- Những lo lắng của các chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông tiếp tục được nêu ra tại hội thảo sáng 28/8. Chưa thấy tính chất cải cách, đột phá của đề án ở đâu, GS Nguyễn Minh Thuyết cảnh báo các đại biểu Quốc hội và cả cơ quan trình đề án không bị “ru ngủ” vì câu chữ.

Sáng 28/8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tham vấn các chuyên gia của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội về đề án này nhằm có căn cứ để Ủy ban thẩm tra chính thức Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông (sau xin viết tắt là Đề án-PV) trong tháng 9 tới trước khi trình ra Quốc hội.

Vẫn mơ hồ, cần “cảnh báo”

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng nội dung và chuẩn bị cho Đề án hiện nay còn yếu, các trường sư phạm chưa chuẩn bị được gì cho lực lượng giáo viên, phải có chế độ đãi ngộ tốt để thu hút người giỏi vào giáo dục, không có người giỏi thì đổi mới không thể thành công. Cơ sở vật chất hiện cũng chưa được chuẩn bị tốt.

{keywords}

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan. (Ảnh: Văn Chung).

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Về vấn đề biên soạn SGK, Bộ GD-ĐT nên viết 1 bộ SGK, nhưng vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác biên soạn bộ SGK.

Nếu có nhiều bộ SGK thì Bộ GD-ĐT cần đối xử công bằng, không được phân biệt, việc chọn bộ SGK nào hoàn toàn là quyền của người học.

PGS.TS Tâm Đan cũng đề nghị phải giải quyết tốt bài toán cơ sở vật chất, vì đó là điều kiện quan trọng để thực hiện thành CT-SGK mới. Cần theo hướng tỉnh nào khá thì tự lo, còn tình nào còn khó khăn thì ngân sách hỗ trợ để hoàn thiện.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục chia sẻ ông chưa hiểu Bộ GD-ĐT sẽ làm thế nào, kể cả một số chuyên gia ở bộ cũng chưa hiểu sẽ làm như thế nào về dạy và học phân hóa. Đề án theo hướng dạy tích hợp, phân hóa là sự phân hóa rất lớn, có ý nghĩa thời đại của giáo dục Việt Nam và thích ứng được với giáo dục thế giới. Vì thế phải chuẩn bị thật kỹ để làm tốt nội dung này.

Ngoài việc phải phân luồng mạnh học sinh, GS Hạc cũng nhấn mạnh: Để đối mới chương trình thì các trường sư phạm –“máy cái” phải đổi mới nhưng họ gần như vẫn án binh bất động.

Từ chuyện bộ đưa ra dự kiến số năm học THCS là 5 năm sau lại rút xuống như 4 năm hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đây là điều “hết sức đáng trách”.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: LAD).

Về đánh giá báo cáo tác động của đề án, GS Thuyết cho rằng hiện nay giáo viên không phải là không muốn sáng tạo, nhưng họ đổi mới thì được gì, hay là cứ cuồng chân ôn luyện cho học sinh thi cử.

Chuyện đề án tác động đến ngân sách NN ra sao cũng chưa có trong báo cáo QH chỉ quan tâm 2 vấn đề: tiền, có làm phiền dân không?

Ủng hộ chủ trương sử dụng nhiều bộ SGK nhưng GS Thuyết cũng cảnh báo các đại biểu quốc hội và cả cơ quan trình đề án không bị “ru ngủ” vì câu chữ. Đề án chưa giải thích được cho xã hội hình dung tính chất cải cách, đột phá của chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào.

Về phương pháp đổi mới, ông Thuyết cho rằng bộ nên thực hiện 3 bước: Điểu chỉnh chương trình trước, sau đó yêu cầu giáo viên điều chỉnh phương pháp, trong thời gian đó thì tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK.

"Những gì cần thì sửa ngay"

Phát biểu tại hội thảo, Thứ  trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Quan điểm của bộ là những gì cần sửa thì sửa ngay.

Về vấn đề tích hợp, Bộ cũng đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau. Để tiếp thu được kiến thức tích hợp, học sinh vẫn phải học kiến thức từng môn. Vì vậy, tiếp thu kiến thức SGK thế nào cũng phải cẩn trọng, cùng kiến thức đó nhưng dạy và học Việt Nam lại khác.

Bộ GD-ĐT quán triệt quan điểm phải đối mới đồng bộ, nhưng đề án này chủ yếu nói về CT-SGK. Còn để thực hiện đổi mới CT-SGK thì còn 2 đề án hoàn thiện cơ sở vật chất giáo dục phổ thông và đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên.

{keywords}
Từ trái qua phải: Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển và GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội. (Ảnh: Văn Chung).

Kết luận buổi hội thảo, GS-TS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng Đề án muốn thực hiện thành công thì phải chuẩn bị các điều kiện, trong đó đào tạo-bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phải đi trước 1 bước. Việc đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên hiện nay là nhiệm vụ khó, Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm, phải giao nhiệm vụ cụ thể cho các trường sư phạm.

Khẳng định chủ trương tích hợp và phân hóa ở phổ thông là đúng, nhưng ông Thi cho rằng Bộ GD-ĐT cần có định hướng cụ thể hơn trong quá trình hoàn thiện đề án để Ủy ban thẩm tra.

Ông Thi cũng ủng hộ 1 chương trình nhiều bộ SGK và Bộ GD-ĐT phải chủ động biên soạn 1 bộ SGK. Đề án cũng phải quy định rõ ai có quyền quyết định lựa chọn SGK nào để học, nên giao cho giáo viên hoặc trường, không nên giao cho sở GD-ĐT vì rộng quá.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi thông báo cho biết các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1 là Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách.

  • Văn Chung