Một loạt quy định, hướng dẫn đã được Bộ GD-ĐT công bố trước thềm năm học mới và sẽ có hiệu lực ngay từ năm học 2014 – 2015.

Những thay đổi

Mới nhất là quy định đánh giá học sinh tiểu học, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2014.

Theo quy định này, các trường sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ học sinh.

Trong một năm học sẽ có 2 bài kiểm tra định kỳ vào cuối học kì I và cuối năm học đối với các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kì. Bài kiểm tra định kì được cho điểm theo thang điểm 10 (mười), không cho điểm 0 (không) và điểm thập phân.

{keywords}
Học sinh Trường Tiểu học Phan ĐÌnh Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) trong ngày tựu trường 5/9 (Ảnh: Bảo Anh)

Bộ GD-ĐT cũng cấm dùng kiến thức vượt chuẩn để đánh giá học sinh

Theo Thông tư số 21/2014 của Bộ GD-ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo có hiệu lực từ ngày 20/8, giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học.

Bên cạnh đó, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Cũng từ năm học này, học viên nghỉ học quá 45 buổi trong 1 năm học - thay vì 35 buổi học quy định cũ - kể cả nghỉ có phép và không phép, sẽ không được lên lớp theo quy định của Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT.

Người khuyết tật sẽ được tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp theo Quy chế Tuyển sinh Trung cấp chuyên nghiệp, có hiệu lực từ ngày 25/9. Đặc biệt, đối với thí sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic, hội thi khoa học kỹ thuật, nếu chưa tốt nghiệp THPT hoặc THCS, thí sinh sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp.

Từ ngày 9/9, theo quyết định về Chế độ tư đãi của Thủ tướng Chính phủ, học sinh sinh viên theo học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù như nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật sẽ được giảm 70% học phí.

Những "món nợ" phải hoàn thành

Ngoài những quy định đã được công bố và áp dụng, Bộ GD-ĐT còn hàng loạt đầu việc sẽ phải hoàn thành trong thời gian trước mắt. “Món nợ” lớn của Bộ mà nhiều người đang chờ đợi nhất, đó là phương án cho kỳ thi quốc gia năm 2015.

Trong những tháng cuối năm 2014, ngành giáo dục cũng còn một loạt văn bản, đề án triển khai kế hoạch hành động của ngành giáo dục để thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phải hoàn thiện.

Có thể kể ra “Đề án thành lập Trung tâm truyền thông giáo dục”; “Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” - vấn đề được tranh luận khá sôi nổi trong thời gian qua; “Hướng dẫn sắp xếp lại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật - hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện”, “Nghị định về phương thức, tiêu chí phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học”.

Việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học sẽ được cụ thể hoá bởi “Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo giai đoạn 2013- 2017” và “Nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo”. Hai văn bản này theo dự kiến cũng sẽ phải hoàn thiện trong năm 2014.

Sang tới năm 2015, các đề án, nghị định quan trọng liên quan tới giáo dục theo dự kiến sẽ phải hoàn thiện là: Đề án rà soát, hoàn thiện mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn 2030; Đề án phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông; Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2015 – 2020; Đề án xây dựng Khung trình độ quốc gia; Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Đề án đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...

Ngân Anh