- Thông tin được đưa ra chiều 18/8, tại hội thảo “Đề án thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014 - 2015”. Nếu được thông qua, đề án này sẽ cần 4.000 tỷ đồng để thực hiện.

{keywords}

Bà Lê Thị Ngọc Điệp: Kinh phí cần được tính kỹ, nhất là phải tính sao để phụ huynh được trả góp dài hạn

Đề án thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học (Đề án SGK điện tử và máy tính bảng) cho từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM đang chờ Bộ GD- ĐT phê duyệt.

Theo dự tính, nguồn kinh phí thực hiện sẽ được chi từ ngân sách thành phố và nguồn xã hội hóa. Trong đó, kinh phí 4.000 tỷ được tính toán như sau:

Trang bị bộ thiết bị phần mềm cho mỗi phòng học dùng chung khoảng 262 triệu/phòng.

Trang bị máy tính bảng cho học sinh, giáo viên mỗi máy tính bảng có giá dao động khoảng 5 triệu/máy. Đầu tư trang thiết bị cho các phòng chuyên môn, mỗi trường được trang bị 1 phòng họp trực tuyến có kinh phí 1,1 tỷ gồm hệ thống hội nghị truyền hình, bộ thiết bị giảng dạy dùng chung, phòng họp có chức năng đào tạo từ xa và họp trực tuyến với các đơn vị khác là (451 trường tương đương 496,1 tỷ)

Kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên: 2.255 cán bộ quản lý sẽ được đào tạo bỗi dưỡng trong thời gian 1 tuần, 10.389 giáo viên đào tạo bồi dưỡng trong hai tuần.

Các hiệu trưởng có thể chọn các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản để bồi dưỡng với kinh phí 250 triệu/người/khóa học (4 tuần); Hiệu phó và giáo viên trực tiếp giảng dạy đào tạo bỗi dưỡng tại chỗ, kinh phí đào tạo nằm trong tổng kinh phí đầu tư trang thiết bị cho các trường học; Giáo viên dạy tiếng Anh được tổ chức đào tạo theo hình thức mời giáo viên bản ngữ đào tạo và cấp chứng chỉ quốc tế với chi phí 55 triệu/người/khóa (khóa 4 tháng). Trước hế,t sẽ đào tạo 952 cán bộ quản lý và đào tạo 50% số giáo viên dạy từ lớp 1 đến lớp 3.

Kinh phí khảo sát thực hiện tại các cơ sở quản lý giáo dục và trường tiểu học 1,095 tỷ; Kinh phí xây dựng tiêu chuẩn trường tiểu học mô hình mới 2,2 tỷ; Kinh phí xây dựng các chương trình SGK điện tử và chương trình đào tạo 1 tỷ....

Nhiều băn khoăn

Theo đề án, triển khai SGK điện tử, toàn bộ chương trình SGK hiện tại sẽ được đưa vào SGK theo công nghệ 3D, được cài đặt vào thiết bị máy tính bảng để học sinh và giáo viên sử dụng. Khi có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung sẽ cài đặt lại tổng thể, giảm chi phí in ấn xuất bản và mua sắm cho phụ huynh học sinh.

Hiện tại, Sở GD-ĐT TP.HCM đã trình UBND TP các phương án và đang đưa các phương án ra lấy ý kiến rộng rãi đến đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo và phụ huynh để triển khai rộng rãi trên thực tế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự hội thảo tỏ ra băn khoăn.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) bày tỏ sự băn khoăn về mạng internet, liệu có đáp ứng cho việc nhiều học sinh cùng sử dụng mạng?

"Thêm nữa, kinh phí cũng là điều cần tính kỹ, phải tính sao để phụ huynh được trả góp dài hạn" - lời bà Diệp. Có thể chọn lựa thiết bị khi mua sắm và có nhất thiết phải mua hết mọi thiết bị theo danh mục của đề án? Hơn nữa theo dự thảo triển khai tính toán mỗi lớp 35 học sinh nhưng trên thực tế các lớp đều có 50 học sinh. - là vấn đề cũng cần tính.

Trưởng phòng giáo dục Q.5 bà Võ Ngọc Thu cho rằng: Đề án SGK điện tử - nếu quyết tâm làm cần phải làm theo theo lộ trình. Mỗi quận chỉ nên thí điểm thực hiện từ 1 đến 3 trường, mỗi trường thí điểm từ 1 đến 3 lớp. Sau đó, sơ kết đánh giá kết quả, nếu tốt thì xã hội sẽ đồng thuận và triển khai rộng rãi, tránh triển khai đồng loạt khi chưa đánh giá được kết quả của đề án.

{keywords}

Các đại biểu bày tỏ băn khoăn về đề án sách giáo khoa điện tử

Một đại biểu khác đặt vấn đề, việc sử dụng máy tính bảng quá sớm liệu có ảnh hưởng đến thị lực trẻ. Nếu triển khai cần phải có lộ trình cụ thể hơn để phụ huynh nắm bắt, bây giờ đã bước vào năm học mới nếu triển khai ngày từ đầu sẽ không kịp vì nầy nếu thí điểm nên dời sang học kì II của năm học hoặc sang năm học 2015-2016…

Một số ý kiến khác băn khoăn, dự án hiện đại hóa trường học cần có đầu tư lớn, đơn cử như máy tính bảng để tích hợp SGK điện tử có giá thành tối thiểu khoảng 5 triệu/máy, nếu sử dụng ngân sách nhà nước sẽ là gánh nặng cho ngân sách, quá sức của chính phủ vì vậy cần được xã hội hóa, nhưng việc xã hội hóa không dễ. Thành phố cần nghiên cứu chính sách để có thể huy động các lực lượng như các tổ chức, cá nhân có đầu tư triển khai kinh doanh trên địa bàn thành phố đóng góp hỗ trợ, bố trí ngân sách để thực hiện. Trong đó thiết bị của thầy cô giáo và thiết bị dùng chung cho trường lớp, hỗ trợ học sinh nghèo là từ kinh phí của thành phố.

Ông Hà Hữu Phúc, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đề xuất: Cần làm rõ thêm nhiều nội dung tại sao lại thí điểm SGK điện tử cho bậc tiểu học lớp 1, 2, 3 mà không áp dụng cho các bậc học khác?

Nếu chỉ triển khai từ lớp 1 đến lớp 3 sau học xong, lên lớp 4 các em có bị hụt hẫng khi quay trở lại học SGK thường không?

Mặt khác, cần lưu ý nếu là thí điểm có thể thành công, hoặc không thành công, cần phải có nhiều buổi hội thảo để lấy ý kiến thật hoàn chỉnh để có được một đề án cụ thể, chi tiết trước khi triển khai.

Lê Huyền