- Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định –TP.HCM Nguyễn Thị Thu Cúc cho rằng, các
trường ĐH sớm công bố đề án riêng. Học sinh phổ thông không thể chờ đến tháng 1
mới biết được chính xác ngành nghề mình chọn cần phải thi những môn gì...
Trong phương án kỳ thi quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT có quy định, trước ngày 1/1 hàng năm các ĐH, HV, các trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ kết quả thi bộ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đổi với từng môn....
Giáo viên chúng tôi không muốn bị "đánh đố"
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết: Thời gian gần đây Bộ GD-ĐT đang thực
hiện theo hướng nếu điều gì đổi mới mà có lợi cho học sinh là làm ngay, không
chờ thời gian. Chúng tôi ủng hộ sự đổi mới này nhưng có lẽ khâu tuyên truyền còn
chậm nên tạo tâm lý bất ổn cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc |
Ngay việc Bộ công bố phương án thi, trước ngày 9/9/2014 giáo viên và học sinh đều biết có sự thay đổi nhưng chưa cụ thể.
Theo tôi, trước khi công bố phương án này, ngoài việc lắng nghe ý kiến các chuyên gia, Bộ cũng cần lắng nghe những ý kiến từ những người giảng dạy trực tiếp như chúng tôi.
Hy vọng, với ý tưởng này, tuy muộn nhưng cũng mong Bộ sớm có kế hoạch triển khai chi tiết để các trường có kế hoạch phù hợp, định hướng tốt cho giáo viên trong giảng dạy và việc học tập của học sinh.
Vừa là nhà quản lý, vừa là giáo viên bà có những lo lắng gì về kỳ thi "2 trong 1" sắp tới?
- Một kỳ thi kết hợp "2 trong 1" đưa lại nhiều thuận lợi trước mắt nhưng ẩn chứa nhiều lo lắng. Chắc chắn bất cứ sự đổi mới nào cũng sẽ tạo nên sự xáo trộn và ít nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, cũng trên tinh thần của Bộ nếu những vấn đề lo ngại nào có thể giải đáp ngay, thông tin rõ thì cần công bố để tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự tự tin cho thầy và trò và trên hết đảm bảo lợi ích chính đáng của các em.
Hiện nay, một số vấn đề cụ thể sau đang làm chúng tôi ít nhiều lo lắng vì chưa rõ:
Về chương trình, nếu năm trước thực hiện hai kỳ riêng biệt: tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ trong đó học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp chỉ yêu cầu nắm vững kiến thức chương trình lớp 12, nhưng ở một số môn học sinh dự thi ĐH phải nắm vững ngoài chương trình lớp 12 còn có cả chương trình lớp 10 và lớp 11.
Vậy tiến tới một kỳ thi trong năm nay chúng tôi lo lắng đề thi sẽ được phân hóa như thế nào, điều này rất cần đối với những em chỉ thi tốt nghiệp phổ thông. Do đó, mong lãnh đạo Bộ báo sớm để chúng tôi có kế hoạch ôn tập.
Với một đề thi "2 trong 1" đòi hỏi có sự phân hóa từ cơ bản đến nâng cao, như vậy cấu trúc đề thi năm nay có bao nhiêu phần trăm nằm ở phần cơ bản, bao nhiêu phần trăm nằm ở phần nâng cao. Chúng tôi phải dạy cho học sinh như thế nào để có thể tạo cơ hội tốt nhất cho các em bước tiếp vào giảng đường ĐH hoặc CĐ.
Về lịch trình của Bộ kỳ thi THPT quốc gia hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6, đồng thời Bộ cũng quy định trước ngày 1/1 hàng năm các ĐH công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển là “đánh đố” thầy và trò ở phổ thông.
Bộ cũng cho biết, các trường ĐH có thể ra theo phương án riêng? Phương án riêng là phương án như thế nào. Trường hợp rủi ro nhất nếu các trường công bố vào ngày cuối cùng (1/1) học sinh chúng tôi chỉ còn 6 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi này. Đừng để giáo viên và học sinh có tâm trạng bị “đánh đố” mà theo chúng tôi là không cần thiết trong giai đoạn chúng ta bắt đầu sự đổi mới.
Để "giảm tải" không thành "quá tải"
Bộ quy định kỳ thi quốc gia đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh, ý kiến của bà về đề thi ra sao?
Trên lý thuyết, phân 4 cấp độ là đúng. Bất kỳ giáo viên nào cũng dạy các em 4 cấp độ này. Nhưng tùy từng đối tượng giáo viên sẽ có kế hoạch giảng dạy cụ thể.
Cái chúng tôi cần là Bộ sẽ phân các cấp độ này theo tỷ lệ như thế nào để giáo viên chúng tôi có kế hoạch giảng dạy và ôn tập đúng cho từng đối tượng. Chúng ta cũng biết rằng việc giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh sẽ đưa đến hiệu quả cao hơn và giúp học sinh có sự định hướng trong nghề nghiệp tương lai tốt hơn.
Như bà nói việc thi ĐH tùy bộ môn, có bộ môn chương trình thi cần kiến thức cả 3 năm: 10, 11, 12, vậy việc triển khai kỳ thi "2 trong 1" có quá sớm khi các em chưa được chuẩn bị kỹ?
Tôi nghĩ, trên lý thuyết thì việc thực hiện một kỳ thi sẽ tốt hơn cho tốt hơn cho học trò, nên chúng ta phải làm ngay.
Nhưng vì đây là sự đổi mới ban đầu nên cần có sự triển khai cụ thể để tạo sự an tâm cho giáo viên và học sinh, nếu không cụ thể sẽ dẫn đến tình huống các giáo viên muốn an toàn, tức là môn nào cũng yêu cầu học sinh nắm toàn bộ kiến thức cần để thi ĐH. Vậy việc giảm tải sẽ trở thành quá tải trong khi các em bước vào bậc đại học đòi hỏi sự đam mê, năng khiếu và không đầu tư một cách dàn trải.
Sự đổi mới này chắc chắn bước đầu sẽ gây khó khăn cho chúng tôi. Nếu như các năm trước, giáo viên có thể chủ động được thì năm nay với mức độ phân hóa cao của đề thi, chúng tôi lo nhiều cho các học sinh trung bình, yếu, không biết các em có đủ khả năng để thẩm định những câu nào dành cho mình và những câu nào ở mức độ nâng cao, và như vậy chắc chắn hiệu quả cho mục đích tốt nghiệp phổ thông sẽ thấp.
Nhìn chung việc thay đổi liên tục có “chóng mặt” nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận sự khó khăn này vì đổi mới là có lợi cho học trò của mình. Tuy nhiên, Bộ cần có kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết, trong quá trình thực hiện từng năm một chúng ta sẽ rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần để đảm bảo sau 3 năm, việc đổi mới này sẽ đi vào lộ trình tốt hơn.
Không thể chờ đến tháng 1...
Như vậy bà mong muốn gì ở chức kỳ thi quốc gia sắp tới?
Mục đích của cải tiến đều đi đến giảm tải, nhẹ nhàng, và hiệu quả. Nhưng nếu sự đổi mới này mà không có hướng dẫn cụ thể, kịp thời thì sẽ dẫn đến tạo sự nặng nề và tăng áp lực cho giáo viên và học sinh.
HS Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền TP.HCM vào năm học mới (Ảnh Lê Huyền) |
Việc có phương án thi khi chưa có hướng dẫn cụ thể là sự chậm trễ. Bộ cần giới hạn cụ thể chương trình, cấu trúc đề. Các trường ĐH cần công bố đề án riêng, kế hoạch riêng. Chúng tôi không thể chờ đến tháng 1 mới có kế hoạch ôn tập cho các em, tôi nghĩ rằng nếu chậm trễ như vậy cũng sẽ dẫn đến chất lượng tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Ngoài ra, về cách xếp loại tốt nghiệp phổ thông, phải quy định như thế nào để tạo sự công bằng so các năm học trước. Ở các năm trước, loại Giỏi là trung bình 8 điểm/môn (không có môn dưới 7). Với đề thi có sự phân hóa cao như năm nay thì bao nhiêu điểm được xếp loại Giỏi? Nếu giữ như cũ thì sẽ khó cho học sinh thi năm nay, nếu giảm thì sẽ giảm như thế nào cho hợp lý?
- Cảm ơn bà!
Lê Huyền (thực hiện)