- Đó là đề xuất của GS.TSKH Trần Xuân Hoài Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý Ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trước chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về đồng ý tổ chức một kỳ thi quốc gia.

Theo GS.TSKH Trần Xuân Hoài , kỳ thi quốc gia nên được tổ chức như kỳ thi “ba chung”, tức là giao về cho các trường ĐH.

Cho rằng để áp dụng ở thời điểm này phương án 1 là khả thi nhất, ông Hoài nhận xét:

{keywords}
GS.TSKH Trần Xuân Hoài

- Trong khi bệnh thành tích và thiếu trung thực chắc chắn chưa thể khắc phục trong vài chục năm tới thì kỳ thi “ba chung” của chúng ta là một ý tưởng tốt và sự thực hiện cũng không tồi.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, về phương án tổ chức như kỳ thi “ba chung” có thể chọn làm chuẩn mực cho kỳ thi quốc gia tương lai. Điểm sáng thì nên giữ và làm cho nó sáng thêm.

Bộ GD-ĐT chỉ còn một việc cụ thể phải lo là tổ chức tốt kỳ thi quốc gia thường niên. Chỉ cần một ban chuyên môn là đủ, thậm chí có thể thuê một tổ chức nào đó thực hiện. Toàn bộ Cục khảo thí có thể đi làm việc khác. Bộ chỉ cần tập trung vào quản lý vĩ mô, lo phát triển phần hồn cho giáo dục. Và tất nhiên tăng cường khâu giám sát, kiểm tra là việc quan trọng nhất của cơ quan quản lý.

Cụ thể là những điểm nào của “ba chung” nên giữ, nên bỏ, thưa ông?

- Cụ thể, vẫn giao các trường đại học tổ chức thi như kỳ thi tuyển sinh những năm qua. Có thể bổ sung thêm các địa điểm thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Còn những sự bất cập trong kỳ thi “ba chung” nên bỏ là: Việc định điểm sàn hàng năm bỏ, thay vào đó là lấy điểm đỗ từ trung bình trở lên; Bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên khu vực, chính sách... - việc này thực hiện ở chỗ khác, không phải ở chỗ đánh giá trình độ, ví dụ trường ĐH nào được chỉ định cộng điểm cho thí sinh để tuyển vào trường mình thì cứ làm.

Những điểm cần bổ sung là: Phân loại bằng của kỳ thi quốc gia này thành 3 loại: A - đỗ 8 môn, B - đỗ 6 môn và C - đỗ 4 môn. Trong bằng phải ghi rõ điểm số của từng môn.

Những thí sinh có bằng A có thể chọn bất kỳ trường ĐH nào để ghi danh, những thí sinh đỗ B hoặc C chỉ được ghi danh vào những trường ĐH có chuyên ngành phù hợp với những môn mình đỗ.

Kỳ thi mở rộng cho mọi người muốn thi, bất kể tuổi tác , nơi học, chỗ học, chính quy, tại chức hay tự học; Bảo lưu có thời hạn điểm đã thi và được quyền thi bổ sung điểm thiếu; Giá trị văn bằng để ghi danh tuyển vào Đại học phải đủ dài - tạm đề nghị 10 năm...

Tóm lại, chúng ta đã có kinh nghiệm tổ chức “ba chung”, các cải cách tiếp tục không tốn kém, phức tạp, nặng nề, thậm chí là ngược lại.

Khi trường ĐH sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và kết quả của kỳ thi quốc gia để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ, có thể một số trường phổ thông sẽ không trung thực, tạo ra những học bạ đẹp để “hỗ trợ” học sinh. Theo ông, cần giải quyết mối lo này như thế nào?

- Hết các cấp học, học sinh sẽ chỉ được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình học và học bạ. Rõ ràng, không có kỳ thi nào nghĩa là chấm hết trò gian lận trong thi cử ở bậc phổ thông.

Tất nhiên cũng sẽ xuất hiện chứng nhận kém, rởm... nhưng chúng sẽ không có hại gì nhiều cho xã hội. Vì với việc học nghề, với các nhà tuyển dụng lao động chứng nhận đó của người xin việc chỉ là một yếu tố tham khảo, kỹ năng nghề và khả năng lao động mới là điều quan trọng nhất. Còn để tiếp tục học nghề trung cấp, CĐ thì đã có hàng rào tuyển chọn theo yêu cầu của từng trường. Còn muốn vào đại học thì tối thiểu phải có bằng quốc gia, không phụ thuộc vào bảng điểm của trường.

Các trường nghề, CĐ nào muốn liên thông lên ĐH thì phải có chương trình bồi dưỡng cho học sinh trường mình tham dự kỳ thi quốc gia thường niên, không thể lợi dụng xin cho nhãn mác như hiện nay. Số lượng và chất lượng đầu vào rộng mở cho ĐH, loại bỏ chuyện xin cho chỉ tiêu.

Không còn chuyện vì chỉ tiêu công lập mà ngoài công lập mất cơ hội tuyển sinh.

GS.TS Nguyễn Đức Dân, Khoa văn học và Ngôn ngữ (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM): "Đành chấp nhận một kỳ thi nhưng tôi chưa yên tâm..."

Trong tình hình hiện nay, tôi thấy không thể không chấp nhận một kỳ thi quốc gia. Đây là xu thế chung của thời đại, rất nhiều nước khác đã tổ chức như thế.

{keywords}
GS.TS Nguyễn Đức Dân

Vả lại, không bắt đầu ngay thì bao giờ mới bắt đầu? Chúng ta đã có quá nhiều năm “nghiên cứu” cải cách giáo dục, trong đó có thi cử. Rốt cuộc vẫn cứ ngổn ngang, rối mù và vẫn bị xã hội phê phán. Thôi thì đành chấp nhận một kỳ thi nhưng tôi không yên tâm, vì tin chắc kết quả không phản ánh năng lực thực của học sinh ít nhất cũng trong mươi năm đầu tiên.

Chủ nghĩa “thành tích cao” là một căn bệnh xã hội hiện nay, hầu như có ở mọi ngành và mọi địa phương. Ngành giáo dục không phải là một ngoại lệ. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT không ảnh hưởng gì tới kết quả vào thi ĐH, ấy thế mà lâu nay nhiều trường, nhiều địa phương có tỷ lệ đỗ cao ngất ngưởng, không 100% thì cũng 99%, huống hồ nay kết quả này lại dùng làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH!

Một khi trên dưới đã “đồng lòng nhất trí” để địa phương mình đạt thành tích thi cử cao, học sinh trúng vào nhiều trường đại học thì dù Bộ GD-ĐT có trăm phương nghìn kế cũng không một biện pháp nào, không một phương án thi cử nào có thể đưa lại một kết quả trung thực, công bằng trong kỳ thi chung quốc gia.

Vậy cần có biện pháp khác điều chỉnh kết quả kỳ thi này. 

Nên thay kỳ thi ĐH bằng kỳ hậu kiểm của riêng từng trường.  Cần dùng sức mạnh của dư luận xã hội để giảm dần tình trạng gian lận thi cử ở cấp độ vĩ mô. Đó là biện pháp dùng con số để chứng minh những gian lận: Hãy công khai “thành tích” thi chung và kết quả hậu kiểm ở một số trường ĐH lên các trang mạng, lên các bản in giấy lưu truyền được lâu của từng trường và của ngành GD rồi công bố lên báo chí để công chúng biết.

Hằng năm, công bố đều đều và tích lũy lại. Cần có những thông báo kiểu như thế này: “Trong kỳ thi THPT vừa qua (năm 2015, năm 2016...), 90% học sinh đạt kết quả giỏi của trường A, cụm thi B, huyện C, tỉnh D do ông E làm chủ tịch đã bị loại trong kỳ thi lại vào trường ĐH X, trường ĐH Y...” Từ đó dễ dàng tổng hợp được độ vênh giữa kết quả hai kỳ thi. Tự những con số vênh trong nhiều lần nói lên ai trung thực ai gian dối, tạo nên áp lực với các quan chức đưa các kỳ thi chung trở lại sự nghiêm túc cần thiết. Nhưng những công bố như vậy sẽ “đụng”.

Vấn đề là Bộ GD-ĐT có đủ dũng khí và quyết tâm thực hiện hay không.

Ngân Anh - Lê Huyền