cầu học sinh phải có
điểm SAT hoặc ACT.
Một trong những nguyên nhân khiến nền giáo dục ĐH của Hoa Kỳ phát triển đó là hệ
thống giáo dục ĐH được tổ chức tốt, các trường ĐH áp dụng được thành quả phát
triển của công nghệ thông tin và kỹ thuật trong quá trình quản lý. Ngoài ra,
phương thức tuyển sinh cũng góp phần quan trọng trong sự thành công của nền giáo
dục ĐH. Ngoài kết quả thi đánh giá chuẩn hóa thì các trường ĐH có kết hợp đánh
giá phẩm chất, các kết quả khác của học sinh (thí sinh tham gia trả lời phỏng
vấn trực tiếp bởi các cựu sinh viên hoặc cán bộ của trường; các trường dựa vào
điểm trung bình học tập bậc THPT…).
Cần có sự kết hợp đánh giá kiến thức và năng lực...
Ở Việt Nam gần đây xuất hiện quan điểm cho rằng thay vì kiểm tra kiến thức
của học sinh, kỳ thi ĐH nên hướng tới kiểm tra năng lực tổng hợp của học sinh,
trong đó nhấn mạnh đến năng lực tư duy. Theo ông cách làm này có phù hợp và đó
có phải là định hướng tích cực, hướng đến sự đổi mới sâu rộng trong giáo dục
Việt Nam?
- Theo tôi cần có sự kết hợp giữa đánh giá kiến thức và năng lực khi lựa chọn
thí sinh.
Phương án đổi mới tuyển sinh ĐH theo hướng đánh giá toàn diện năng lực có mục
tiêu tổng quát là đổi mới phương thức và nội dung tuyển sinh để tuyển chọn được
ứng viên có đủ những năng lực, phẩm chất cần thiết và phù hợp để học tập tốt ở
bậc ĐH; giảm áp lực xã hội trong các kỳ tuyển sinh ĐH; phù hợp với thông lệ quốc
tế và xu hướng đổi mới của giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
Kết quả thi là khách quan, tuy nhiên đó chỉ là một trong nhiều thông số quyết
định đến việc tuyển sinh. Ngoài kết quả thi, cần lưu ý đến thư giới thiệu, điểm
trung bình trung bậc học THPT, bài luận cá nhân về bản thân và mục tiêu học tập.
Việc đánh giá năng lực, đặc biệt là năng lực tư duy sẽ góp phần đánh giá toàn
diện năng lực thể hiện qua việc đánh giá toàn diện quá trình học tập và rèn
luyện đạo đức, phẩm chất của ứng viên.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý là việc thay đổi này cần được tiến hành từng bước một
cách vững chắc. Trước hết nên tập trung đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH để phù hợp
với chương trình THPT và nhu cầu hiện nay của các trường ĐH, tiến tới đổi mới
giáo trình cũng như quá trình dạy và học.
Theo ông, phương án đổi mới tuyển sinh nào là đáng chú ý tại Việt Nam hiện
nay?
- Phương thức thi hiện nay được đánh giá là căng thẳng và không hiệu quả, tốn
kém cho cả thí sinh và xã hội.
Khi hệ thống giáo dục đang đứng trước yêu cầu cần phải thay đổi theo hướng
chuyển từ phương thức giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang phương thức tập
trung trang bị phương pháp, kỹ năng trên một nền tảng kiến thức chuyên môn căn
bản và phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học thì quy trình của
phương thức tuyển sinh cũ sẽ không còn phù hợp. Xã hội đã thay đổi, do đó,
phương thức tuyển sinh cũng cần phải thay đổi theo.
Trong các phương án đổi mới tuyển sinh mà các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam đang
thực hiện, tôi đánh giá cao phương án của ĐHQG Hà Nội đang triển khai.
Một yêu cầu đang đặt ra đối với giáo dục là cần phải thay đổi để đáp ứng sự thay
đổi của xã hội, do đó, phương thức tuyển sinh cũ, dù đã phục vụ đúng mục đích và
có ý nghĩa trong bối cảnh cũ cũng sẽ trở thành lạc hậu và không còn phù hợp.
Và thật vui khi Việt Nam đang thực hiện các bước cần thiết để cải cách phương
thức tuyển sinh ĐH bằng cách thay thế phương thức truyền thống với phương thức
mới, hiệu quả hơn, khách quan hơn và đánh giá được các năng lực tư duy ở bậc cao
hơn.
ĐHQG Hà Nội đang đi đúng hướng?
Phương án của ĐHQG Hà Nội mà ông vừa nói tới có khả thi trong điều kiện thực
tế hiện nay của Việt Nam?
- Tôi tin vào sự thành công của phương thức tuyển sinh theo năng lực mà ĐHQG Hà
Nội đang triển khai. Phương án tuyển sinh này tiếp cận theo hướng đánh giá toàn
diện năng lực bằng cách kết hợp giữa thi và tuyển chọn, căn cứ trên kết quả đo
lường và đánh giá những năng lực và phẩm chất cốt lõi của ứng viên cần có để học
ở bậc ĐH.
Nội dung bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội không chỉ tổng hợp được các
kiến thức của bậc phổ thông mà còn tích hợp các nội dung khác như năng lực nhận
thức, năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo, năng lực thẩm mỹ và khả năng tư
duy.
Bài thi bao gồm 20% số câu ở cấp độ dễ, 60% số câu cấp độ trung bình và 20% ở
cấp độ khó. Với cấu trúc đề thi như vậy, ĐHQG Hà Nội có thể dễ dàng lựa chọn thí
sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo và cũng phù hợp với hệ thống giáo dục phổ
thông của Việt Nam hiện nay.
Đồng thời, kỳ thi đánh giá năng lực chung sẽ được tiến hành nhiều đợt trong năm
(từ 2 đến 4 đợt), tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước để tạo điều kiện
thuận lợi cho thí sinh ở các vùng miền tham gia, giảm áp lực và chi phí cho cả
thí sinh, phụ huynh và cho xã hội.
Nếu áp dụng phương thức tuyển sinh mới này vào thực tế, theo ông ĐHQG Hà Nội
cần chú ý những điểm gì để có thể thành công?
- Trước hết ĐHQG Hà Nội cần chú trọng việc cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết
về kỳ thi tuyển sinh theo năng lực tới các em học sinh, phụ huynh, giáo viên và
các trường phổ thông để họ có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Cùng với đó, cần có hệ thống tư vấn, hỗ trợ và giải đáp những vướng mắc cho các
em học sinh khi cần thiết. Đồng thời, chú ý đến cách thức tổ chức thi, tính bảo
mật, an toàn, an ninh để kỳ thi được tổ chức an toàn, chuyên nghiệp và tạo ra
kết quả thi khách quan nhất có thể, tránh được những gian lận, rủi ro.
Một trong những điều quan trọng đó là kết hợp với quá trình triển khai phương
thức đổi mới tuyển sinh, ĐHQG Hà Nội nên có những đánh giá kết quả thi có phục
vụ đúng mục đích đặt ra không, có giúp lựa chọn đúng những thí sinh tốt nhất,
phù hợp nhất để học ĐH hay không.
Ngoài ra, cần nghiên cứu mức tương quan giữa điểm thi đầu vào và thành tích
trong những năm học ĐH của các thí sinh để đưa ra những điều chỉnh và giải pháp
phù hợp.
Cảm ơn ông!
Bình Minh (thực hiện)